Vụ sụt lún gây ra "hố tử thần" tại xã An Tiến (Mỹ Đức): Làm rõ nguyên nhân, ổn định đời sống nhân dân
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:19 - 05/04/2016
Khu vực “hố tử thần”.
Vụ sụt lún lớn nhất, nguy hiểm nhất
Tại hiện trường vụ sụt lún ở thôn Hòa Lạc vào chiều 4-4, lực lượng Công an xã An Tiến tổ chức ứng trực nghiêm ngặt. Lối ra, lối vào hố sụt được chính quyền địa phương dựng hàng rào và treo biển cảnh báo "Khu vực nguy hiểm". Do hố sụt xảy ra giữa con đường độc đạo vào trong xóm có 11 hộ dân đang sinh sống nên chính quyền địa phương đã mở một lối đi "dã chiến" tạm thời cho nhân dân. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trưởng công an xã An Tiến, người liên tục có mặt tại hiện trường, cho biết: "Lực lượng công an phải ứng trực liên tục, hướng dẫn người dân trong thôn Hòa Lạc đi lại bảo đảm an toàn".
Theo số liệu đo đạc của cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức vào chiều 4-4, hố sụt lún có đường kính 14m và chiều sâu 11,3m, xung quanh vẫn còn một số vết nứt. Theo mô tả của ông Nguyễn Ngọc Quý, sự việc xảy ra vào khoảng 8h30 ngày 2-4, tại vị trí đường ngõ vào thôn Hòa Lạc, khu vực nhà ông Nguyễn Văn Bắc và bà Nguyễn Thị Sợi xuất hiện hố sụt, đường kính ban đầu khoảng 4m, sâu 4,5m; đến 10h cùng ngày vị trí hố sụt mở rộng lên đường kính 10m, chiều sâu 7m và sau đó tiếp tục phát triển, phải đến chiều 3-4 hiện tượng sạt lở mới cơ bản chấm dứt. Đây là vụ sụt lún lớn nhất và nguy hiểm nhất từng xảy ra trên địa bàn". Anh Vũ Văn Giỏi, một trong 5 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ sụt lún, hiện phải di dời đến ở nhờ nhà người thân, chứng kiến từ đầu, kể lại: "Lúc đó tôi đang ở trong nhà bỗng nghe một tiếng "rắc", chạy ra sân thì đã thấy một cái hố sâu hoắm".
Quan sát hiện trường, chúng tôi thấy thiệt hại nặng nhất là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bắc và bà Nguyễn Thị Sợi. Toàn bộ phần sân, cổng, tường bao quanh đã bị hố sụt "nuốt chửng". Theo thống kê sơ bộ của UBND xã An Tiến, hộ ông Nguyễn Văn Bắc bị hố sụt "nuốt" hai trụ cổng, hai cánh cửa sắt, đoạn tường bao dài 15m, cao 1,8m và sân khoảng 30m2; gia đình bà Nguyễn Thị Sợi bị mất công trình phụ 55m2; gia đình ông Vũ Văn Học mất một công trình phụ 30m2, nhà kiên cố bị nứt bờ tường hậu dài 3m.
Vẻ mặt vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Nguyễn Văn Tư, một trong những người dân chứng kiến thời điểm xuất hiện "hố tử thần": "Tôi đang đưa cháu đi học, qua cổng nhà ông Bắc thì thấy mặt đường nứt nẻ. Sợ quá, tôi vội hô hoán mọi người chạy. Nay thấy hàng xóm rơi vào cảnh mất cửa mất nhà, chúng tôi bàn nhau mỗi gia đình sẽ góp 300.000 đồng để ủng hộ".
Rào chắn bảo vệ khu vực lối vào “hố tử thần”.
Khẩn trương điều tra nguyên nhân
Trong báo cáo nhanh về nguyên nhân ban đầu với UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định: "Nguyên nhân gây sụt lún có thể do phát triển của hang ngầm karst gần mặt đất và sự suy giảm, hạ thấp mực nước ngầm trong các hang động karst do hiện nay đang là thời điểm cuối mùa khô nên đã gây ra hiện tượng giảm áp suất trong các hang karst, dẫn đến hiện tượng sụt lún". Đánh giá thêm về hiện tượng sụt lún này, ông Trần Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã An Tiến tiết lộ: "Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây ở khu vực này có một dòng suối nhỏ, về sau bị bồi lấp và dần trở thành khu dân cư ổn định". Cũng theo ông Hoành, vụ việc ở thôn Hòa Lạc là lần thứ 3 trên địa bàn xã An Tiến xảy ra sụt lún: "Trước đó vào tháng 1-2006 cũng ở thôn Hòa Lạc, một bụi tre đã bị sụt xuống lòng đất; tháng 2-2010 một khu đất rộng khoảng 100m2 cũng sụt sâu khoảng 25cm. Hai khu vực này từ đó đến nay không thấy hiện tượng bất thường". Một chi tiết đáng quan tâm nữa là ngoài địa chất nằm trong khu vực có hang ngầm karst, thì hơn 90% hộ dân ở xã An Tiến hiện đang dùng nước giếng khoan.
Ngay sau khi sự cố sụt lún xảy ra, UBND xã An Tiến đã chỉ đạo lực lượng quân sự, công an tiến hành rào cách ly khu vực sụt lún, cắm biển cảnh báo; theo dõi sự cố và hướng dẫn nhân dân đi lại an toàn. Về việc bảo đảm đời sống cho những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, UBND xã An Tiến đã tổ chức di dời 5 hộ dân (21 nhân khẩu) cùng tài sản đi nơi khác, trong đó 4 hộ đến ở nhờ nhà người thân và một hộ ở tại nhà văn hóa trung tâm của xã; 26 hộ dân khác nằm trong vùng nguy hiểm cũng được cảnh báo các biện pháp an toàn.
Ngay khi nhận được thông tin, UBND huyện Mỹ Đức cũng đã kiểm tra thực địa, chỉ đạo trực tiếp UBND xã An Tiến, các cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục sự cố; bảo đảm an ninh, an toàn và hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cùng các điều kiện khác đối với những hộ dân phải di dời. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết: Ngoài vụ việc xảy ra ở An Tiến, các xã Hợp Tiến, Xuy Xá, Lê Thanh và Hùng Tiến cũng từng ghi nhận hiện tượng sụt lún. Các vụ việc này đều đã được cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu cảnh báo rủi ro để người dân phòng tránh. Ông Hoạt kiến nghị, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành của thành phố khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân sụt lún đất, từ đó đưa ra khuyến cáo cho nhân dân phòng tránh; hỗ trợ kinh phí phòng chống thiên tai để xử lý khẩn cấp sự cố, sớm ổn định đời sống cho nhân dân.
TS Vũ Văn Chinh, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Hiện tượng sụt lún ở Mỹ Đức, Hà Nội, mà người dân gọi là "hố tử thần" xảy ra do sự biến động về địa chất, là một hiện tượng tự nhiên. Trước đây, ở Quốc Oai cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. Huyện Mỹ Đức nằm trong vùng địa chất đá vôi, có nhiều hang hốc, trong đó có những hang ngầm karst. Hang ngầm karst được hình thành trong quá trình đá vôi bị hòa tan do nước chảy vào qua các vết nứt hay đứt gãy. Trong quá trình vận động địa chất, hang được trầm tích đệ tứ bao phủ kín. Khi có sự biến động gây mất cân bằng, như ở Quốc Oai là do việc khoan giếng gây mất nước, trầm tích sụt xuống, tạo phần trống, gây nên những hố sụt. Còn ở Mỹ Đức tôi chưa nắm được nguyên nhân gây mất cân bằng. Với hiện tượng này, cần có sự tổ chức nghiên cứu để đưa ra những khuyến cáo cho người dân về việc di chuyển, phòng tránh... Bên cạnh đó, cần giải thích để người dân hiểu rằng đây là hiện tượng thường thấy của tự nhiên, không phải một hiện tượng tâm linh hay điềm báo gì cả. |