THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:04

Làm người, khuyết điểm gì cũng có thể bỏ qua, chỉ trừ lười biếng

(01)

Những ngày gần đây, người sử dụng mạng xã hội xôn xao trước cách dạy cháu của một người bà ở Nghệ An. Những kinh nghiệm cuộc sống mà bà truyền thụ lại đã được cư dân mạng tán đồng và tới tấp chia sẻ.

Tôi xin phép được chia sẻ lại câu nói mà tôi tâm đắc nhất từ người bà hoàn hảo này. Người bà ấy nói: "Làm người, khiếm khuyết điều gì cũng có thể bỏ qua nhưng không được phép lười biếng. Cháu muốn ăn ngon, cháu phải biết nấu nướng. Cháu muốn mặc đẹp, ít nhất tủ quần áo của cháu phải biết sắp xếp sao cho thật gọn gàng, tươm tất. Muốn ăn ngon mặc đẹp, cháu phải thật chăm chỉ. Sự chăm chỉ này không chỉ thể hiện ở việc cháu đang làm ngoài xã hội, mà còn ở trong sinh hoạt ngày thường của cháu ở nhà. Đừng mang sự mệt mỏi gom được từ ngoài xã hội về chất lên ngôi nhà cháu ở, rồi lấy cớ mệt mỏi để nằm uể oải và không làm gì trong khoảng thời gian còn lại của ngày. Cháu rèn được thói quen như vậy, bà chắc chắn cháu sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt nữa."

Nếu chúng ta dành toàn bộ năng lượng của bản thân để cống hiến cho công việc của mình, rồi sau đó trở về nhà trong kiệt sức, bải hoải, chúng ta quả thật là những người bất hạnh. Trớ trêu ở chỗ, ngày nay gần như tất cả chúng ta đều gặp phải bi kịch như vậy.

Thử nghĩ mà xem, đã bao giờ sau một ngày làm việc đầy năng suất, bạn lết đôi chân về nhà, ăn một bữa cơm qua loa đại khái. Ăn xong, bạn tắm rửa và lia trang phục trong ngảy của mình lên chồng quần áo bẩn chất thành từng đống mà chẳng buồn giặt. Tôi tin rằng những cảnh tượng ấy đã trở thành một chuẩn mực trong lối sống của người trẻ hiện đại.

Lời đúc kết kinh nghiệm sống của bà làm thức tỉnh người ngày đêm sống vật vờ: Làm người, khuyết điểm gì cũng có thể bỏ qua, chỉ trừ lười biếng - Ảnh 1.

Ai cũng muốn hoàn thành tốt công việc của mình, ai cũng muốn bản thân kiếm được thật nhiều tiền, nhưng đáng buồn là trong quá trình đó, họ đã đánh mất tất cả nguồn năng lượng sống của bản thân. Họ trở thành những cỗ máy vật vờ, không biết làm gì với cuộc sống của mình sau khi tan giờ làm việc.

Muốn cuộc sống không chỉ ý nghĩa trong 8 tiếng làm việc, bạn phải rèn được thói quen chăm chỉ. Đừng biến ngôi nhà trở thành nơi bạn đốt thời gian cho những sự chây ì vô nghĩa. Học cách chăm sóc tốt bản thân, luyện tập những kĩ năng mới, hay đơn giản chỉ là làm việc nhà, bạn sẽ thấy không phút giây nào của cuộc đời mình bị uổng phí.

(02)

Một vị đồng nghiệp từng mời tôi đến nhà chơi. Khi đặt chân vào nhà cô, tôi phải sững người trước sự sạch sẽ của căn nhà này. Sàn nhà bóng loáng, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, cầu thang không có dù chỉ một hạt bụi. Ngưỡng mộ, tôi hỏi tại sao bận rộn như cô mà vẫn có đủ thời gian để dọn dẹp nhà cửa sạch không tì vết.

Cô trả lời mình là một người không chịu được bẩn. Chính tính cách này đã rèn cho cô những thói quen dọn dẹp nhà cửa tốt. Khi cô xào xong món ăn, cô lập tức dùng giẻ để lau sạch gian bếp. Sau khi rửa mặt, cô sẽ xài một tấm giẻ khô để lau những vết nước đọng trên bồn rửa. Lúc đánh răng, cô tiện tay lau kính phòng vệ sinh. Khoảng thời gian rảnh rỗi, cô cũng tranh thủ làm công việc lau dọn. lúc rảnh rỗi khi nấu đồ ăn thì cũng chà một chút cái tủ lạnh.

Những thói quen này đã khiến cho nhà cô luôn gọn gàng, tinh tươm. Đặc biệt, việc tranh thủ những khoảng thời gian ngắn để dọn dẹp nhà cửa khiến cô không gặp phải áp lực giống như nhiều người nội trợ khác. Thay vì để tâm lý "để nhà bẩn một thể rồi dọn", những hành động nhỏ của cô khiến cô không cảm thấy ngại mà thậm chí còn thích thú với việc dọn dẹp nhà cửa. Và cũng chính vì thế, cô luôn cảm thấy thoải mái nhất khi trở về ngôi nhà của mình.

Điểm chung của những người hạnh phúc, đó là sở hữu một căn nhà gọn gàng ngăn nắp.

Lời đúc kết kinh nghiệm sống của bà làm thức tỉnh người ngày đêm sống vật vờ: Làm người, khuyết điểm gì cũng có thể bỏ qua, chỉ trừ lười biếng - Ảnh 2.

(03)

Một người bạn thân của tôi khó khăn lắm mới xin nghỉ phép đựơc một ngày để đến bệnh viện khám sức khỏe. Lúc xếp hàng bốc số khám bệnh, anh ta mới phát hiện quên chứng minh thư và thẻ bảo hiểm y tế ở nhà. Anh bèn gấp gáp quay trở về nhà lấy. Không may cho anh, khi quay trở lại bệnh viện, không còn số khám bệnh nào cho anh để bốc nữa.

Anh uất ức gọi cho tôi, than thở rằng chỉ tại hôm qua thay ví nên mới quên mang giấy tờ. Vì là bạn thân, tôi hiểu rất rõ thói quen của anh nên không thể cảm thông được. Anh bị mắc tật quên trước quên sau. Đã thế, anh còn hành sự theo kiểu nước đến chân mới nhảy. Mỗi khi có việc, anh đều chờ đến sát giờ rồi mới vơ đồ đạc bỏ vào túi và vội vã ra khỏi nhà. Cũng chẳng khó hiểu nếu như anh bỏ sót đồ lại.

Tôi còn quen biết một người bạn khác, mỗi ngày về nhà cô ta đều moi hết đồ trong túi xách tay ra, rồi bỏ vào một chiếc giỏ được đặt cố định ở lối đi vào. Ngày hôm sau khi ra ngoài, cô chỉ cần bỏ tất cả những đồ trong giỏ ấy vào lại trong túi xách. Làm như vậy, cho dù có thay đổi túi xách thì cô cũng sẽ không bao giờ bị bỏ sót lại đồ.

Những thói quen nhỏ có thể đem lại những hiệu quả lớn. Đừng đổ lỗi sự bận rộn của mình cho sự thiếu chu đáo tới bản thân.

Nếu bạn thấy cuộc đời mình là một mớ hổ lốn và bạn tha thiết muốn được cải thiện nó, hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhặt như làm việc nhà, nấu bữa cơm thật ngon cho bản thân. Thế giới của bạn khi đó sẽ trở nên tươi đẹp hơn, nỗi phiền não trong đầu cũng theo đó mà vơi đi dần.




Đình Trọng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh