Làm lây lan dịch bệnh không khai báo y tế có thể lĩnh án tù
- Y học 360
- 16:49 - 09/03/2020
VOV đưa tin: Bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu hành vi trốn tránh khai báo dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; Làm chết người.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì người tiếp xúc với người bệnh dịch truyền nhiễm khi trở về nước bắt buộc phải cách ly y tế. Việc người nhập cảnh đi từ vùng dịch về có biểu hiện của bệnh dịch (mệt mỏi, ho, sốt...) mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly theo quy định là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hành theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Theo đó, quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị xử phạt theo điều 10 như sau: Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, người mắc bệnh cố tình che giấu tình trạng bệnh là hành vi vi phạm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau như: Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Mặt khác, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Theo Điều 240, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định cụ thể như người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; Làm chết người.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
TTXVN (Việt Nam+) đưa tin: Theo Luật sư Giang Hồng Thanh, quy định tại Điều 35, 36 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nêu rõ các đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới, trong đó có người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam phải được khai báo y tế. Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2018 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định việc khai báo y tế được áp dụng đối với một trong các trường hợp: Có quyết định công bố hoặc thông báo dịch bệnh truyền nhiễm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; căn cứ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, các bệnh mới nổi, các bệnh bùng phát hoặc cảnh báo nguy cơ xâm nhập dịch bệnh của cơ quan y tế có thẩm quyền từ các quốc gia, quốc tế.
Tại điều 47 Nghị định số 89 nêu rõ người nhập cảnh phải chủ động khai báo về tình trạng sức khỏe bất thường với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới nơi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và phải thực hiện khai báo đầy đủ, chịu trách nhiệm về nội dung khai báo y tế, không được làm, sử dụng tờ khai y tế giả mạo.
Trong trường hợp vi phạm quy định về khai báo y tế, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, Điều 12 Nghị định này quy định Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định.
Ngoài ra, đối với người biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo hoặc khai báo không trung thực dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị xử lý hình sự về tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 Bộ luật hình sự với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.