CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:25

Làm gì để tránh “mổ nhầm”?

 

Sai sót y khoa là một phần của ngành y

Sau khi liên tiếp xảy ra sự cố mổ nhầm chân tay, cắt nhầm niệu quản thay vì chỉ cắt tử cung cấp cứu, bất chấp những nỗ lực của Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phẫu thuật, những sai sót nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra trong ngành y. Mới đây, một bệnh nhân ở Nghệ An sau khi tiến hành phẫu thuật cắt khối u ở Bệnh viên Bảo Sơn 2, sau đó về bệnh viện tỉnh kiểm tra thì phát hiện khối u vẫn còn nguyên. Đáng lưu ý là người tiến hành phẫu thuật cũng là một GS.TS đầu ngành đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y. Hơn một tháng trước là vụ mổ nhầm chân gây xôn xao dư luận cũng xảy ra ở một bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa là bệnh viện Việt Đức. Và cũng tại bệnh viện này, hẳn nhiều người cũng chưa quên vụ bỏ quên gạc trong bụng của một bệnh nhân 70 tuổi khi tiến hành mổ cắt mật cách đây gần chục chục năm.

Tuyến trên đã vậy, tại các bện viện tuyến dưới, sai sót y khoa lại càng phổ biến. Mới đây, ngay đầu tháng 8, Bệnh viện đa khoa Nông Cống (Thanh Hóa)  khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung của sản phụ Nguyễn Thị Oanh đã “tận tình” cắt luôn cả niệu quản khiến bệnh nhân thập tử nhất sinh. Gần đây điển hình là vụ bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ Phương (huyện Châu Giang, Hậu Giang) được chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng khi mổ lại bị bác sĩ BV đa khoa Cần Thơ cắt u nang buồng trứng vì chẩn đoán nhầm, vụ bé Phạm Thành Luân (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được gia đình đưa vào BV 115 Nghệ An để mổ lấy đinh sau phẫu thuật nắn xương trụ tại tay phải, tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật không kiểm tra lại mà mổ luôn tay trái của bé. Hay cách đây chưa lâu, anh Lê Văn Giang (Cái Răng, Cần Thơ) nhập viện Lao phổi TP. Cần Thơ do tràn khí màng phổi bên phổi trái và được chỉ định mổ đặt ống bên phổi trái. Tuy nhiên, do bác sĩ… coi nhầm phim nên mổ nhầm phổi bên phải và phải mổ lại… 

 

Y học đã cứu rất nhiều người nhưng những sai sót y khoa cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng

 

Có những sai sót y khoa có thể sửa chữa nhưng nhiều sai sót  của ngành y đã để lại những hậu quả rất đau lòng. Nhiều người vẫn chưa quên cái chết tức tưởi của ba trẻ sơ sinh sau khi tiêm ngừa viêm gan siêu vi B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị năm 2013. Phải gần một năm, cơ quan điều tra mới kết luận nguyên nhân gây ra cái chết của ba trẻ sơ sinh  là bị tiêm nhầm thuốc, hay vụ bác sĩ của BV Cư Kuin (Đắk Lắk) tắc trách dẫn đến cô gái trẻ Lê Thị Hà Vi bị cưa chân, trở nên tàn phế suốt đời.

Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, dù không mong muốn nhưng sai sót y khoa là một phần của ngành y. Thực tế cho thấy sai sót vẫn xảy ra ở những bệnh viện có điều kiện tốt nhất và ở những bác sĩ kinh nghiệm nhất. Ngay cả ở những nước có nền y học tiên tiến bậc nhất thế giới như Mỹ, nơi mà hệ thống ngăn ngừa sai sót được tổ chức và quản lý tốt nhất và tốn kém bậc nhất thì sai sót trong thực hành y khoa cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tật. Theo thống kê của CDC (Cơ quan quản lý bệnh tật Hoa kỳ) vào năm 2005, nước Mỹ có khoảng 98.000 người chết vì sai sót y khoa và đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 6 ở Mỹ (sau bệnh tim, ung thư, đột quị, bệnh phổi, tai nạn).Viện Y học Hoa kỳ (IOM) ước tính thiệt hại do sai sót y khoa hàng năm ở Mỹ là 29 tỉ USD.

Ở Việt Nam, nền y tế còn kém phát triển, hệ thống đào tạo y khoa chưa đồng bộ và thiếu chất lượng do phải đảm bảo yêu cầu về số lượng. Trang thiết bị thiếu, số lượng bệnh nhân đông, nhân viên y tế làm việc với cường độ cao. Với điều kiện đó, số lượng sai sót trong y khoa chắc còn lớn hơn rất nhiều nếu so sánh với con số được báo cáo ở Mỹ. Các sai sót không được ghi nhận, các nguyên nhân không được tìm ra, sai sót cứ thế tiếp tục diễn ra vì nguy cơ vẫn còn đó. Bệnh nhân càng đông, điều kiện càng xuống cấp, thì sai sót tiếp tục xảy ra càng nhiều…

Bệnh nhân nghĩ cách tự cứu mình

Phần lớn sai sót y khoa có liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe, do vậy, đòi hỏi người thực hành y khoa phải thường xuyên thực hiện những quy trình an toàn như “3 kiểm tra, 5 đối chứng” hoặc bảng kiểm (check list) các bước thực hành... để đảm bảo không vấp phải sai lầm. Tuy nhiên, cũng có những lỗi xảy ra khi người tham gia điều trị thiếu giao tiếp với nhau theo kiểu “việc anh thì anh làm, việc tôi thì tôi làm” và bác sĩ thì thiếu giao tiếp với bệnh nhân.

Theo nhiều chuyên gia y tế, những sai sót trong thực hành y khoa sẽ được hạn chế nếu thực hiện đầy đủ quy trình “time out”, tạm gọi là hội ý. Theo BS nhi khoa Nguyễn Tất Bình, để giúp tránh được những sai lầm kiểu này, phần lớn bệnh viện tại Mỹ đều áp dụng quy trình “time out” để thông tin, không chỉ cho đồng nghiệp trong quá trình điều trị mà còn với bệnh nhân. Ví dụ, quy trình “time out” cho một bệnh nhi cần phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Texas diễn ra rất chặt chẽ. Trước mổ sẽ là quá trình “time out” của bác sĩ phẫu thuật với thân nhân bệnh nhi để giải thích tình trạng bệnh và kế hoạch phẫu thuật, giữa bác sĩ gây mê với thân nhân để thông báo kế hoạch gây mê và giải thích những ảnh hưởng không mong muốn của gây mê lên bệnh nhi, giữa điều dưỡng phòng mổ và thân nhân để cam kết chăm sóc bệnh với tinh thần cao nhất. Quy trình “time out” được xem là quan trọng nhất diễn ra trong vòng 3-5 phút ngay trước thời điểm bắt đầu rạch da giữa bác sĩ phẫu thuật chính với bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên phụ trách tuần hoàn ngoài cơ thể, bác sĩ siêu âm và điều dưỡng phòng mổ về kế hoạch, các thuốc sẽ sử dụng và dụng cụ cần thiết để đảm bảo chắc chắn cuộc mổ sẽ diễn ra chính xác và an toàn. Ngay sau cuộc mổ sẽ là “time out” giữa toàn bộ nhóm phẫu thuật với các bác sĩ hồi sức để thông báo diễn biến cuộc mổ và kết quả sửa chữa tổn thương để bác sĩ hồi sức có hướng điều trị tiếp. Cuối cùng luôn có “time out” với người nhà bệnh nhi để thông báo kết quả của cuộc mổ.

Với quy trình thông tin hai chiều chặt chẽ như vậy, chắc chắn sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc như việc cắt nhầm chân, bàng quang hay những tranh cãi, kiện tụng do thiếu thông tin minh bạch giữa người chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân như trường hợp thông báo mổ viêm ruột thừa mà cắt buồng trứng …

 

Nhiều bệnh nhân đã chọn cách trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi phẫu thuật để tránh những sai sót đáng tiếc

 

Tuy vậy, y tế Việt Nam với lượng bệnh nhân ngày càng đông, tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng với số bệnh nhân phải xếp hàng để chờ được phẫu thuật ngày càng dài thì dường như những quy trình trên đã bị bỏ qua. Nhiều bệnh nhân giờ đây khi vào viện đã nghĩ ra cách “tự cứu mình” để tránh bị mổ nhầm. Chị Nguyễn Thị Mơ (46 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định)  đang chăm con trai vừa được phẫu thuật tại bệnh viện Giao thông vận tải cho biết: “thời gian vào viện chăm con, tiếp xúc với  nhiều người nhà bệnh nhân ở viện, nghe mọi người bàn tán đến chuyện cắt nhầm, mổ nhầm nên tôi cũng sợ. Trước khi vào mổ, tôi phải "nhắc khéo" bác sĩ phẫu thuật về về cái tay đau của cháu, rồi hỏi han xem liệu có nguy cơ gì khi phẫu thuật không, phẫu thuật xong thì mất khoảng bao lâu có thể trở lại được bình thường...cốt để cho bác sĩ chú ý đến cái tay đau của nó, tránh những lầm lẫn đáng tiếc khi phẫu thuật”…

Bác Nguyễn Văn Sâm (Minh Hưng, Kiến Xương, Thái Bình) vừa trải qua một ca phẫu thuật đại tràng  cũng cho rằng: đã đến viện là phải tin tưởng bác sĩ, tuy nhiên với cường độ làm việc dày đặc của các bác sĩ phẫu thuật thì thật khó đòi hỏi họ phải tỉnh táo, chuẩn xác 100%, mọi sự có có thể xảy ra nên mình phải chủ động phòng tránh. “Lúc sắp mổ , tôi cũng gặp bác sĩ phẫu thuật, trao đổi kỹ về tình trạng bệnh tật của mình. Có lẽ bác sĩ hiểu ý nên ông ấy bảo tôi “bác cứ yên tâm, sẽ không có sai sót gì đâu”. Nghe bác sĩ nói thế, tôi cũng thấy ngượng nhưng thôi thì cứ “cẩn tắc vô áy náy” vẫn hơn”.

Theo anh Nguyễn Viết Thành ( KTT Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) đang chăm vợ đẻ tại ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong các sự việc mổ nhầm cũng có một phần lỗi đến từ bệnh nhân và người nhà đã không trao đổi trước tình trạng bệnh tật với các bác sĩ. Nếu như cả bệnh nhân và bác sĩ chủ động trao đổi thông tin trước khi phẫu thuật thì sẽ hạn chế rất nhiều những sai sót, đặc biệt là việc phẫu thuật nhầm sẽ rất khó xảy ra. 

 

Sau hàng loạt những sai sót , Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã  yêu cầu giám đốc các bệnh viện nghiêm túc thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn phẫu thuật theo quy định; rà soát và thực hiện các tiêu chí quy định về an toàn phẫu thuật được quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Trong đó gồm các tiêu chí như bảo đảm xác định chính xác người bệnh khi cung cấp dịch vụ; xây dựng hệ thống báo cáo, tổng hợp phân tích sai sót và khắc phục; thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu sai sót.

Cục cũng yêu cầu những bệnh viện chưa áp dụng Bảng kiểm an toàn phẫu thuật theo hướng dẫn cùa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên nghiên cứu áp dụng.

Hướng dẫn về Bảng kiểm an toàn phẫu thuật của WHO chia làm 3 giai đoạn: tiền mê, trước khi rạch da và trước khi người bệnh rời phòng thủ thuật. Theo đó, những biện pháp kiểm tra an toàn được thực hiện trước khi tiến hành gây mê. Ở bước này, người phụ trách bảng kiểm phải xác định nhân dạng người bệnh, loại thủ thuật dự kiến, vùng mổ... Trong đó có yêu cầu xác nhận phẫu thuật viên đã đánh dấu chỗ mổ (thường bằng bút) trong trường hợp có liên quan tới vị trí có hai bên (trái, phải) hoặc phối hợp nhiều lớp tầng (ví dụ một ngón tay, ngón chân cụ thể, tổn thương da, đốt sống). Giai đoạn trước khi rạch da, việc xác nhận lại tên bệnh nhân, loại phẫu thuật và vùng mổ được nhắc lại lần nữa với sự có mặt của cả ê kíp; tránh phẫu thuật nhầm người, nhầm chỗ.

 
   

Thái An/ Lao động xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh