THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:14

Người bệnh khổ vì các bệnh viện không... tin nhau

 

Nguyên nhân gây quá tải bệnh viện

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận,  xét nghiệm luôn là vấn đề nóng của hệ thống y tế. Không ít trường hợp bệnh nhân kêu vì bị xét nghiệm quá nhiều.

Bệnh nhân cứ vào viện, hầu hết các loại bệnh việc đầu tiên là cứ phải đi xét nghiệm. Những bệnh nhân bị huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì tháng nào cũng phải xét nghiệm, kiểm tra đường huyết và các yếu tố liên quan. Chính vì vậy, khoa xét nghiệm ở một số bệnh viện lớn vẫn được coi là cái “máy in tiền“

“Có trường hợp vừa thấy bệnh nhân, bác sĩ liền ghi giấy yêu cầu xét nghiệm mà chẳng thăm khám, hỏi han. Chưa nói hiện tượng lạm dụng xét nghiệm của một số bệnh viện, một số nhóm lợi ích„- Ông Lương Ngọc Khuê nói. Xét nghiệm nhiều như thế, nhưng những kết quả xét nghiệm đó, nếu bệnh nhân chuyển viện sẽ vứt đi toàn bộ để làm lại từ đầu.

Bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau

Bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, người bệnh vừa tốn tiền, vừa mất thời gian.

Bệnh viện trung ương không công nhận kết quả xét nghiệm của các bệnh viện tuyến dưới đã đành, ngay các bệnh viện tuyến trung ương cũng không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, kể cả những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, K...

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013-2015, một trong các nguyên nhân gây quá tải bệnh viện mà  Thủ tướng Chính phủ chỉ ra là “tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh giữa các bệnh viện”. “Đây chính là thách thức của ngành y tế, bởi hiện nay trang thiết bị xét nghiệm và nhân lực được đào tạo xét nghiệm không đồng đều nên còn tình trạng các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau”, ông Khuê nói. 

Nâng cao năng lực kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm

ThS Đào Nguyên Minh, Phòng Quản lý chất lượng (Cục Quản lý khám, chữa bệnh), cho biết các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm đào tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Tăng số lượng phòng xét nghiệm được kiểm soát chất lượng đạt 80% vào năm 2018 và 95% vào năm 2020.

Ngoài ra đầu tư xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu. Đến năm 2018 có 20 phòng xét nghiệm tham chiếu đạt tiêu chuẩn quốc tế có đủ khả năng thực hiện các xét nghiệm tham chiếu trong tất cả lĩnh vực xét nghiệm.

Về đào tạo, tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực, trình độ của nhân viên làm công tác xét nghiệm để có kế hoạch đào tạo lại. Bên cạnh đó, kiện toàn các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng. Thành lập trung tâm kiểm chuẩn quốc gia, khu vực để triển khai các chương trình ngoại kiểm, đánh giá và công nhận chất lượng xét nghiệm của các cơ sở y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh,  “Thời gian tới, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng xét nghiệm để công nhận kết quả lẫn nhau. Chỉ như vậy mới đỡ gây phiền hà và tốn kém cho người bệnh”.

Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo đề án nâng cao năng lực kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh để trình Thủ tướng.

Đề án đặt ra vấn đề chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm để các bệnh viện có cơ sở công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau. Hiện Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ lập dự án tiêu chuẩn chất lượng xét nghiệm để trao đổi học hỏi kinh nghiệm.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh