Làm con trong các gia đình tỷ phú
- Y học 360
- 21:38 - 16/07/2015
Từ "quyền được phục vụ" có thể làm những phụ huynh giàu có sợ hơn bất cứ ai - đặc biệt là những người tự gây dựng sự nghiệp. Hằng ngày, họ có thể bị ám ảnh khi đọc những tiêu đề báo như: "Con gái tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev chi 88 triệu USD mua đảo", "Con trai 32 tuổi của tỷ phú bia chạy trốn trong chiếc Mercedes Benz sau khi đâm vào người đi bộ vô tội"...
Dưới đây là chia sẻ của các tỷ phú và con họ về những cách giáo dục của gia đình đại gia để trẻ không trở thành những kẻ hư hỏng.
Peter Buffett (con trai tỉ phú Warren Buffett): Học cha thái độ với tiền bạc
Warren Buffett là tỷ phú Mỹ, giàu thứ 2 thế giới, sau Bill Gate nhưng luôn có lối sống tiết kiệm và dạy con không đặt tiền bạc lên hàng đầu.
Con trai thứ hai của Buffett, Peter, một nhạc sĩ nổi tiếng, nói rằng thông điệp lớn và rõ ràng nhất anh nhận được từ cha trong những năm tháng lớn lên là: Tiền không phải là thứ gây ra vấn đề cho cuộc sống. Thay vào đó, nó giúp chúng ta có được một số điều mình muốn có và muốn làm.
"Tôi thực sự nghĩ rằng cách bố mẹ nhìn nhận về tiền và những thứ xung quanh nó là vấn đề cốt lõi. Khi nhìn vào cha, tôi thấy ông không bao giờ coi vật chất là thứ quan trọng nhất", Peter Buffett nói.
Trong cuốn sách của mình "Cuộc sống là những điều bạn tạo nên nó", Peter Buffett nói về các bước thực hành của chính cha mình như: Yêu cầu con cái làm việc nhà và để con tự giải quyết các vấn đề thay vì bao bọc trẻ. Nhưng anh cảnh báo rằng trẻ sẽ học theo niềm tin thực sự của cha mẹ họ về tiền bạc chứ không phải những gì cha mẹ nói về tiền.
Cha anh - tỷ phú Warren Buffet, không muốn các con trông chờ vào tài sản thừa kế nên năm 2006, ông đã cam kết đóng góp 37 tỷ đôla cho Quỹ từ thiện của Bill Gates. Ông cũng từng tuyên bố dành phần lớn tài sản cho các tổ chức phi lợi nhuận sau khi qua đời.
Gia đình Buffett. Ảnh: Forrbes.com.
Mark Cuban: Thể hiện tình yêu thương và để con cái sống với tuổi thơ như những trẻ bình thường
Mark Cuban là chủ hãng phim Magnolia, chủ tịch công ty cáp viễn thông HDNet, một điển hình tỷ phú Mỹ.
"Các con tôi vẫn nhỏ, cháu lớn nhất mới hơn 10 tuổi. Chúng tôi đang làm hết khả năng để chúng có ý thức và thái độ đúng mực. Nhưng đúng là tôi luôn có nỗi sợ rằng chúng sẽ lớn lên với cảm giác mình là người được phục vụ, được ưu tiên", Cuban nói trên tờ Forbes.
Cuban và vợ ông cố gắng tránh điều này bằng cách dành cho con cái tuổi thơ như những đứa trẻ bình thường nhất có thể. Lời khuyên tốt nhất của ông là: "Dành nhiều thời gian nhất có thể ở bên con. Chúng tôi không cần người giúp việc vào cuối tuần vì chúng tôi có thể tự làm mọi thứ bằng khả năng của mình như bất cứ gia đình nào khác". Vào những ngày cuối tuần, vợ chồng tỷ phú thường tổ chức những buổi dã ngoại, cùng con cái nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm.
Mark Cuban là ông bố rất tình cảm. Ông luôn ôm hôn con và cho rằng đó là hành động thể hiện sự gần gũi, yêu thương, giúp con luôn gắn bó và cởi mở với cha mẹ. Ông ít khi quát mắng, đánh đập hay nặng lời với các con nhưng luôn đảm bảo mọi hành động của trẻ ở trong tầm kiểm soát.
Mark Cuban và vợ cùng các con. Ảnh: Playerwaqs.com.
Donald Trump: Làm việc chăm chỉ và con bạn cũng sẽ thế
Các con của ông: Donald Jr., Ivanka, và Eric Trump đều là thành viên của doanh nghiệp gia đình và được báo cáo là luôn thể hiện khả năng thực sự. Điều đó không phải là một sự ngẫu nhiên, chính người cha đã chủ ý nuôi dạy họ trở thành những học trò xuất sắc về bất động sản.
Không giống như tỷ phú Warren Buffett, bắt con tự lập bằng cách không để lại gia sản thừa kế, Donald Trump dạy con theo phong cách truyền thống. Tuy vậy, dù biết mình sẽ nắm trong tay khối tài sản lớn, các con ông vẫn luôn tự lực cánh sinh để chứng tỏ bản thân.
Donald Trump cho biết, từ khi con bắt đầu nói sõi, ông luôn nhắc đi nhắc lại với chúng 3 điều "Không ma túy, không rượu, không thuốc lá". Ông cũng làm gương cho các con bằng cách không có thói quen nhậu nhẹt hay hút thuốc.
"Tôi tin rằng sự giám sát, kỷ luật và làm gương là quan trọng. Các con thấy tôi đã làm việc cật lực thế nào và tạo ra các quy tắc tiêu chuẩn cho chúng. Trẻ luôn quan sát chúng ta và người lớn phải nhận ra sức ảnh hưởng của mình lên con cái, từ các hành vi đến thói quen hằng ngày", tỷ phú Trump nói.
Donald Trump cùng ba người con đang làm trong công ty gia đình của ông. Ảnh: Dousmagazine
Chuck Feeney: Không điện thoại và thẻ tín dụng hay tài khoản mua sắm
Chuck Feeney là tỷ phú giàu thứ 23 trên thế giới, đồng sáng lập ra chuỗi cửa hàng bán lẻ miễn thuế lớn nhất thế giới, nhưng ông dành hầu hết số tiền của mình để làm từ thiện và dạy các con phải biết "keo kiệt" với chính mình.
Feeney đã gửi hầu hết tiền của mình vào các quỹ từ thiện hay tài trợ cho các trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, tổ chức nhân quyền...
Để dạy con biết quý trọng tiền bạc và quản lý chi tiêu, ông yêu cầu các con làm việc vào kỳ nghỉ hè: Con trai Patrick bán kem và luôn tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về ngân sách. Các con gái chuyển tới New York và tự trang trải các chi phí nằm ngoài khoản trợ cấp cần thiết của bố. Ông thực hiện điều này trong thời gian dài. Một lần, khi các con gái tuổi teen nợ cả đống hóa đơn tiền điện thoại vì gọi cho bạn trai ở châu Âu từ Manhattan (Mỹ), ông đã ngắt điện thoại quốc tế và đặt một chiếc bản đồ thành phố New York trên tường phòng khách, trên đó khoanh tròn khu vực sẽ được chi trả khi gọi đi.
Cũng như tất cả chúng ta, các tỷ phú cũng phải sống, hít thở và trải nghiệm khi làm cha mẹ. Nhưng Suniya Luthar, giáo sư về tâm lý giáo dục tại Đại học Columbia đã thực sự nghiên cứu về ảnh hưởng của những cha mẹ đại gia lên con cái họ. Nghiên cứu của bà cho thấy những đứa trẻ có cha mẹ với thu nhập trung bình (125.000 đến 130.000 USD) có tỷ lệ trầm cảm cao gấp đôi mức trung bình quốc gia. Bà cho rằng điều này vì bố mẹ không quan tâm hoặc thay vì dành thời gian chất lượng với con cái lại lao vào việc kiếm tiền. Dưới đây là lời khuyên của bà để nuôi dạy những đứa con tốt khi gia đình bạn khá giả:
- Đừng bao bọc con quá. Trẻ phải học về hậu quả và nếu bạn luôn giúp con mọi thứ như không bao giờ bị điểm kém ở lớp hay thanh toán mọi hóa đơn thẻ tín dụng, chúng sẽ không thể học hỏi về giá trị cuộc sống.
- Đừng quá khắt khe: Có sự khác biệt giữa việc bố mẹ nói "Con cần làm hết khả năng của mình" và "Con lại không được vào đội bóng à?"...
- Đừng nhắm mắt làm ngơ khi con phung phí tiền bạc hay thể hiện sự lạm dụng vật chất.
- Luôn giao tiếp mở. Hãy quan tâm và trò chuyện nhiều với con. Đừng vội gắn mác con là hư hỏng hay nhầm lẫn giữa "hư" với những cơn giận của trẻ do tổn thương, sợ hãi và cô đơn. Hãy quan tâm tới các điều cụ thể, nho nhỏ trong cuộc sống của con và con sẽ cảm thấy gần gũi với bạn cũng như với thực tế cuộc sống hơn.