CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:57

Làm chuyện phản cảm chốn linh thiêng - nhiều bạn trẻ đơn giản nghĩ mình thích thì mình làm thôi

Đi lễ đền, chùa dịp đầu năm, không ít người bắt gặp hình ảnh phản cảm của các bạn trẻ. Chẳng hạn như việc ăn mặc "mát mẻ" với váy ngắn, áo hở hang hay cảnh xô đẩy để tranh cướp lộc giữa đám đông; đu lên tháp chuông hoặc trèo rào vào nơi linh thiêng, nằm xuống tạo dáng "tự sướng"...

Những hình ảnh này khi được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến nhiều người cảm thấy bức xúc. Nó không chỉ làm xấu hình ảnh đẹp chốn linh thiêng mà còn thể hiện cách cư xử thiếu hiểu biết của người trẻ chỗ công cộng.

Tuy nhiên, dù bị lên án nhiều, thậm chí nhiều đình, chùa còn trưng biển thông báo nhắc nhở du khách nhưng không hiểu vì sao, số lượng những hình ảnh phản cảm ngày một gia tăng.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hồng, Trưởng khoa Văn hóa & Phát triển, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa Việt Nam.

Tại buổi khai mạc lễ hội chùa Hương 2017 (mùng 6 tháng Giêng), khi thầy Trụ phát lộc, hàng trăm người lao vào giật sợi dây chỉ đỏ có mặt ngọc in chìm hình tượng phật. Do số lượng lộc chỉ có vài chục chiếc, còn du khách dự hội quá đông nên ai nấy đều xông vào cướp. Một phụ nữ suýt bị móc mắt giữa sự hỗn loạn này. Nguồn: Zing.vn


"Gây chuyện phản cảm, nhiều bạn trẻ hồn nhiên nghĩ rằng mình thích thì mình làm thôi"

Giải thích về chuyện vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ ăn mặc "mát mẻ" khi đi chùa, lao vào cướp lộc hoặc rải tiền lẻ, thi nhau tạo dáng chụp ảnh nơi linh thiêng... TS Hồng cho rằng, sở dĩ các bạn trẻ làm như vậy bởi vì họ không hề biết hành vi đó là trái với chuẩn mực thuần phong mĩ tục, không phù hợp với không gian văn hóa công cộng, linh thiêng.

"Tôi cũng đã nói chuyện với nhiều bạn, những người gây chuyện phản cảm ở đình, chùa và họ đều nói rằng họ làm thế vì không biết như vậy là sai trái. Ví dụ nhiều bạn nữ đi chùa vẫn mặc váy ngắn và nghĩ đơn giản ăn mặc miễn sao dễ nhìn là được mà không hề để ý rằng, cái đẹp phải xét theo từng hoàn cảnh, không gian. Các cụ có câu ăn cho mình, mặc cho người. Vì thế, mặc đẹp là khi mình làm vừa mắt những người xung quanh".

Không chỉ thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống, theo TS Hồng, lỗi cư xử nơi công cộng này còn do nhiều bạn trẻ bị lệch lạc về quan niệm sống và thiếu hiểu biết xã hội.

Đền, chùa là nơi linh thiêng, khi tới trang phục phải chỉnh tề, lịch sự. Nhưng nhiều bạn gái có vẻ vẫn không hiểu điều này khi diện quần đùi tất lưới. Nguồn: Facebook.

Bên cạnh đó, các hành vi này xảy ra một phần còn do người trẻ quá đề cao cái tôi cá nhân, cho rằng việc gì mình thích thì mình có quyền làm mà không để ý đến mọi người xung quanh.

"Chẳng hạn nhiều bạn nằm xuống tạo dáng vì muốn có kỉ niệm đáng nhớ mà không hề hay biết hành vi đó tạo ra sự khó chịu cho người khác và để lại sự đáng nhớ không hề tốt đẹp trong lòng họ".

Ngoài ra, TS Hồng cũng cho rằng, các hiện tượng phản cảm này xảy ra còn do sự buông lỏng của ban quản lý di tích, sự thờ ơ, thiếu nhắc nhở của mọi người xung quanh.

Nhiều người đã trèo hẳn lên ngồi... ngay dưới mặt tượng Phật tại chùa Linh Quy Pháp Ấn (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Nguồn: Facebook Khải Đơn.

"Nhiều người thường có tâm lý dĩ hòa vi quý mà quên mất rằng nếu chúng ta cứ im lặng, không đấu tranh thì hiện tượng xấu sẽ xảy ra ngày càng nhiều".

Bên cạnh đó, hành vi phản cảm nơi đình, chùa xảy ra còn do ảnh hưởng tâm lý hiệu ứng đám đông. Chẳng hạn nhiều người thấy người khác tranh cướp lộc thì cũng ùa vào theo hoặc đi lễ chùa, thấy người khác rải tiền lẻ thì cũng làm theo một cách vô thức.

"Ngoài chuyện thiếu hiểu biết thì nhiều người còn ùa theo, gây chuyện phản cảm vì bị kích động, nhất thời không kịp suy nghĩ xem hành vi của mình là đúng hay sai".

Tại hội Gióng, hàng ngàn người đổ xô cướp lộc hoa tre để lấy may của đức thánh Gióng. Không đến mức gậy gộc đánh nhau như năm ngoái nhưng không khí tại đây vẫn rất náo loạn. Dù đã thắt chặt an toàn, người dân vẫn ra sức tranh cướp để cầu may đầu năm. Nguồn: Vietnamnet.
Trong ngày khai hội chùa Bái Đính, Ninh Bình ngày 2/2 (mùng 6 Tết), dọc hai lối thờ các vị tượng Phật và tại khu vực tượng đồng Di Lặc vẫn còn rất đông người dân vô tư sờ, dát tiền lên tượng Phật tạo những hình ảnh "xấu xí" trong lễ hội.

"Nhiều người đang hiểu sai về ý nghĩa của việc đi chùa"

Nói về ý nghĩa của việc đi chùa đầu năm, TS Hồng tâm sự, chuyện lễ chùa vốn là cách thể hiện tôn giáo theo đạo Phật.

Vì là niềm tin tôn giáo nên Phật vốn không thể ban tài, lộc, tình duyên nên khi đi lễ chùa, người ta thường chủ yếu để cầu mong sự thanh thản, tĩnh tâm và xin sự bình an.

Tuy nhiên phần lễ chỉ là cái thể hiện của đạo Phật. Người hiểu về Phật giáo đều biết rằng tu tâm mới là điều quan trọng nhất. Chỉ cần trong tâm có Phật, luôn hướng thiện và sống đúng theo đạo lý nhà Phật thì khắc sẽ được bình an.

Hình ảnh phản cảm của hai cô gái trẻ khi xếp hàng vào đền, chùa. Nguồn: Facebook.

"Các cụ ta có câu nhất tu tại gia, nhì tu chợ ba mới là tu chùa. Câu ấy có nghĩa là điều quan trọng nhất là phải chú trọng đối xử tốt với người thân, sau là đối nhân xử thế với mọi người, cuối cùng mới là nghĩ đến chuyện đi chùa. Đạo phật quan trọng ở hành thiện và tích đức chứ không phải chuyện cứ đi chùa thì sẽ xóa bỏ được đau khổ, công danh phát đạt, tình duyên may mắn".

TS Hồng cũng cho rằng, văn hóa chốn tâm linh khác với đời thường, vì thế mọi người không nên bê nguyên cách sống đời thường để áp dụng khi đi lễ chùa. Chẳng hạn như việc cố gắng thắp thật nhiều nhang, rải tiền vào tay Phật vì nghĩ rằng đó là cách thể hiện lòng thành.

"Thực chất những cách làm này là vô nghĩa. Đạo Phật thực ra không khuyến khích chuyện thắp nhang nhưng vì từ lâu người Việt luôn coi đó là cách thể hiện sự thành kính nên nó vẫn luôn tồn tại. Đây chỉ là vấn đề quan niệm. Vì thế, khi đi chùa chúng ta chỉ cần thắp một nén nhang là đủ. Còn riêng chuyện rải tiền lẻ lại càng không có ý nghĩa gì cả, đó chỉ là chuyện phú quý sinh lễ nghĩa mà thôi".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh