THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:30

Làm báo trong kỷ nguyên số: Cơ hội và thách thức

 

Cơ hội đi kèm với thách thức

Nếu trước đây, phương tiện tác nghiệp của  nhà báo chỉ cần cây bút, quyển sổ, hay hiện đại hơn là máy ảnh và chiếc máy ghi âm, thì nay, kỷ nguyên số với những phương tiện “3 - 4 trong 1” đã giúp nhà báo tiếp nhân thông tin chính xác hơn, xử lý thông tin nhanh hơn, nhạy bén hơn. Tính ưu việt của công nghệ thông tin, của phương tiện tác nghiệp như: laptop, ipad, điện thoại thông minh khi kết nối với Internet giúp cho những người làm báo hiện nay rất nhiều từ tra cứu tài liệu đến lưu trữ, sao chép, gửi thư từ, tin nhắn, bài vở... Bước tiến dài của văn minh công nghệ mang lại những tiện ích lớn lao cho nhà báo, làng báo. Công nghệ giúp chúng ta xử lý thông tin nhanh hơn (viết trên máy tính); ghi nhận thông tin chính xác hơn (ghi âm, chụp hình); truyền tin nhanh hơn (qua internet, di động); đo chất lượng và giá trị thông tin cũng nhanh và rõ hơn (qua phản hồi của bạn đọc)... Những tiện ích ấy khiến nhà báo nhanh nhạy, thức thời hơn. Tin tức của báo chí có nội dung tốt, cập nhật các vấn đề thời sự được công chúng đón nhận một cách nhanh chóng.

 

Phương tiện hiện đại giúp các nhà báo thuận lợi hơn khi tác nghiệp


Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook.... Chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ dễ dàng được đưa lên internet và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến khắp nơi trên thế giới chỉ trong một vài giây. Ngoài việc tạo ra sức ép cạnh tranh về tốc độ lan tỏa thông tin, mạng xã hội đã và đang làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống. Thuật ngữ “làm báo Facebook” giờ không còn xa lạ khi một số phóng viên, đặc biệt những người trẻ đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin theo kiểu truyền thống, chuyển qua đi “săn” tin trên mạng xã hội. Xu hướng này đã khiến các tòa sọan báo tại Việt Nam phải guồng chân tăng tốc để chiếm thị phần trong miếng bánh thông tin ngày càng chật hẹp. Làm sao để độc quyền thông tin, làm sao để thu hút độc giả là những câu hỏi làm đau đầu tất cả các nhà quản lý báo chí.

Kỷ nguyên số cũng kéo theo những mặt trái và sự phiền toái. Theo nhà báo Nguyễn Uyển, (nguyên Trưởng ban công tác Hội- Hội Nhà báo Việt Nam), sự phiền toái này không phải do công nghệ thông tin, mà do người sử dụng gây ra. Trước kia, bài báo hay nhờ chi tiết đắt, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, do tác giả dấn thân vào thực tế để khai thác tài liệu. Nay thì chưa hẳn, vì người ta vẫn có thể ngồi một chỗ, kết nối thông tin để tham khảo, để “khai thác”, viết nhiều, thậm chí viết rất hay, rất nhanh! Cái sự nhanh nhẩu ấy chính là nơi vấp ngã, là tai họa, sập sụp của không ít nhà báo, thậm chí cả với nhà báo danh tiếng. Với khối lượng thông tin lớn được truyền tải từng giây, từng phút qua internet, con người không còn đủ khả năng kiểm soát hết thông tin. Tiếp nhận thông tin nhanh từ mạng nhiều khi không rõ nguồn, chưa kiểm chứng, chưa rõ bản chất thật của sự vụ, sự việc…Và chỉ một thông tin đưa ra thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho một cá nhân, cộng đồng, thậm chí cho cả một đất nước, làm tổn hại tới uy tín của báo chí. Chính vì thế, để phản ánh nhanh và đúng sự thật, vấn đề đạo đức, trách nhiệm của báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay.

Thay đổi để thích ứng

Kỷ nguyên số  đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời hội nhập. Theo PGS- TS Nguyễn Văn Dững (Trưởng khoa Báo chí- Học viện Báo chí và Tuyên truyền), khoảng hơn một thập niên trở lại đây, môi trường truyền thông toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng đang có những chuyển động nhanh quá sức tưởng tượng. Hoạt động báo chí - truyền thông đang đứng trước những thách thức gay gắt và những cơ hội lớn. Thách thức về cạnh tranh với mạng xã hội và truyền thông xã hội đòi hỏi thay đổi tư duy và phong cách hành nghề cũng như mô thức tổ chức tòa soạn; thách thức về kinh tế báo chí truyền thông khi thị phần và công chúng báo chí thu hẹp; thách thức về vai trò, vị thế và năng lực tác động xã hội.

 


Trung tâm báo chí Quốc hội- nơi có đầy đủ mọi phương tiện cho phóng viên tác nghiệp


“Kỹ thuật và công nghệ truyền thông số - nền tảng tạo ra mọi chuyển động đã và đang làm thay đổi về mọi mặt và đòi hỏi báo chí phải thay đổi. Môi trường truyền thông số đã tạo ra khả năng siêu kết nối trên phạm vi rộng lớn đang tạo ra nền báo chí kết nối mà ở đó mỗi tòa soạn cần phải là một trung tâm kết nối xã hội; mỗi nhà báo phải là mỗi nhà kết nối. Những nhà báo trong kỷ nguyên công nghệ số không chỉ biết viết báo, không chỉ biết tiếp cận, phân tích, đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự mà còn phải biết kết nối các nguồn tin, tổ chức các sản phẩm báo chí, nghiên cứu thị trường báo chí để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công chúng xã hội; đồng thời biết xử lý các sự cố truyền thông trong khủng hoảng”, PGS, TS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh.

Còn theo ông Trịnh Quốc Dũng (Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam), với sự xuất hiện của Internet và truyền thông xã hội, mỗi cá nhân tham gia có thể đóng vai trò của người cung cấp thông tin cho công chúng, hay nói cách khác việc cung cấp thông tin đã không còn là việc làm đặc thù của nhà báo. Khái niệm “nhà báo công dân” xuất hiện cùng với sự phát triển và ra đời của Internet và truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, rèn luyện, trau dồi qua quá trình hoạt động báo chí sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.

Có thể nói, đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của mọi nền báo chí, trong đó có báo chí Việt Nam. Trong thời kỳ phát triển mạnh của mạng xã hội, tin tức truyền tải nhanh chóng, đặt ra vấn đề phải kiểm duyệt thông tin gắt gao hơn. Phóng viên khai thác thông tin nhưng cũng phải đẩy mạnh kiểm chứng, không thể chạy theo tin tức mà quên đi đạo đức, tính chính xác và trách nhiệm gắn liền với tác phẩm của mình. Nói về trách nhiệm của người làm báo trong thời kỹ thuật số, cố nhà báo lão thành Hữu Thọ cho rằng: Bất cứ nghề nào cũng đều có nguyên tắc ứng xử của riêng nó và nghề báo cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, mỗi tờ báo cần có những quy định riêng để từ đó đảm bảo tính khách quan của mỗi thông tin đưa ra cũng như giữ vững được bản lĩnh nghề nghiệp trước rất nhiều thông tin trên mạng xã hội. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, vấn đề đặt ra là đội ngũ nhà báo Việt Nam cần sàng lọc thông tin như thế nào để không bị các thông tin sai sự thật dẫn dắt. Các thông tin trên mạng rất nhiều song những người làm báo chỉ nên tham khảo chứ không nên coi đó là tư liệu báo chí. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải chủ động bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện quy phạm đạo đức nghề báo. Các khâu từ sản xuất, biên tập đến xuất bản tin tức, tác phẩm báo chí phải được thực hiện và kiểm duyệt thật chặt chẽ.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh