Lái xe nào phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu?
- Sức khỏe
- 22:50 - 17/12/2015
Sáng 16/12, tại TP Vĩnh Yên, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA Bộ Y tế và Bộ Công an về quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Phát biểu khai mạc PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông”, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; Bộ Công an huy động lực lượng, tăng cường trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, tổ chức các đợt hoạt động cao điểm kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia (tập trung tại khu vực có nhiều người lái xe uống rượu, bia).
Do đó, Bộ Y tế và Ủy ban ATGTQG phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ góp phần giúp các cán bộ công an và các cơ sở y tế nắm được quy định những trường hợp xét nghiệm; điều kiện, trách nhiệm của cơ sở xét nghiệm; quy trình xét nghiệm và thanh toán chi phí xét nghiệm trong việc xét nghiệm nồng độ cồn (Etanol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dụng .
Theo Thông tư những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Theo Cục cảnh sát giao thông đường bộ, năm 2015, toàn quốc đã xảy ra 22.326 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8.435 người, bị thương 20.815 người; so sánh cùng kỳ năm 2014, giảm 2.912 vụ (- 11,54%), giảm 410 người chết (-4,64%), giảm 3.822 người bị thương (-15,51%).
Phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông, cho thấy có tới 938 vụ do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia chiếm 4.2%, trong đó có 06 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, làm chết 18 người, bị thương 06 người;
Năm 2015, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 139.684 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Ra quyết định xử phạt, Kho bạc nhà nước thu 295,5 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng 9 Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, vi phạm vẫn mang tính phổ biến; việc kiểm tra, xử lý của lực lượng Cảnh sát giao thông còn gặp rất nhiều khó khăn do thói quen sử dụng rượu bia, đặc biệt trong dịp lễ tết ở khu vực nông thôn; nhận thức của người tham gia giao thông về sử dụng rượu bia còn chủ quan...
Việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông góp phần hiệu quả trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, thông qua việc người điều khiển phương tiện hoặc người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông sau khi bị tai nạn được đưa vào cơ sở khám chữa bệnh, tại đây các bác sỹ yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn để làm căn cứ điều trị.
Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGT người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia nhưng không được xét nghiệm kịp thời vì lý do họ không đến trình báo kịp thời tại cơ quan Công an hoặc rời khỏi hiện trường, sau một thời gian nhất định mới đến cơ quan Công an trình báo thì khi đó nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở không còn chính xác, thậm chí không còn… Do vậy, việc xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây tai nạn đối với lực lượng CSGT, CSĐT còn hạn chế…
Tại Hội nghị, TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn BV hữu nghị Việt Đức cho biết, việc sử dụng rượu, bia trong tham gia giao thông sẽ thường xuất hiện trình trạng: Bốc đồng: chạy với tốc độ cao; Kích thích: không làm chủ được hành vi; Ức chế não bộ: buồn ngủ; Giảm phản xạ và thị lực; Giảm 10-30% phản xạ khi gặp tình huống; ước lượng sai về khoảng cách. Những điều này là nguyên nhân gây ra những tai nạn giao thông.
Theo nghiên cứu của Cục quản lý Môi trường y tế phối hợp với BV Việt Đức đối với hơn 2.000 trường hợp tại 5 bệnh viện tại Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang năm 2011 cho thấy, tỷ lệ người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt giới hạn cho phép ở nhóm tuổi 20-29 chiếm 48%.
Tỷ lệ người lái xe máy uống rượu bia nhiều sau 19h30 chiếm 46,2%. Người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu cao có tỷ lệ bị chấn thương sộ não chiếm từ 37,7% đến 53,5%.