Lai tạo được loài muỗi có khả năng chống nhiễm vi rút sốt xuất huyết
- Y học 360
- 22:48 - 19/01/2020
Theo ABCnet, tại Melbourne, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm sức khỏe động vật của Hiệp hội nghiên cứu khoa học và ứng dụng quốc gia Úc, đã nhân giống được các dòng di truyền của loài muỗi có khả năng chống nhiễm vi rút sốt xuất huyết (dengue fever). Do đó, muỗi sẽ không thể truyền bệnh này bằng cách lây nhiễm cho người bị đốt.
Sốt xuất huyết đã được biết đến từ năm 1779, bản chất vi rút và phương thức lây lan của nó được phát hiện vào đầu thế kỷ 20. Bệnh lây truyền qua muỗi từ chi Aedes, chủ yếu là A. aegypti. Các triệu chứng thường xuất hiện 3-14 ngày sau khi nhiễm bệnh, bao gồm sốt, nhức đầu, nôn mửa, đau cơ và khớp và nổi mẩn ngứa da đặc trưng.
Quá trình phục hồi mất từ 2 đến 7 ngày, nhưng trong một số trường hợp, bệnh nhân bị dạng sốt xuất huyết bị đe dọa tính mạng với biểu hiện chảy máu, số lượng tiểu cầu thấp trong máu, nôn ra máu và giảm huyết áp đến mức nguy hiểm.
Theo thống kê mỗi năm, có tới 60 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết và 10.000 đến 20.000 bệnh nhân tử vong. Trước đây, căn bệnh này chỉ xảy ra ở các quốc gia Đông Nam Á, bây giờ khu vực phát bệnh bao gồm vùng phía Nam Trung Quốc, Nam Mỹ, Caribbean, châu Phi và khu vực Thái Bình Dương.
Sốt xuất huyết đứng hàng thứ hai chỉ sau sốt rét trong tỷ lệ những người mắc bệnh khi trở về từ các chuyến đi đến các nước nhiệt đới. Từ năm 1960 đến 2010, số trường hợp mắc bệnh tăng 30 lần.
Các nhà khoa học Úc đã đưa gien miễn dịch của con người vào các loài muỗi chính được biết là lây truyền vi rút sốt xuất huyết. Lần đầu tiên, họ có thể có được những con muỗi biến đổi gien có khả năng kháng cả 4 loại huyết thanh vi rút là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Nhà nghiên cứu Prasad Paradkar cho biết, muỗi khi hút máu của người bị nhiễm bệnh, protein của người sẽ hoạt động trong muỗi và vô hiệu hóa vi rút để muỗi không bị nhiễm bệnh. Vì muỗi không bị nhiễm bệnh nên không thể truyền vi rút cho người khác.
Cùng với gien mã hóa protein miễn dịch, các nhà nghiên cứu cũng chèn vào muỗi một gien protein huỳnh quang, khiến mắt muỗi phát sáng để có thể phân biệt muỗi biến đổi gien với muỗi thông thường.
Các tác giả của công trình cho biết, 100% số muỗi biến đổi gien có khả năng chống nhiễm vi rút sốt xuất huyết và không thể lây lan bệnh. Bây giờ các nhà khoa học phải tiến hành các thử nghiệm để chứng minh rằng, công nghệ này có thể hoạt động khi muỗi biến đổi gien sẽ được thả vào môi trường bên ngoài phòng thí nghiệm.