Lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm: Tin vui cho người mua nhà ở xã hội
- Tây Y
- 04:57 - 12/04/2018
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý chia sẻ với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị NHCSXH. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Theo đó, năm nay Chính phủ chính thức bố trí 500 tỷ đồng cho chương trình này với lãi suất 4,8%/năm. NHCSXH sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng nữa. Như vậy tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2018 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo tổng hợp nhanh từ các chi nhánh NHCSXH tại các địa phương, nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội lên tới 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch duyệt từ nay đến năm 2020 Chính phủ sẽ cấp 1.163 tỷ đồng cho chương trình này và NHCSXH sẽ huy động thêm số vốn tương đương con số đó. Như vậy kế hoạch từ nay đến năm 2020 nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội của NHCSXH dự kiến vào khoảng trên 2.300 tỷ đồng.
Xin ông cho biết đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở đối với chuơng trình này được quy định ra sao?
Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là đối tượng quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở. Cụ thể gồm:
Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trừ đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; các đối tượng còn lại để được vay vốn phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Ông có thể nói rõ hơn về điều kiện được vay vốn mua nhà ở xã hội đối với chương trình này. Về hạn mức cho vay, điều kiện vay của Chương trình này có gì khác biệt?
Thứ nhất, phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hằng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Thứ hai, có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua bán/Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở
Thứ ba, có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định
Thứ tư, có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH
Thứ năm, có giấy đề nghị vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội/xây dựng mới/cải tạo, sửa chữa nhà để ở, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác
Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội: Có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư dự án mà dự án của chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng; Bên cạnh đó thủ tục thực hiện bảo đảm tiền vay yêu cầu: Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội: Bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. NHCSXH nơi cho vay, chủ đầu tư và người vay vốn phải thỏa thuận trong hợp đồng ba bên về phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm. Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Về hạn mức cho vay
Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội: Mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay, tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp người vay vốn có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì thỏa thuận với NHCSXH nơi cho vay về thời hạn cho vay thấp hơn. NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh hoặc Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện.
Về thủ tục cho vay
Tại Tổ tiết kiệm và vay vốn: Người vay vốn gửi hồ sơ cho Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi cư trú hợp pháp; Họp bình xét công khai dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ Dân phố và người đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xã, phường, thị trấn; lập danh sách đề nghị vay vốn NHCSXH theo mẫu số 03a/NƠXH kèm hồ sơ vay vốn, biên bản họp Tổ gửi Ban giảm nghèo cấp xã để trình UBND cấp xã. Tại UBND cấp xã: Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao, Ban giảm nghèo cấp xã tập hợp hồ sơ của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn xã trình Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận trên Danh sách đề nghị vay vốn NHCSXH mẫu số 03b/NƠXH, sau đó gửi NHCSXH nơi cho vay. Trường hợp nhu cầu vay vốn lớn hơn chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao thì tổ chức chấm điểm theo Bảng tiêu chí chấm điểm để xét ưu tiên vay vốn nhà ở xã hội mẫu số 11/NƠXH.
Quang cảnh tại cuộc gặp trả lời phóng viên.
Nguồn vốn ít trong khi nhu cầu lại nhiều, đây là khó khăn lớn và chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề…ông có chia sẻ gì với các đối tượng?
Với kinh nghiệm triển khai nhiều chương trình cho vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách trong 16 năm qua, NHCS có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng đối phó với những khó khăn. Tất cả các hồ sơ được xét đủ điều kiện vay thì sẽ được giải ngân nếu nhu cầu vay ít hơn hoặc bằng nguồn vốn được phân bổ.
Trong trường hợp nhu cầu vay lớn hơn nguồn vốn thì sẽ chấm điểm theo tiêu chí và có những đối tượng sẽ được ưu tiên như người chưa có nhà, gia đình có nhiều người tham gia lực lượng vũ trang nhân dân... Nếu nhiều trường hợp cùng điểm thì tiến hành bốc thăm khách quan, công khai .
Ngân hàng Chính sách bắt đầu thực hiện cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất 4,8%/năm Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay chương trình nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 3%/năm, áp dụng trong giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Điều 15, 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi thực hiện cho vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định hiện hành áp dụng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội khi cho vay các chương trình hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách của Nhà nước. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2018 và áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015. |