Lại nóng chuyện 'con sâu làm rầu nồi canh' trong làng báo
- Tây Y
- 23:12 - 28/05/2019
Như vậy, ngay khi các vụ một số nhà báo bị bắt do có hành vi “làm tiền” doanh nghiệp như Phạm Lê Hoàng Uyển (phóng viên tạp chí Hướng nghiệp hội nhập) hay Đào Thị Thanh Bình (báo Thương hiệu và Công luận) vẫn chưa hết “nóng” thì lại xuất hiện một số người lạm dụng danh nghĩa “nhà báo” để “làm tiền” một cách trắng trợn.
Phóng viên Đào Thị Thanh Bình bị bắt khi "tống tiền" doanh nghiệp số tiền 70.000 USD
Theo thông tin từ cơ quan chức năng TP.HCM, xuất phát từ việc một số bệnh nhân đến những phòng khám – nhất là phòng khám nha, phòng khám thẩm mỹ để làm răng, làm mũi, dù kết quả bình thường nhưng họ vẫn đến phòng khám đập phá đồ đạc gây mất an ninh, trật tự, phóng viên của một số tờ báo đã “ăn theo”, mang “hồ sơ” đến các phòng khám “yêu cầu làm việc”. Theo một cán bộ an ninh của công an TP.HCM, thực chất những phóng viên nói trên tìm cách tiếp cận các phòng khám để đe dọa sẽ đưa những bài viết lên trên báo nhằm mục đích vòi tiền.
Có những phòng khám không muốn bị ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh đã chấp nhận trả tiền – dưới hình thức các hợp đồng quảng cáo giá trị rất lớn, trong khi bản thân các phòng khám này không có nhu cầu quảng cáo trên những ấn phẩm đó. Tuy nhiên, sau đó lại có người xưng danh phóng viên của một số tờ báo khác đến đòi tiền tiếp. Một số bài báo với nội dung thiên lệch, thiếu khách quan, sai sự thật do phóng viên tác nghiệp không đúng quy trình nhằm mục đích “bôi xấu” một số phòng khám “cứng đầu” đã xuất hiện trên một vài tờ báo…
Một phòng khám thẩm mỹ ở quận 10 cho biết, chỉ trong vòng một tuần, họ nhận tới 6 “yêu cầu làm việc” của 6 tờ báo khác nhau, chỉ xoay quanh duy nhất một trường hợp khách hàng cũ của phòng khám này khiếu nại, với nhiều nội dung không đúng sự thật. Khi phòng khám liên tục bị vòi vĩnh không chịu nổi mới báo công an.
Phóng viên Phạm Lê Hoàng Uyển bị xét xử trước tòa vì tống tiền doanh nghiệp
Cần nói thẳng, những người làm báo chân chính không bao giờ chấp nhận lối “làm việc” bất nhân như vậy. Bởi nó không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động của các phòng khám nói trên, mà còn làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của người làm báo, thậm chí có thể khiến dư luận xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với đội ngũ nhà báo nói chung.
Vì vậy, những người làm báo chân chính rất mong cơ quan chức năng vào cuộc với tinh thần quyết liệt để sớm vạch mặt những người lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi bất chính, làm trong sạch đội ngũ những người làm báo, bảo vệ uy tín của giới nhà báo.
Đã gần tới kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong những ngày này, vấn đề đạo đức của nhà báo càng cần phải được đề cao, để hình ảnh những người làm báo luôn đẹp, luôn đáng được tôn trọng trong mắt mỗi người dân.