CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Là đối thủ đáng gờm, nay Apple và Google lại bắt tay nhau phát triển ứng dụng phòng chống lây nhiễm Covid-19

Mới đây, Apple và Google vừa thông báo một dự án chưa từng có tiền lệ: Họ sẽ phát triển một công nghệ mới trên smartphone nhằm giúp theo dõi và lưu trữ thông tin về sự lây lan của dịch Covid-19.

Sự hợp tác này sẽ mở ra cơ hội cho hệ điều hành của cả hai bên, cho phép các ứng dụng "theo dõi liên lạc" tiên tiến hoạt động trên cả các dòng điện thoại iPhone lẫn Android.

Nguyên lý hoạt động của những ứng dụng này được dựa trên công nghệ Bluetooth trên điện thoại di động, có khả năng theo dõi điện thoại của những người mà bạn đã tiếp xúc gần trong ngày. Nếu sau này phát hiện mình bị nhiễm Covid-19, bạn có thể sử dụng hệ thống để cảnh báo tất cả những người đó, xác định ngay từ trước khi họ có thể nhiễm bệnh.

Mục đích của ý tưởng này là nhằm giúp chính phủ các quốc gia tận dụng các ứng dụng theo dõi liên lạc để có thể gỡ lệnh phong tỏa sớm hơn, bằng cách cho phép các cơ quan chức năng xác định được những cụm nhiễm mới. Công nghệ này cũng hỗ trợ những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 tự cách ly trước khi bản thân họ nhiễm bệnh.

Nhiều người bày tỏ sự quan tâm tới tính hiệu quả của loại công nghệ này cũng như các vấn đề về quyền riêng tư trong quá trình thực hiện. Mặc dù các công ty đã sử dụng Bluetooth trong việc  theo dõi người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 thay vì các dịch vụ định vị để bảo vệ người dùng, các nhóm vận động vẫn hết sức cảnh giác.

Là kẻ thù không đội trời chung, nay Apple và Google lại bắt tay nhau phát triển ứng dụng phòng chống lây nhiễm Covid-19 - Ảnh 1.

"Không một loại áp theo dõi liên lạc nào lại hiệu quả cho tới khi việc xét nghiệm được tiến hành nhanh, miễn phí và người dân có thể tiếp cận được các cơ sở y tế", Jennifer Granick - tư vấn viên về giám sát và an ninh mạng tại ACLU - cho biết. "Mọi người sẽ chỉ tin tưởng những hệ thống này nếu chúng bảo vệ quyền riêng tư, không tính phí, và chỉ lưu trữ dữ liệu trên thiết bị người dùng thay vì một kho lưu trữ tập trung."

Những ứng dụng tương tự đã được thử nghiệm tại Singapore và Trung Quốc. Tại châu Âu, Cộng hòa Séc tuyên bố sẽ ra mắt một ứng dụng tương tự vào tháng này. Anh, Đức và Ý cũng đang tự phát triển phần mềm theo dõi của riêng mình.

Tuy nhiên, những ứng dụng này cũng gặp một vài trở ngại nhất định. Ứng dụng tại Singapore chỉ được sử dụng bởi 12% dân số nên tính hiệu quả cũng bị hạn chế, chưa kể đến khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư được tích hợp trên hệ điều hành iOS và Android. Theo Apple và Google, họ sẽ gỡ bỏ tất cả những hạn chế này.

Các chuyên gia an ninh cũng cảnh báo rằng chỉ công nghệ này thôi thì chưa đủ để dò tìm và xác định hiệu quả những người có thể mang trong mình virus SAR-CoV-2. Họ cho biết, việc này vẫn cần đến các công cụ khác và đội ngũ nhân viên y tế. Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, chính phủ thậm chí đã sử dụng cả thẻ tín dụng và hồ sơ lưu lịch sử đi lại bằng giao thông công cộng.

Trước nhu cầu lớn về theo dõi liên lạc, Apple và Google sẽ tiến hành các thay đổi trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, họ sẽ ra mắt một loại phần mềm cho phép các cơ quan y tế công cộng phát hành ứng dụng cho cả điện thoại dùng iOS và điện thoại dùng Android vào tháng 5. Trong những tháng sau đó, họ sẽ tích hợp chức năng này vào thẳng hai hệ điều hành.

(Theo The Guardian)

Linh Hân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh