Ký ức tháng 4 của những phóng viên chiến trường
- Tây Y
- 06:38 - 01/05/2023
Với nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, mỗi năm đến ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30/4 ông vẫn đau đáu ôn lại ký ức một thời mang theo chiếc máy ảnh thay vũ khí cùng đoàn quân có mặt trong giờ phút thiêng liêng, trọng đại của đất nước.
“Ngày 28/3 giải phóng Đà Nẵng, tôi đi cùng Lữ đoàn tăng 203 vượt đèo Hải Vân tiến vào thành phố. Là phóng viên mặt trận, chúng tôi luôn phải có mặt ở những điểm nóng, nhạy cảm để có tin, bài gửi ra Bắc. Càng vào gần thành phố, đoàn xe tăng, xe cơ giới càng đi chậm lại do người dân đổ ra đường với cờ, hoa đón mừng đoàn quân. Tôi từ trên xe nhảy xuống liên tiếp bấm máy. Những khoảnh khắc hiếm hoi được thu vào ống kính. Nhìn hình ảnh những bà mẹ miền Nam bê từng thúng trái cây, các loại bánh gói sẵn để chờ đoàn xe đi tới đưa tận tay người chiến sĩ thực sự cảm động, vui sướng, nước mắt cứ thế tuôn trào…
Sau ít ngày ở Đà Nẵng chúng tôi lại lên đường, có thêm anh Lâm Hồng Long và Trần Mai Hưởng cùng đi. Anh Long chở anh Hưởng trên xe máy. Ở Nha Trang chúng tôi mượn được của Ủy ban Quân quản thêm 2 chiếc xe Honda, thế là cuộc hành quân của chúng tôi tiếp tục gồm 3 xe máy, 1 ô tô theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn…
11h30 ngày 30/4/1975, ông Thành theo Lữ đoàn tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập để lấy tư liệu và chụp hình gửi ra Hà Nội, sau đó hỏi đường đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Đến nơi, trước cổng hàng rào dây kẽm gai, có nhiều tiếng súng, khói đen ngút trời. Tôi kịp đuổi theo các anh bộ đội đang tiến sâu vào trung tâm chỉ huy. Khói mù mịt, lửa đỏ rực trên các máy bay thi thoảng lại bùng lên thành cột khói cao vút. Tôi liên tiếp bấm hết 2 cuốn phim bằng 2 chiếc máy ảnh Rolleifex và Pentax chụp phim 3x4 mang theo…”, nghệ sĩ Đinh Quang Thành kể lại. Sau này bức ảnh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất do ông chụp hôm đó đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Vinh dự trong nhóm nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập vào đúng trưa ngày 30/4/1975 còn có nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTX Việt Nam. Ông cũng đã ghi lại bức ảnh biểu tượng chiến thắng với chủ đề: “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" và nhiều bài báo về ngày giải phóng lịch sử.
Nằm trong nhóm phóng viên mũi nhọn đi theo cánh quân phía Đông của Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn, nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, ông đã có mặt ở căn cứ Nước Trong và chứng kiến những trận đánh cuối cùng ở đây để giải phóng cứ điểm vòng ngoài, tạo điều kiện tiến vào thành phố. Để đảm bảo cho xe tăng hành tiến thông suốt, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã hiệp đồng với đơn vị đặc công âm thầm bảo vệ các cầu trên xa lộ, cùng với pháo binh yểm trợ chi viện cho mũi thọc sâu. Ngày 29/3, Quân đoàn 2 tổ chức lực lượng thọc sâu gồm có Lữ đoàn 203 và Sư đoàn 304.
“Chúng tôi tham gia cùng mũi đột kích ấy. Ngay từ lúc bắt đầu xuất quân, chiều 29/4, từ các cánh rừng cao su, xe tăng chúng ta tập kết và hành quân cùng với lực lượng bộ đội đi xe thiết giáp và các xe vận tải quân sự, quang cảnh rất hùng vĩ, đoàn quân đi cờ bay trong nắng và khí thế rất hào hùng. Mọi người đều cảm thấy một điều rất rõ là sắp đến thời khắc giải phóng Sài Gòn, sắp đến giờ phút kết thúc chiến tranh. Đêm 29 ngủ lại bên kia sông Đồng Nai và chờ đến sáng 30 tiến qua cầu Xa Lộ vào thành phố”, ông Hưởng nhớ lại.
Trong ký ức của nhà báo Trần Mai Hưởng, sáng 30/4/1975 trên đường tiến quân vào Sài Gòn vẫn diễn ra những trận đánh cuối cùng và có thương vong. Đó là trận đánh ở Thủ Đức khi hai bên ổ kháng cự của lính Việt Nam cộng hòa vẫn còn đã bắn liên tục vào quân giải phóng. Quân giải phóng vừa tiến quân vừa đánh. Đánh trên cầu Rạch Chiếc, trên sông Sài Gòn, xe tăng của ta phải hạ thấp nòng để bắn tàu địch đang chạy ra biển. Đã có những chiến sĩ ngã xuống ở các trận đánh ngay cửa ngõ Sài Gòn.
Giữa trưa ngày 30/4/1975, cánh quân phía Đông của Quân đoàn 2, Lữ đoàn Thiết giáp 203 và Sư đoàn 304 là cánh quân đầu tiên tới Dinh Độc Lập. Chiếc xe chở nhóm phóng viên mũi nhọn của TTX Việt Nam trong đó có nhà báo Trần Mai Hưởng và phóng viên thông tấn quân sự, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã kịp đến Dinh Độc Lập. Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, đây là những phóng viên đầu tiên của phía Việt Nam có mặt ở Dinh Độc Lập.
“Cánh quân phía Đông của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lữ đoàn Thiết giáp 203 và Sư đoàn 304 là những người đã chiếm Dinh Độc Lập đầu tiên và bắt sống nội các Dương Văn Minh. Tất cả những hình ảnh ấy đã được tổ phóng viên của TTX Việt Nam, phóng viên quân đội ghi lại rất đầy đủ và tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về giờ phút lịch sử ấy cũng như quang cảnh người dân trên đường tiến quân vào Sài Gòn, nó tạo nên bức tranh chung về một ngày lịch sử, về một thời khắc không thể nào quên đối với mỗi người dân, đối với tất cả anh em phóng viên chúng tôi. Đối với người làm báo, có cơ hội đó là một may mắn”, ông Hưởng cho biết.
Ngoài những phóng viên Việt Nam, chiến thắng 30/4 cũng đã được kể qua hồi ức của nhiều phóng viên quốc tế.
Là một trong những phóng viên nước ngoài được trở lại Việt Nam ít nhất 5 lần, nhà báo người New Zealand Peter Arnett, một trong những phóng viên quốc tế của hãng AP đã lăn lộn đưa tin ở chiến trường Việt Nam kể: “Tôi không bao giờ quên được nét mặt của anh bạn Matt Franjola khi thông báo về những chiếc xe tăng với các binh sĩ miền Bắc mặc quân phục đang tiến về phía Dinh Độc Lập. Cạnh chỗ văn phòng làm việc của tôi, nhiều nhóm lính Việt Nam Cộng hòa đã vứt bỏ quân phục, quăng cả vũ khí vào ô cửa các cửa hiệu. Tôi chạy như bay về văn phòng và hét lên: George! Sài Gòn thất thủ, gọi trụ sở New York đi. Khi ấy, đồng hồ chỉ 11h43 ngày 30/4/1975”.
Sau khi hét lên với Trưởng văn phòng đại diện của hãng AP tại Sài Gòn George Esper, Peter Arnett vội vàng viết một bản tin về những gì mình chứng kiến, chuyển cho người phụ trách điện tín người Việt tên là Tammy rồi cùng với Matt Franjola đi thăm dò các con phố. Peter Arnett nhớ lại: “Chúng tôi gặp rất nhiều đồng nghiệp khác đang đi ra từ Dinh Độc Lập, trong đó có Neil Davis, phóng viên quay phim người Australia. Anh này nói đã chứng kiến tận mắt Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh bị dẫn đi”.
Còn đối với Trưởng Văn phòng đại diện của hãng AP tại Sài Gòn George Esper, kỷ niệm về Việt Nam, về chiến thắng 30/4 lại được ông lưu giữ trong những trang sách mang tiêu đề “The Eyewitness History of the Vietnam War” (Nhân chứng lịch sử Chiến tranh Việt Nam) xuất bản năm 1983. Trong cuốn sách của mình, George Esper từng viết: “Trong thời khắc nghe tin Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi chạy ra góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi bây giờ, phỏng vấn tâm trạn các binh lính cộng hòa. Rồi tôi được tiếp xúc với 2 chiến sĩ giải phóng quân đến Văn phòng AP, nghe họ kể về cuộc sống, chiến đấu trong các khu căn cứ và tâm sự về niềm vui, sự mong đợi được sum họp với gia đình. Tôi đã khóc khi được 2 chiến sĩ giải phóng quân ấy cho xem hình ảnh gia đình được họ cất trong ví. Nhờ đó mà tôi đã có được một bài tường thuật đăng trên trang nhất của tờ The New York Times số ra ngày hôm sau”…
Trong khi đó, với phóng viên ảnh Tim Page, ông đến Việt Nam khi tròn 21 tuổi. Và ông đã có mặt tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân năm 1968 và cũng là người ghi lại hình ảnh các binh đoàn đầu tiên của Mỹ đặt chân đến Sài Gòn. Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam, Tim Page đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Hồi niệm” tại TP. Hồ Chí Minh. Cựu phóng viên ảnh chiến trường này cho biết, “Hồi niệm” là một dự án được ông và đồng nghiệp Horst Fass theo đuổi từ cách đây gần 20 năm với mục đích là tập hợp lại những bức ảnh về chiến tranh Đông Dương. Tim Page tâm sự: “Tôi ghét chiến tranh, tôi muốn có hòa bình. Tôi muốn mọi người đến triển lãm để họ hiểu hơn về lịch sử, hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam”…