CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Kỳ tích của "người hùng" không tay

Từ làm kinh tế giỏi...

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Lãng, 54 tuổi, ở khóm 4, thị trấn Hải Lăng (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) vào một ngày đầu đông. Tuy bị cụt tay, nhưng khi pha trà tiếp khách mọi thao tác của ông đều rất nhanh nhẹn và chính xác. Tôi sợ ông khó khăn trong việc pha trà nên có ý muốn giúp, nhưng ông bảo: “Chú để yên đó, tui làm cho mà coi, đứng bên học hỏi thêm nhé.

Coi xong thấy hay thì khen một câu cũng được”. Khệ nệ bưng khay nước trà mời khách, ông hồ hởi khoe: “Chú thấy tui có giống một thằng bị cụt tay không. Không khéo chú còn thao tác chậm hơn tui nữa đó chứ. Nhìn ri ai nói tui cụt tay chứ”. Các thao tác pha trà, rót trà mời khách của ông nhanh gọn và thuần thục một cách không tưởng.

 Nhiều năm liền ông Lãng được biết đến là kình ngư ở Quảng trị

Sau một tuần trà, ông bắt đầu kể về cuộc đời ông, về cái ngày ông mất đi đôi tay, rồi cho đến lúc ông trở thành một gương điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của huyện Hải Lăng. Năm 1975, khi đó ông đang học lớp 5, thành tích học trong lớp không ai sánh bằng, giỏi về mọi mặt.

Thế nhưng, đang lúc tuổi xuân phơi phơi thì vào một ngày nghỉ học, ông phụ gia đình cuốc đất trồng rau màu. Nhát cuốc ngày hôm đó và tiếng nổ inh ỏi, chát chúa của một quả bom còn xót lại sau chiến tranh đã vĩnh viễn cướp đi đôi tay của ông.  Suốt 1 tháng nằm ở bệnh viện Đông Hà (Quảng Trị), đã không ít lần ông úp mặt vào tường để khóc. Ông khóc cho cái số phận nghiệt ngã của mình khi nhìn đôi tay bị cụt.

Sau khi ra viện, về nhà sức khỏe dần ổn định. Cụt tay, chẳng biết làm gì rồi ông lại lêu lổng theo đám bạn xấu trong xóm đi phá phách. Nói đến đây ông chỉ tay và vết xăm ở bắp tay phải với chữ: “Hận đời tuổi trẻ”. Rồi ông bảo: “ Theo mấy đứa có thói hư tật xấu nên sau khi nhận ra được lẽ phải, tui xăm chữ này cho khỏi quên”. Ông  nói đó là lúc chán nản, buồn đau nên đi theo đám bạn xấu. Chơi mãi cũng chán.

Ông nghĩ đến cảnh người thân phải bỏ việc chăm sóc cho mình, trong khi bạn bè nhiều đứa cùng lứa đã thành đạt nên ông quyết định tu chí. Từ đó, ông tập làm việc bằng hai cánh tay đã cụt hơn một nửa và đã tự lo được cho bản thân, bắt đầu làm việc nặng nhọc. 

Vợ ông Lãng đang giúp ông gắn cán cuốc vào cùm sắt để ông sợt cỏ

Lớn lên, như nhiều thanh niên khác, ông cũng đi tìm phụ nữ để yêu đương, nhưng luôn bị xa lánh và từ chối khi ngỏ lời yêu ai. Đang lúc tuyệt vọng, thì cô gái cùng làng tên Hồ Thị Dưỡng tự nguyện đến với ông vì cảm phục sự chịu thương chịu khó, thành thật của ông. Gia đình nhà gái cũng hiểu và thông cảm nên vun đắp cho hai người. Họ lấy nhau, sinh được ba đứa con khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của họ hàng, làng xóm.

Rồi như là ông trời thử thách ông. Năm ông đang làm cán bộ thủy nông cho hợp tác xã Mai Đàn, rồi làm bảo vệ ở rừng Chu (xã Hải Lâm), thì tự dưng ông bỏ dở công việc để làm “lâm tặc”, vì lúc đó cuộc sống túng thiếu nên ông làm liều. 10 năm trời, ông và nhiều lâm tặc chặt phá không biết bao nhiêu cánh rừng.

Mãi cho đến lúc ông nhận ra được giá trị to lớn của rừng đối với cuộc sống nên ông dừng lại. ông nhận ra rằng cho dù có kiếm được nhiều tiền mà phải sống chui, sống lủi thì cũng bằng không. Năm 2001, ông mang lễ vật lên miếu “thần rừng” Nà Tiên để tạ lỗi và hứa sẽ khai hoang lập nghiệp, để bù đắp lại khoảng rừng mình đã phá. Ông phát cây bụi, bổ đất khai hoang, trồng cây. Những ngày đầu, hai cánh tay sưng vù, rớm máu vì cầm chưa quen dụng cụ.

Ông dùng vải quấn hai cùi tay mình với cán cuốc, với cái rựa rồi khai phá đất đai. Hình ảnh người nông dân với hai cánh tay cụt ngày ngày cặm cụi cuốc xới, trồng trỉa đã được đến đáp. Những mảnh rừng xanh tốt lên phơi phới.

Ông Lãng trồng cuốc rau theo cách của riêng mình

Để minh chứng, ông dẫn tôi đi lên cánh rừng cách nhà 6km. Sau nhiều năm khai hoang, đến nay ông được giao 20ha đất trồng cây tràm, cao su, cây ăn quả; gần 3ha trồng hoa màu, mỗi năm bình quân thu nhập từ 60 – 100 triệu đồng.

...Đến kình ngư trên đường đua xanh

Không những giỏi làm kinh tế, ông còn bén duyên với cả nghiệp thể dục thể thao. Năm 2003, ông được về Trung tâm Thể dục thể thao huyện làm vận động viên. Từ lúc còn đôi tay lành lặn, ông đã biết bơi nên khi về trung tâm huyện để tập luyện ông học rất nhanh.

Với 9 năm tham gia trong đội vận động viên của huyện, của tỉnh, ông đã mang về hơn 20 huy chương các loại. Hiện ông đang giữ kỷ lục về đường bơi 200 mét. Ông cũng phá được kỷ lục ở đường bơi 50 mét. Nói về cơ duyên đến với thể thao, ông tâm sự: “Nó như là một cái duyên của tui chú à! Chứ chú nghĩ xem, nếu như tui lành lặn, chắc gì đã trở thành vận động viên bơi. Đủ hai cánh tay, chắc gì tui đã vô được sân chơi của làng thể thao.

Cơ duyên hết chú ạ. Giờ tui mới thấm được câu: “Ông trời không lấy đi của ai tất cả”. Ông lấy đôi tay của tui thì phải cho tui lại một cái chi đó thôi. Có tật thì có tài, rứa mà thiệt chú tề”.

Lúc tiễn tôi ra ngõ, ông bảo: “Bàn tay ta làm nên tất cả, nhưng mất tay thì chưa chắc đã là mất hết chú ạ. Chỉ sợ mất ý chí và sự kiên trì thôi. Nếu mất hai cái đó, coi như bỏ”.

Thấy tôi cặm cụi ghi, ông phì cười rồi bảo: “Chú hai tay lành lặn rứa mà viết chữ không được đẹp nơi hè. Chú thấy chữ tui viết chưa, có dám thi viết với tui không”. Dường như bị chạm vào lòng tự ái, tôi cũng đồng ý thi. Ông ra đề: “Chú viết tên chú, tui viết tên tui. Coi ai viết đẹp và nhanh”. Sau mấy giây, ông bày ra cho tôi xem nét chữ, phải nói rằng tôi chịu thua một cách tâm phục khẩu phục. “Tui tập mãi mới viết được ri đó chú. Cái chi cũng rứa, kiên trì thì sẽ được thôi. Giờ không có việc chi đối với tui là khó hết, áo quần tui còn thay được mà. Không tin chú cởi thi với tui luôn”. Nói xong ông cười một tiếng thật đã.

Nguyễn Đắc Thành

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh