CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:40

8 câu chuyện nóng của giáo dục năm 2015

 

Kỳ thi THPT quốc gia 2015

Lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi hai trong một, tức là một kỳ thi nhưng kết quả được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Từ nhiều kỳ thi, thí sinh chỉ còn kỳ thi duy nhất cần vượt qua; từ vài cụm thi ở thành phố lớn, hàng chục cụm thi được tổ chức ở khắp các tỉnh thành đã giảm được áp lực cho thí sinh và toàn xã hội. Cơ hội vào đại học của học sinh cũng tăng lên khi biết kết quả mới làm hồ sơ xét tuyển vào trường phù hợp.

Mặc dù vậy, công nghệ, hạ tầng kỹ thuật yếu kém của Bộ Giáo dục đã bộc lộ ngay trong ngày công bố kết quả thi. Mạng chết trong nhiều giờ, một số sai sót dữ liệu thi khiến thí sinh hốt hoảng. Việc cho phép nộp - rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài tới 20 ngày khiến tình trạng hỗn loạn đã diễn ra ở một số trường. Ngay sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải đứng ra nhận trách nhiệm vì tình trạng xáo trộn trong đợt xét tuyển đầu tiên và đưa ra các biện pháp khắc phục cho những đợt sau.

 

 

Thí sinh và người nhà làm thủ tục rút - nộp hồ sơ tại Đại học Kinh tế Quốc dân chiều 20/8.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất được Bộ GD&ĐT giao thí điểm thi đánh giá năng lực lấy kết quả tuyển sinh vào đại học. Bài thi gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, chia làm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định của từng phần khác nhau gồm: Tư duy định lượng, tư duy định tính và tự chọn. Thời gian làm bài 195 phút trên máy tính. Kết quả bài thi có giá trị dùng để đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.

Sau hai đợt thi vào tháng 5 và 8, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội đã tuyển đủ chỉ tiêu. Kỳ thi được đánh giá là thành công khi đạt được các mục tiêu đặt ra, kết quả thi đánh giá năng lực tương ứng với kết quả thi THPT quốc gia, tức là những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực cao đều có điểm thi THPT quốc gia tốt.

 Bộ Giáo dục cấm thi tuyển vào lớp 6

Đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo cấm các trường (cả công và tư) tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định.

Quy định này lập tức gây xôn xao dư luận, bởi nhiều trường ở đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Các năm trước, kỳ thi vào lớp 6 ở những trường này diễn ra khá căng thẳng với tỷ lệ chọi cao. Một số trường sau đó đã trình phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhưng không được chấp nhận vì vẫn tạo ra áp lực mới cho các em.

 

Phụ huynh chen lấn mua hồ sơ vào lớp 6 tại trường THCS Lương Thế Vinh, Hà Nội. Giá mỗi bộ hồ sơ là 50.000 đồng. 


Sở GD&ĐT Hà Nội sau đó công bố, một số trường tuyển sinh lớp 6 trên toàn thành phố, trong đó có khối THCS của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, sẽ xét tuyển dựa theo 3 tiêu chuẩn: Xét năng lực học tập qua học bạ; kết quả của các cuộc thi từ văn hóa đến nhạc họa, thể dục thể thao... và ưu tiên con em gia đình chính sách.

 Bài toán lớp 3 làm khó cả tiến sĩ

Giữa tháng 5, một bài toán ôn tập để thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) được một phụ huynh gửi đến cơ quan báo chí. Sau khi đăng tải, bài toán lập tức nhận được sự quan tâm chưa từng có của bạn đọc cả trong và ngoài nước. Hơn 3.000 người tham gia giải, nhiều tờ báo nước ngoài đã dẫn lại bài toán và mời bạn đọc giải. Nhiều ý kiến cho rằng việc ra bài toán khó cả với tiến sĩ là minh chứng cho thấy giáo dục phổ thông Việt Nam nặng tính hàn lâm, đánh đố học sinh.

PGS Trần Diên Hiển, người viết sách giáo khoa và nhiều tài liệu toán nâng cao cho học sinh tiểu học, cho rằng đề toán lớp 3 của học sinh ở Bảo Lộc nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, ngoài chương trình lớp 3 vì kiến thức lớp 3 mới dừng lại ở việc tính toán vài dấu phép tính, trong khi bài toán có tới 12 dấu phép tính. "Tuy nhiên, bài toán đã không chỉ gây sốt ở Việt Nam mà một số nước đã đăng lại và mời độc giả giải. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của toán học và ít nhiều bài toán này đã tác động đến sự quan tâm của người dân đến toán học (chưa hẳn là tác động đến việc dạy học toán)", thầy Hiển nói.

Chia sẻ với phóng viên, TS Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cho biết, bài toán gây sốt nói trên được lấy từ cuốn “Phiếu bài tập cuối tuần Toán và Tiếng Việt lớp 3”, một tài liệu tham khảo, không bắt buộc học sinh, phụ huynh phải mua và cũng không bắt giáo viên phải lấy đó làm bài kiểm tra. Bài toán đơn thuần là bài tập dành cho những học sinh muốn mở mang kiến thức. Tuy nhiên, khi tài liệu được tái bản, Nhà xuất bản đã trao đổi và thống nhất với các tác giả để rà soát, chỉnh sửa nội dung bản thảo cho phù hợp với chương trình. Bài toán đã không còn trong tài liệu tham khảo của học sinh lớp 3.

 Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư

Giữa tháng 9, việc Đại học Tôn Đức Thắng  quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu nhận được sự quan tâm của xã hội. Mục đích của trường là bổ nhiệm các vị trí chuyên môn để phân công công việc và chế độ phù hợp cho thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường. Tuy nhiên, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, khẳng định việc này không đúng quy định và cần dừng lại.

"Để công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, ứng viên phải qua ba cấp xét duyệt: Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự, dù các trường có quyền tự chủ, nhưng cũng không thể tùy tiện, phải đảm bảo quy định, đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia", ông Nhị nói.

Đáp lại, giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, khẳng định trường không làm sai và sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sư. Giữa tháng 11, trường công bố điều chỉnh nội dung hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn. Theo đó, sẽ có ba chức vụ được bổ nhiệm hay đề bạt, gồm giáo sư trợ lý; giáo sư dự bị; giáo sư thực thụ. Với nhà khoa học có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và cho sự phát triển của trường sẽ được bổ nhiệm chức vụ giáo sư xuất sắc. 

 Bộ Giáo dục công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục công bố vào đầu tháng 8. Thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7-8 đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT. Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành môn bắt buộc và môn tự chọn. Tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học.

Cấp THPT, để hài hòa giữa học phân hoá định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học Xã hội cùng với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên. Môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng khoa học xã hội. Học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục.

Thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh (Hà Nội) nhận xét, từ thất bại trong việc dạy phân ban nhiều năm qua, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy Bộ GD&ĐT đã bắt kịp được xu hướng tiến bộ hiện nay là dạy học tự chọn và chương trình học vừa tích hợp vừa phân hóa. Đây là hai điểm quan trọng nhất của đề án đổi mới này.

Tranh cãi tích hợp hay để Sử là môn độc lập

Sau một thời gian công bố, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lại nhận được sự quan tâm của xã hội khi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo tại Hà Nội bàn về việc "xóa sổ" môn lịch sử khi môn này không còn tên trong chương trình học bắt buộc. GS Phan Huy Lê cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn lịch sử lại bị tích hợp vào các môn khác, cụ thể ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".

"Tích hợp môn sử ở cấp tiểu học là phù hợp về phương diện khoa học và tâm lý học sinh. Nhưng đến THCS và THPT mà vẫn bị cắt xén, lấy một ít kiến thức tích hợp với các môn khác là không có cơ sở. Thực chất là xoá bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông", giáo sư Phan Huy Lê nói.

Trong khi các giáo sư đầu ngành lên án mạnh mẽ dự thảo chương trình phổ thông tổng thể của Bộ và yêu cầu giữ lịch sử là môn bắt buộc, độc lập vì "dân ta phải biết sử ta, nhất là trong điều kiện chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng, thì Bộ GD&ĐT vẫn giữ quan điểm cho rằng "Lịch sử không bị xóa bỏ, thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn, trong nhiều môn học khác nhau".

Sức nóng của sự kiện này lan đến cả nghị trường Quốc hội khi trong phiên chất vấn trực tiếp, đại biểu Lê Văn Lại gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Xin Bộ trưởng nêu chính kiến, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tái khẳng định "dự thảo đang lấy ý kiến không có ý định giảm môn Lịch sử. Vấn đề thảo luận là để riêng môn Lịch sử hay để Lịch sử gắn bó với các môn học khác". Tuy nhiên, nghị quyết Quốc hội cuối kỳ họp đã nêu rõ "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".

Đại học Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo Y dược

Ngày 19/11, Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học. Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.

Lý giải về quyết định này, quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết trường đã có quá trình chuẩn bị điều kiện vật chất, nhân lực. Hơn nữa, các đơn vị chức năng của hai Bộ thẩm định thực tế, thấy trường đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy. Tuy nhiên, 2 ngày trước khi Bộ GD&ĐT cấp phép, Bộ Y tế đã có văn bản gửi trường khuyến cáo cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải triệu tập một cuộc họp, sau đó Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo khẳng định việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành y tế nói chung, bác sĩ đa khoa, dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là tiêu chí hàng đầu. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo hai Bộ GD&ĐT và Y tế kiểm tra việc trường thực hiện các yêu cầu, đảm bảo điều kiện cần thiết và chỉ cho phép đào tạo khi đã đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Theo kế hoạch, đợt kiểm tra dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 11/12, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo HOÀNG THÙY / vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh