THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:39

Kỳ thi THPT: Bắt đầu gom bài thi, làm phách

 

Kỳ thi của sự đổi mới

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi “2 trong 1” lần đầu tiên được tổ chức với hai mục tiêu quan trọng là tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nhiều phụ huynh cho rằng, kỳ thi không những tiết kiệm chi phí cho gia đình mà quan trọng là tôn trọng sự lựa chọn của các em. Kỳ thi này còn được ghi nhận là kỳ thi có nhiều đổi mới trong công tác ra đề. Không chỉ tiếp tục ra đề theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn mà nhiều vấn đề thời sự đã được đưa vào đề thi, tạo ra sự hứng khởi và hào hứng cho các thí sinh.

 

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi tại Trường  ĐH Luật - Hà Nội.


Đề thi môn toán có câu hỏi tính xác suất đội phòng chống dịch MERS-CoV cơ động nên thí sinh khá hứng thú. Thí sinh Trần Thế Vinh (điểm thi trường ĐH Thủy Lợi) tỏ ra khá bất ngờ với câu hỏi này. Theo Vinh,  câu này không khó, nhưng gắn với dịch MERS-CoV nên có thể người ra đề mong muốn các bạn trẻ cũng phải có ý thức bảo vệ sức khỏe nói chung và phòng chống dịch MERS-CoV nói riêng. Với dạng đề thi thế này, đề Toán “mềm” hơn và tạo cảm giác lý thú cho thí sinh.

Đề thi ngữ văn, kỳ thi THPT quốc gia cũng được các giáo viên dạy văn đánh giá là hay. Phần đọc hiểu đoạn thơ trong bài ​"Hát về một hòn đảo" của tác giả Trần Đăng Khoa vừa mang tính thời sự, vừa khơi gợi tình yêu Tổ quốc. học sinh không chỉ cảm nhận đoạn thơ mà còn có cơ hội bộc lộ tình yêu đối với những người lính đảo, niềm tự hào về vẻ đẹp của biển đảo quê hương. Câu hỏi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. Phần nghị luận đoạn văn trích trong ​"Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa" đã bàn về một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, đó là hội chứng vô cảm, sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn của con người trong xã hội hiện đại. Đề thi đã cho thí sinh cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, cũng là để các em nhìn lại chính thái độ sống của mình.

Tương tự, trong đề thi môn địa lý thi thí sinh được yêu cầu nêu các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc và ý nghĩa về bảo vệ chủ quyền biển đảo trong khai thác tài nguyên biển. Trong khi đề thi môn tiếng Anh có câu hỏi về vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên…

Với môn thi lịch sử, theo cô Phạm Thị Hoài Thương, giáo viên môn sử trường THPT Nhân Việt, TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Đề thi không quá khó nhưng có tính phân hóa, đòi hỏi tư duy của học sinh, có những câu gợi ý cho học sinh, tránh được việc học sinh học vẹt đối với môn Sử. Đặc biệt, ở câu 2 và 4, đề đã góp phần khơi gợi lòng yêu nước của học sinh khi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của bản thân về Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 và thanh niên Việt Nam cần làm gì để củng cố và phát triển nhân tố trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… 

 Vừa thi, vừa chuẩn bị chấm

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết ngay khi kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều cụm thi đã triển khai công tác làm phách để chấm thi cho kịp tiến độ. Công tác chấm thi sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch dự kiến (ngày 20/7 hoàn tất khâu chấm thi) hoặc có thể sớm hơn để thí sinh có kết quả tham gia xét tuyển ĐH, CĐ. Các trường được yêu cầu không bố trí công tác, lịch học, nhiệm vụ khác cho giáo viên đã được phân công đi chấm thi để đảm bảo nhân lực cũng như chất lượng chấm thi.

Trước yêu cầu của Bộ GD&ĐT, nhiều cụm thi lựa chọn phương án rọc phách theo hình thức cuốn chiếu ngay sau mỗi môn thi.Tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân  cho biết, trường sẽ bắt đầu rọc phách ngay từ ngày 2/7 để có thể chính thức chấm thi từ ngày 5/7.

Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho biết, do số lượng thí sinh đông, trong khi thời gian Bộ GD&ĐT quy định cho việc chấm thi quá gấp, nên trường quyết định ngay sau mỗi môn thi xong sẽ tiến hành rọc phách số bài thi của môn thi đó để đẩy nhanh tiến độ chấm thi, đặc biệt là môn toán và ngữ văn.

Tại cụm thi do Trường ĐH Vinh, ông Nguyễn Minh Hùng, phó hiệu trưởng Trường  cho biết, hội đồng thi quyết định dồn túi bài thi, rọc phách theo hình thức cuốn chiếu ngay từ ngày 2/7. Với số lượng bài thi lớn, Trường ĐH Vinh sẽ huy động cả giáo viên tại chỗ và giáo viên từ các sở GD&ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh hỗ trợ công tác chấm thi. Dự kiến, với những môn thi có nhiều thí sinh dự thi như toán, ngữ văn, cụm thi sẽ bố trí 150 giáo viên chấm mỗi môn thi.

Tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên 1/7, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành chạy phần mềm làm phách của bộ và làm phách bài thi các môn đã thi xong. Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã bắt đầu rọc phách từ chiều 1/7. Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh rọc phách vào sáng 2/7, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh  tiến hành rọc phách ngày 3/7. ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh ngày 5/7 sẽ rọc phách bài thi.

Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Trí, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ cho biết, chiều 1/7 ban thư ký cụm thi Cần Thơ đã bắt đầu kiểm tra và rọc phách bài thi hai môn toán và ngoại ngữ để phục vụ công tác chấm thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi. Cũng theo ông Trí, hội đồng chấm thi Trường ĐH Cần thơ đã huy động 600 giáo viên chấm thi là giảng viên tại trường và giáo viên các trường THPT tại tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long.

Trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia của Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở vấn đề chấm thi cũng cần lưu ý để không xảy ra việc nơi này chấm chặt, nơi kia chấm lỏng giữa các tỉnh thành, giữa các cụm thi. Muốn vậy ngoài việc nghiêm túc của các hội đồng chấm thi, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu hướng dẫn chấm, barem điểm hợp lý.

Phó thủ tướng yêu cầu các trường cần tập trung nhân lực, tập huấn kỹ cán bộ chấm thi, chuẩn bị các điều kiện vật chất và kỹ thuật để thực hiện khâu chấm thi nghiêm túc, đảm bảo kết quả thi của thí sinh chính xác, công bằng trong xét tuyển chung. Theo Phó thủ tướng, sau khi đã tổ chức tốt kỳ thi, công tác chấm thi an toàn, chính xác sẽ góp phần quan trọng để tạo niềm tin cho nhân dân về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Cù Hòa - Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh