THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:11

Kỳ Sơn (Nghệ An): Tan hoang sau lũ quét

Trận lũ quét xảy ra vào sáng 2/10 khiến các bản làng tan hoang. Tính đến sáng 4/10, toàn huyện có 1 người tử vong, 55 ngôi nhà bị đổ sập, lũ cuốn trôi hoàn toàn (xã Tà Cạ 54 nhà, thị trấn Mường Xén 1 nhà), 141 nhà bị hư hỏng nặng (xã Tà Cạ 79 nhà, thị trấn Mường Xén 62 nhà); 36 nhà buộc phải di dời không thể sinh sống do nguy cơ sạt lở đất (xã Tà Cạ 30, xã Bảo Nam 6 nhà). Trận lũ quét cũng cuốn trôi 2 ô tô 5 chỗ ngồi, làm ngập, vùi lấp 10 ô tô, 91 xe máy…

Sạt lở, tắc đường rất nghiêm trọng tại nhiều tuyến đường giao thông, cụ thể tuyến đường nối Mường Xén - Tây Sơn bị sụt lún nhiều đoạn, hiện nay xã Tây Sơn đang bị cô lập hoàn toàn. Đường quốc lộ 7 trên địa bàn thị trấn Mường Xén lên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn sạt lở trên 11 điểm, hiện tại các phương tiện không thể lưu thông…

Người dân đang xúc bùn đất ra khỏi nhà.

Người dân đang xúc bùn đất ra khỏi nhà.

Chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang đang huy động tối đa nhân lực máy móc để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên quá trình thực hiện nhiệm vụ đang gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, dân cư dày rất khó để máy móc hoạt động hiệu quả.

Bước đi len lỏi trên hàng trăm ngàn tấn đất đá do lũ quét đẩy về, chúng tôi không khỏi xót xa. Ngay từ đầu bản, mẹ con bà Ngân Thị Tâm (71 tuổi), bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, đang hì hục bươi, xúc đất đá để tìm lại những đồ dùng còn sót lại. Bà Tâm, nghẹn ngào: “Thế là hết cả chú nà, nhà tui và nhà hai đứa con đối diện không còn bất kỳ một cái chi. Không biết hết đời có làm lại được như trước khi lũ về không…”.

Người dân ngồi thành từng nhóm chớ cứu trợ vì không còn nhà để về.

Người dân ngồi thành từng nhóm chớ cứu trợ vì không còn nhà để về.

Cạnh nhà bà Tâm là ngôi nhà tình thương của bà Vi Thị Ỏn. Bùn đất lấp hơn nửa ngôi nhà. Bà Ỏn ngồi một góc nhìn ra đường và bà bị khuyết tật không đi lại được. Các cháu của bà đang xúc đất từ trong nhà ra sân. Bà Ỏn không thể nói nổi câu nào khi phóng viên hỏi chuyện. Nỗi kinh hoàng làm bà như mất trí. Chi Phương, cháu của bà từ Tương Dương lên giúp, cho biết: “Giờ cũng chỉ biết xúc đất ra sân để khi nào xe vô được thì chở đi chứ biết đổ đi đâu. Nghe nói sáng đó nước dâng lút nhà, may có bà con vào cõng bà ra, chứ bà sống một mình không đi lại được thì không biết sẽ thế nào”.

Chị Va Y Dờ và cháu Mùa Chí Mùa đang ngồi nhờ ở sân nhà anh Mùa Bá Chò.

Chị Va Y Dờ và cháu Mùa Chí Mùa đang ngồi nhờ ở sân nhà anh Mùa Bá Chò.

Tiến sâu vào giữa bản, từng tốp bà con ngồi theo nhóm chờ các đoàn thiện nguyện mang xôi và thực phẩm vào tiếp tế. Chị Vi Thị Hiển, ngồi trong một nhóm người buồn bã: “Giờ đến cái ăn, cái uống cũng không có. Ngồi đây chứ cũng không biết làm chi, nhà cũng có mô nựa mà về”. Nhiều người khác chỉ ngồi nhìn dòng nước chảy rồi thở dài mà thôi.

Đoàn công tác bộ LĐ-TB&XH, nắm bắt tình hình và thăm tặng quà động viên bà con vùng lũ.

Đoàn công tác bộ LĐ-TB&XH, nắm bắt tình hình và thăm tặng quà động viên bà con vùng lũ.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, hàng trăm ngàn tấn đất đá, lấp hết ruộng, nương, xóa sổ nhiều cây cầu và nhiều căn nhà không còn dấu vết. Tìm đến nhà chị Va Y Dờ, là một trong những nhà ở cao nhất bản Sơn Hà, có con là Mùa Ngọc Châu, bị lũ cuốn tử vong. Chị Dờ thất thần ngồi nhìn ra sân rồi khóc mà không thể thốt nên lời. Ngôi nhà của mẹ con chị đã không còn. Anh Mùa Bá Chò, anh họ chọ Dờ, cho biết: “Lúc đó nó đang chuyển đồ từ nhà nó lên đây(nhà anh Chò), nên nhờ cháu Mùa Chí Mùa, bế con cho. Khi lên đến nơi thì lũ bất ngời đổ xuống, cả hai đứa nhỏ bị cuốn theo. Cùng khoảng 5 người nữa. Nhưng người lớn họ thoát được hết. sau đó em nghe la hét thì em theo lũ đi tìm thì phát hiện cháu Châu mất rồi kẹt ở bức tường. Đi nước thì phát hiện cháu Mùa đang bám vào cây đu đủ nên kéo vào. Em ở đây 30 năm rồi, giờ mới thấy có trận lũ kinh hoàng thế này. Thật là khiếp khủng” Lũ quét không còn, nhưng dòng nước lũ vẫn đang cuồn cuộn chảy ầm ầm như gào thét. Nhìn hàng trăm ngàn tấn đất đá xóa sổ tan hoang các bản làng mà xót xa. Không biết đến bao giờ bà con nơi đây lại có được cuộc sống như ngày trước. Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Hiện nay việc cấp bách nhất phải lo là cơm ăn và áo mặc cho bà con. Bà con không còn gì nữa. Song song với việc đó là hàng trăm việc khác vì nhiều bản đã tan hoang do lũ. Cũng chưa biết đến lúc nào mới dọn dẹp xong đất đá này”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh