Kỷ niệm làm báo giữa tâm dịch
- Y học 360
- 11:54 - 21/06/2022
LAO VÀO VÙNG NGUY HIỂM
Từ vài "điểm nóng" ban đầu ở quận Gò Vấp và Quận 12, dịch Covid-19 nhanh chóng lan ra nhiều nơi khác. Khi ấy, vấn đề "nóng" mà báo chí quan tâm hàng đầu chính là diễn biến phức tạp của dịch. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải "tiếp cận hiện trường" để có những phản ánh xác thực nhất về tác động của dịch đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân. Muốn vậy, không còn cách nào khác, các phóng viên phải "xông pha" vào tận những nơi dịch đang bùng phát với tâm thế của những "phóng viên chiến trường".
Cấp độ phong tỏa tăng dần, từ tháng 7/2021 người dân thành phố bắt đầu được yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhưng tần suất và cường độ làm việc của cánh nhà báo tại tâm dịch chuyển theo chiều hướng ngược lại. Khi phố xá ngày càng trở nên vắng vẻ, nhịp điệu cuộc sống ở thành phố vốn sôi động nhất nước chìm trong lặng lẽ, vắng vẻ, thì đó là lúc mà nhiều nhà báo vẫn phải bươn chải trên những tuyến đường, xông pha vào những khu dân cư chật chội, đông đúc, bất chấp ở những nơi đó có rất nhiều khu bị giăng dây, những rào chắn lạnh lùng bít mọi lối ra vào...
Thời ấy, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp bất kể ngày đêm. Lực lượng phóng viên luôn phải "trực chiến" để bám sát tình hình, bất chấp hiểm nguy để lao vào tâm dịch, ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn…
Phải tác nghiệp trong mùa mưa xen lẫn những ngày nắng nóng khủng khiếp, các nhà báo phải trùm lên người bộ đồ bảo hộ kín mít, vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, khi vào những vùng tâm dịch, tận mắt chứng kiến lực lượng y tế, vũ trang, thanh niên... và chính quyền địa phương đang căng mình chống dịch, dường như họ quên đi những vất vả của mình, quên cả những hiểm nguy đang rình rập, chỉ mong sao có những hình ảnh, những dòng thông tin chân thực và nhanh chóng để chuyển tải đến bạn đọc.
Những chuyến "thực tế" ở các khu cách ly mang đến nhiều cảm xúc cho những người làm báo, khi họ phải chứng kiến nhiều em nhỏ phải tự lo liệu cuộc sống, chăm sóc bản thân mà không có người thân ở bên cạnh; nhưng nỗi sợ hãi thường trực ở những người có dấu hiệu trở bệnh...
Nhưng có lẽ, những hình ảnh ở các bệnh viện dã chiến còn ám ảnh hơn, khi hàng ngàn con người đang phải chiến đấu từng phút giây để giành giật sự sống mong manh. Tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi, tiếng các nhân viên y tế và tình nguyện viên hối hả gọi nhau, và cả những giọt nước mắt đắng cay khi chứng kiến một bệnh nhân mới qua đời... Những hình ảnh và cảm xúc ấy, hẳn sẽ theo những người làm báo đã có dịp trực tiếp "nhập cuộc" đến suốt cuộc đời.
Nhiều nhà báo kể lại, ám ảnh vì dịch bệnh theo họ vào cả giấc ngủ. Nhiều người nằm mơ thấy mình bị mắc Covid-19, cả gia đình con cái cũng bị. Giật mình tỉnh dậy, mồ hôi lạnh toát, ướt hết cả người...
CHẤP NHẬN HY SINH
"Để có một dòng tin, một hình ảnh chân thực về Sài Gòn những ngày phong tỏa, không thể không chấp nhận dấn thân. Dẫu biết dịch không chừa một ai, bản thân mình có thể trở thành F0 vào bất cứ lúc nào, nhưng không trực tiếp đi thực tế thì làm sao có được thông tin, làm sao chuyển tải được tiếng nói của người dân, cũng làm sao biết được những hy sinh gian khổ mà đội ngũ y bác sĩ cùng lực lượng ở tuyến đầu chống dịch đang phải đối mặt. Vì thế mà phải đi, phải chấp nhận cả những nguy cơ rủi ro nhất", Xuân Thái, phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết.
Những ngày TP. HCM phong tỏa, khi phải lăn lộn nơi tuyến đầu, cũng là lúc người mẹ của Xuân Thái ốm nặng và qua đời sau đó ít lâu. Nhưng, vừa lo chăm sóc mẹ, anh vừa phải lo chu toàn công việc. Sự căng thẳng nhiều khi khiến anh muốn gục ngã, nhưng trách nhiệm của người con, của người cầm bút không cho phép anh gục ngã, cũng không có được phút giây ngơi nghỉ.
Những ngày TP. HCM áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, việc kiểm soát đi lại cực kỳ nghiêm ngặt, Trung tâm báo chí của Sở Thông tin và Truyền thông lại luôn đông đúc. Hàng trăm nhà báo thường ngày tập trung về để xin giấy đi lại, tranh thủ trao đổi thông tin với nhau. Có lẽ đó là "tụ điểm" duy nhất mà cánh báo chí có thể gặp gỡ, "đàm đạo" khi cả thành phố đang "phong tỏa cứng".
Có được tấm giấy đi lại là "niềm hạnh phúc" cho những người làm báo thời ấy. Và với tấm "giấy thông hành" đó, họ lại xông pha vào những "điểm nóng" đầy hiểm nguy, tiếp xúc không chỉ với những người tham gia lực lượng tuyến đầu, mà còn tiếp xúc với cả những bệnh nhân. Và trong quá trình tác nghiệp ấy, đã có không ít người trở thành bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Có những người đã mãi mãi ra đi...
"Những ngày ấy, điều đáng sợ nhất là khi lướt facebook thấy đăng tin một đồng nghiệp vừa qua đời vì dịch. Nghĩ cuộc đời thật mong manh, mới mấy ngày trước còn gặp, trò chuyện, mà giờ đã "âm dương cách trở". Quả là "sinh nghề tử nghiệp". Từng phút giây trôi qua thật nặng nề, tất cả chìm trong sợ hãi. Nhưng là người cầm bút, gánh trên vai trách nhiệm với xã hội, mình không được phép lùi lại, không được chạy trốn!", Đình Hưng, phóng viên trẻ báo Phụ Nữ Việt Nam chia sẻ.
Chỉ trong vòng 4 tháng (từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 9/2021), TP. HCM đã trải qua biết bao biến cố. Không chỉ là những con đường vắng lặng không một bóng người, những tuyến phố bị chặn bằng hàng rào dây thép gai nghiêm ngặt như thời chiến, có những thời điểm ở các cửa ngõ thành phố xuất hiện những dòng người rất đông đảo, trong tư thế sẵn sàng vượt chặng đường dài hàng trăm hàng nghìn cây số bằng phương tiện cá nhân. Đó cũng là lúc mà những người làm báo vừa phải thâm nhập thực tế, vừa bám sát các cơ quan chức năng để kịp thời chuyển tải những quyết định cấp bách. Việc thông tin trong những thời khắc như vậy đòi hỏi sự mẫn cảm rất cao của người làm báo. Nếu không cẩn thận, thông tin sẽ phản tác dụng, rất nguy hiểm.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà các nhà báo gặp phải khi ấy là tìm cho ra những nhân vật cụ thể, mang tính điển hình để khai thác tư liệu. Giữa lúc mọi người dân đều ở yên trong nhà, tránh tiếp xúc với người ngoài, còn lực lượng tuyến đầu đang phải cật lực, tranh thủ từng phút từng giây để chiến đấu với dịch, các nhà báo đã phải vận dụng tất cả mọi mối quan hệ, sử dụng mọi khả năng của mình để có những "nhân chứng đắt giá" cho những bài viết, bản tin của mình. Chỉ những người tâm huyết với nghề và có trách nhiệm lớn với cộng đồng, xã hội mới có thể làm được những điều khó khăn, đầy thách thức như vậy.
Một trong những nhiệm vụ của báo chí chính thống trong suốt thời gian cao điểm dịch, bên cạnh chuyển tải thông tin xác thực, còn phải tham gia chống tin giả nhan nhản trên mạng xã hội. "Chỉ có những thông tin trung thực, từ chính những người trong cuộc, với cái nhìn bao quát của người làm báo, mới có thể tạo dựng niềm tin cho người dân, qua đó phản bác lại được những tin giả", nhà báo Đình Hưng chia sẻ.
Những tháng ngày cao điểm dịch ở TP. Hồ Chí Minh, ngoài tuyến đầu chống dịch là đội ngũ y bác sĩ, lực lượng an ninh, quân đội… những cơ quan báo chí, hàng ngàn phóng viên, nhà báo đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, lao vào tâm dịch để tác nghiệp. Họ cũng là những chiến chiến sĩ xung kích, góp công sức lớn vào nỗ lực cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh.