CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:57

'Kỳ nhân' một mình sống độc tôn trên núi Chứa Chan

 

Từ chùa Bửu Quang (nằm lưng chừng đỉnh núi Chứa Chan, H.Xuân Lộc, Đồng Nai) chúng tôi len theo con đường mòn nhỏ, những đoạn dốc khúc khuỷu nhắm hướng đỉnh núi tìm nhà "thần núi" Ngô Văn Phước.
Hai bên đường dẫn lên, cỏ tranh mọc um tùm, cao lút đầu người, có những đoạn cây cối rậm rạp, dốc đá trơn trượt như bôi mỡ.
Đường mòn lên núi hai bên cỏ tranh, cây cối mọc um tùm 
 
Vừa tới nơi thì chúng tôi bắt gặp ông Phước đang chuẩn bị xuống núi để phụ giúp việc cho sư trụ trì chùa Bửu Quang. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà đã dọn sạch đồ đạc, trống hoác, ông Phước phân trần: "Vợ con tôi chuyển xuống đồng bằng ở rồi. Giờ chỉ còn mình tôi trên núi thôi".
Ông Phước kể tiếp, hai vợ chồng ông lấy nhau và ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Năm 1992, ông có quyết định táo bạo khi dắt vợ lên núi Chứa Chan để lập nghiệp. Vùng núi rừng hoang vu, cây cối rậm rạp, thiếu vắng bóng người ở khiến quyết tâm của ông gặp không ít lời gièm pha. Thời gian này, du khách khắp nơi tìm về cúng chùa Bửu Quang và tham quan ngọn núi Chứa Chan càng nhiều nên ngọn núi bớt hiu quạnh dần.

Ông Phước trước căn nhà mà gia đình ông từng sống hơn 25 năm qua.

 

Hằng ngày, vợ chồng ông bán đồ uống, bánh trái cho du khách lên núi hành hương. Tranh thủ thời gian rảnh, ông Phước còn luồn rừng chặt tre, củi mang xuống chợ bán đổi gạo sống qua ngày. Khi Nhà nước có chương trình trồng rừng phủ kín đồi núi trọc, ông Phước nhận hơn 1ha và khai hoang cho mảnh đất rộng thêm để trồng cây tràm, điều và chuối.
Ở trên núi một mình, ông nuôi thêm chú chó tên Su để làm bầu bạn cho bớt cô đơn
Tận dụng nguồn cỏ dồi dào trên núi, ông Phước chặt tre, nứa làm chuồng mua bò về nuôi. Gầy dựng xong đàn bò, ông tiếp tục mua lợn rừng về nuôi để có thêm nhiều nguồn thu. Khi những hộ dân quanh rẫy ông canh tác không hiệu quả và muốn bán rẫy để xuống đồng bằng sống thì ông Phước đã bỏ tiền ra gom mua tới 20 ha để trồng cây công nghiệp.
Từ hai bàn tay trắng, ông Phước dần dần gầy dựng được đàn bò, lợn và tích cóp được ít vốn liếng

Lúc mới lên, khu vực qanh đỉnh núi chưa có đường, ông Phước phải lần mò vạch cỏ, cắt lối để đi, dần dần hình thành những con đường mòn quanh núi. Khách hành hương đổ về ngày càng đông và thường xuyên bị lạc đường. Ông Phước lại cất công hàng tháng trời đào đất mở rộng những con đường mòn cho mình đi sản xuất và khách tham quan núi.
"Du khách leo lên núi Chứa Chan tham quan thường xuyên bị lạc đường. Mấy đứa trẻ bị lạc thì la hét, cầu khẩn. Tôi làm việc ở rẫy suốt ngày phải dừng lại để chỉ đường cho họ. Riết rồi, tôi liền nghĩ ra việc làm nhiều tấm bảng chỉ đường lên núi gắn vào các thân cây để mọi người biết đường đi, không còn sợ lạc nữa”, ông Phước nói. 
Sống mấy chục năm trên núi, mọi ngõ ngách, tảng đá, gốc cây ông cũng thuộc làu như lòng bàn tay. Không những chỉ đường cho khách tham quan trên núi, mỗi lần lực lượng chức năng địa phương, kiểm lâm hay cán bộ ban quản lý khu di tích núi Chứa Chan có việc lên núi, hay chữa cháy đều phải nhờ ông dẫn đi.
Ông Phước thường xuyên chỉ dẫn đường cho du khách lên núi tham quan 
 
Để có nước cho sinh hoạt và sản xuất hàng ngày, ông Phước đi khắp núi lùng sục, xem xét khắp các hang động, ngách núi tìm nguồn nước và đấu đường ống dẫn về sử dụng. “Lần đó tôi vào một hang núi sâu, rộng mênh mông với cả chục ngõ ngách. Luẩn quẩn khắp nơi khiến tôi bị lạc nguyên ngày trong hang núi. Lần mò thoát ra được thì đã tới nửa đêm, lúc này mới biết mình còn sống. Tìm được mạch nước trong hang núi, tôi liền bỏ mấy cây vàng mua đường ống về dẫn nước xuống để dùng và cho bà con phía dưới dùng chung”, ông Phước nói.

 

Ông chui vào các hang động, tìm kiếm và dẫn nguồn nước về cho cả núi Chứa Chan sử dụng

 

 

Có được nguồn nước, ông Phước lại mày mò sản xuất điện để chiếu sáng thay nến và đèn dầu. Lợi dụng lực nước chảy mạnh từ đường ống, các con suối trên núi, ông dùng đá chặn dòng, chế máy phát điện mini và san sẻ cho bà con sống ở khu vực phía dưới cùng sử dụng. Dần dần, nhiều hộ dân được ông chỉ dẫn đã tự làm các máy phát điện mini ở các khúc suối quanh núi để lấy điện thắp sáng.
Ông Phước bên máy phát điện mini tự chế
Ông Phước cho hay, trên núi chim, sóc, khỉ nhiều nhưng thiếu thức ăn và chúng bỏ đi dần. Vườn chuối, bắp,... ông trồng nhiều lúc chưa kịp thu hoạch đã bị khỉ về bẻ trộm hết. Ban đầu thì ông phải ngồi canh cả đêm, nhưng rồi thấy chúng đói quá nên ông chặt chuối, mang hoa quả vào những khu vực cách xa vườn rẫy của mình để cho ăn. Ăn quen, nên chim, khỉ kéo về sống trên núi ngày một nhiều.
Ông treo chuối lên cây để chim, sóc về ăn

Ông Phước tâm sự, vợ chồng ông có 4 đứa con gái. Con gái lớn hiện nay đã xuống TP.HCM để học và làm việc. Để tiện cho vợ buôn bán và 3 đứa nhỏ học hành, ông đã bán hết bò, lợn dồn tiền mua mảnh đất ở đồng bằng và xây cất nhà cho vợ con ở. Mình ông ở lại trên núi làm rẫy, lâu lâu xuống thăm nhà. Gần nửa năm nay, sư trụ trì chùa Bửu Quang thấy ông làm được việc và tin tưởng nên nhờ vào chùa trông nom, quản lý người làm. Căn nhà của gia đình ông bỏ trống trên núi, lâu lâu ông lại ghé lên thăm nhà, thăm rẫy.

 

Ông Phước chia sẻ: “Sống trên núi mấy chục năm nên quen với thiên nhiên, không khí mát mẻ và yên tĩnh của núi rừng. Về sống dưới đồng bằng tôi thấy không gian ồn ào và thiếu thiếu gì đó không chịu nổi. Nên ở dưới đồng bằng được vài hôm tôi phải lên lại núi ngay”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh