CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:14

Kỷ nguyên số: Tương lai việc làm - cơ hội và thách thức đối với thị trường lao động

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc

 

Công nghệ và số hóa đóng góp quan trọng vào cải thiện năng suất LĐ

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp; Ngài Malcolm Greening – Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Việc làm Úc cùng đại biểu đến từ nền kinh tế thành viên APEC, các viện nghiên cứu, đại học, các tổ chức quốc tế và phát triển như ILO, Ngân hàng Thế giới, GIZ...

Hội thảo đề cập đến các vấn đề toàn cầu hiện nay, đó là công nghệ và số hóa sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình cải thiện năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên quá trình này cũng tiềm ẩn những nguy cơ như làm cho một số công việc trở nên lỗi thời và tăng tính dễ bị tổn thương và việc làm phi chính thức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, bước sang thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến bước nhảy vọt về công nghệ thông tin, sự bùng nổ của mạng internet, tự động hóa, số hóa, phát triển dựa trên tri thức và trí tuệ nhân tạo. Triển vọng kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi to lớn trong những thập kỷ tới do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với các nền kinh tế APEC nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững,… Phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Bàn chủ trì Hội thảo

 

Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

“Đối với Việt Nam, dự báo trong những năm tới (2017- 2025) lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân hàng năm 1,28%, tương ứng 723 nghìn người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650 nghìn chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là hướng chính để tăng năng suất lao động”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Với mục tiêu của Hội thảo ngày hôm nay là nhằm tạo nền tảng, cơ sở tốt trong việc hoàn thiện sáng kiến này và đưa ra những khuyến nghị trong lĩnh vực liên quan. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị các đại biểu chia sẻ các kinh nghiệm thực tế và thảo luận sâu hơn nữa về những thách thức và lợi ích mà kỷ nguyên số mang tới đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, các hàm ý của xu hướng này đối với thị trường lao động cũng như các yêu cầu đối với các bên liên quan: chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động nhằm chuẩn bị sẵn sàng trong bối cảnh mới.

“Tôi tin tưởng rằng với sự tham gia nhiệt tình của các quý vị đại biểu, hội thảo sẽ thành công như mong đợi, góp phần vào việc thúc đẩy hợp tác APEC hiệu quả hơn hướng tới mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” trong các nền kinh tế APEC”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

 


Ngài Malcolm Greening - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Việc làm Úc phát biểu tại Hội thảo


Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại một số nền kinh tế trong khu vực đã cho thấy rằng công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Điều này có thể sẽ dẫn tới sự cắt giảm số lượng lớn những lao động trình độ thấp.Ở Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, hơn 60% lao động được trả lương và 73% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hoá.

Còn tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may và da giày cũng trong tình trạng trạng tương tự như vậy. Trên phạm vi toàn cầu, có thể thấy rằng lao động trong các lĩnh vực trí óc và chân tay đã tăng lên liên tục so với lao động thường xuyên kể từ những năm 1980.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung chia sẻ những kinh nghiệm, và cho rằng, các nền kinh tế thành viên APEC đang đối mặt những thách thức trong đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số ở các mức độ khác nhau. Đây cũng là những thách thức đối với APEC trong việc thực hiện cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường.

Những thảo luận về kinh nghiệm, về mô hình đào tạo nghề, các chính sách về thị trường lao động, về an sinh xã hội chia sẻ tại hội nghị sẽ là những bài học, những giải pháp để các nền kinh tế chủ động hợp tác trong tiến trình phát triển bền vững như phát biểu của Tổng Giám đốc ILO: "Công nghệ không phá hoại tương lai của chúng ta. Đó là có sự can thiệp của con người".

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo


Các đại biểu cũng cho rằng, các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các đối tác xã hội không phải là những người khoanh tay đứng nhìn, họ có thể thay đổi quá trình của các nền kinh tế bằng cách khai thác các cơ hội và giải quyết các thách thức của thế giới việc làm.

Hội thảo sẽ góp phần vào việc kiện toàn những nội dung khuyến nghị cũng như là đầu vào cho Đối thoại Chính sách Cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ được tổ chức vào ngày 15/5/2017.

 

Trong hai ngày 11- 12/5/2017, Hội thảo APEC về Tương lai việc làm và tác động tới thị trường lao động và Hội thảo về Giáo dục và đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Đối thoại chính sách cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Ban Thư ký APEC cho biết, các hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017 và có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017, đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế và các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.

Trên cơ sở kết quả hơn 50 cuộc họp, hội thảo và hoạt động của các ủy ban, các nhóm công tác của APEC diễn ra từ ngày 9 - 16/5, các quan chức cao cấp sẽ nhóm họp trong hai ngày 17 - 18/5 để rà soát tiến độ triển khai các trọng tâm, kế hoạch công tác đề ra tại Hội nghị SOM 1 và thảo luận hướng nội dung của các văn kiện chính của Năm APEC 2017    

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh