CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:16

Kỹ năng biến hại thành lợi của Putin trong sự cố Su-24

 

Cường kích Su-24 bốc cháy sau khi trúng tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CNN

 

Ngày 24/11, tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bắn hạ cường kích Su-24 của Không quân Nga đang làm nhiệm vụ không kích IS ở khu vực Bayirbucak, Syria. Hai phi công đã nhảy dù ra ngoài trước khi máy bay lao xuống đất. Không may, một trong hai phi công bị phiến quân Turkmen bắn chết khi tiếp đất. Phi công còn lại may mắn được lực lượng đặc nhiệm cứu hộ thành công.

Nhà phân tích quân sự Vladimir Anokhin nói với Sputnik rằng, bắn rơi máy bay Nga là hành động khiêu khích quân sự và chính trị. “Đó là cuộc phục kích trên không theo một kế hoạch đã vạch sẵn”, ông Anokhin nói.

Ông cho biết thêm, hành động của Ankara nhằm 3 mục đích, đầu tiên là đe dọa Nga​; thứ hai, làm giảm cường độ không kích vào mạng lưới buôn lậu dầu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ; thứ 3, Ankara muốn đem lại cho các phiến quân Turkmen hy vọng tiếp tục chiến đấu dưới sự bảo trợ của họ.

Quyết định chiến lược của Tổng thống Putin

 

a
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Financialpost

 

Bắn hạ máy bay Nga đang làm nhiệm vụ không kích IS là hành động khó chấp nhận. “Rõ ràng, quân đội của chúng tôi đang làm công việc quả cảm chống chủ nghĩa khủng bố. Mất mát hôm nay là một vết đâm sau lưng, do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu sau cuộc gặp Quốc vương Jordan Abdullah ở Moscow.

Rõ ràng, Moscow hoàn toàn có thể thực hiện một chiến dịch quân sự nhằm trả đũa trực tiếp vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ nước này. Nhưng người đứng đầu điện Kremlin đã lựa chọn một giải pháp mang tầm chiến lược thay vì chỉ nhắm vào Ankara.

Đầu tiên, chỉ vài giờ sau khi Su-24 bị phía Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, ông Putin ra lệnh cho tuần dương hạm Moskva (lớp Slava) được trang bị hệ thống phòng không tầm xa S-300FM Fort-M (phiên bản hải quân của hệ thống S-300) tiến gần bờ biển Latakia. Tuần dương hạm Moskva được lệnh bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào gây nguy hiểm cho hoạt động của quân đội Nga ở Syria.

Một ngày sau đó, ông Putin tiếp tục chỉ đạo Bộ Quốc Phòng nước này triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumf đến Syria, tăng cường 10-12 tiêm kích làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom.

Từ lâu Moscow muốn tăng cường viện trợ quân sự cho Syria nhưng điều này vấp phải sự phản đối của NATO. Sự trỗi dậy của IS cùng với chiến dịch không kích không hiệu quả của Mỹ đã đem lại cho Nga cơ hội can thiệp vào tình hình Syria.

Theo CNN, Không quân Nga đang triển khai 34 máy bay chiến đấu các loại ở sân bay Latakia. Số lượng này vẫn quá nhỏ so với 150 máy bay của Mỹ. Trong khi Nga đang tìm lý do tăng cường hiện diện quân sự ở Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ vô tình tạo cho Moscow cơ hội.

Không quân một quốc gia NATO bắn hạ máy bay Nga là lý do không thể tốt hơn để tăng cường sức mạnh quận sự tại Syria. Nga có thể công khai đưa các khí tài hạng nặng đến Syria mà NATO không thể phản đối.

Kiểm soát bầu trời Syria

 

a
Hệ thống phòng không S-400 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 400 km. Ảnh: Tass

 

Mỹ, Pháp và Nga đang chia sẻ không phận Syria trong các sứ mệnh không kích IS. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên trong liên minh chống IS bắn hạ máy bay Nga có thể cản trở nỗ lực hợp tác. Việc Nga triển khai S-400 là một bước đi mang tầm chiến lược tổng thể của Tổng thống Putin.

Theo Military Today, radar tìm kiếm mục tiêu 91N6E của tổ hợp S-400 có thể kiểm soát đồng thời 300 mục tiêu ở cự ly tới 600 km. Như vậy, radar cảnh báo sớm của S-400 có thể bao trùm gần như toàn bộ không phận Syria. Một phóng viên của CNN đặt giả thuyết, nếu S-400 đến Syria, bất kỳ máy bay chiến đấu xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ hay các vị trí khác ở Trung Đông chỉ có thể ra vào không phận của Syria với sự cho phép của Nga.

Từ việc chia sẻ không phận, Nga đang tiến tới việc kiểm soát toàn bộ không phận Syria, đó là một bước tiến mang tầm chiến lược trong việc khẳng định sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria. Henri Barkey, giám đốc chương trình Trung Đông, thuộc Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, Mỹ nói với CNN, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Nga khẳng định chỗ đứng tại Syria.

Tấn công đáp trả Ankara, Moscow chỉ được lợi thế trước mắt, nhưng tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria sẽ giúp Nga thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài trong kế hoạch ở Trung Đông. Nước Nga mất hai phi công trong sự cố Su-24, nhưng Tổng thống Putin đã có quyết định chính xác để biến cái "hại nhỏ thành lợi lớn" cho nước Nga. Điều đó một lần nữa khẳng định tài lãnh đạo của người đứng đầu điện Kremlin.

Theo zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh