CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:20

Kỷ lục sự cố, tràn lan xe lỗi từ bình dân tới sang chảnh

 

Honda City

 

1. Honda triệu hồi 1.524  xe City vì lỗi túi khí

1.524 xe Honda City được sản xuất tại nhà máy Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc trong thời gian từ 25/5/2013 đến 6/1/2014, bao gồm cả bản số sàn và số tự động đã bị ra thông báo phải triệu hồi từ đầu năm nay.

Lý do cho đợt triệu hồi này là lỗi túi khí. Bộ thổi của túi khí có thể tạo ra áp suất quá lớn tại thời điểm túi khí bị kích hoạt khi xe va chạm, vỏ bộ thổi khí hoặc các linh kiện nhỏ có thể bị vỡ, bắn ra gây tổn thương cho người lái và hành khách.

 

Misubishi Outlander

 

2. Misubishi triệu hồi 918 xe vì lỗi hệ thống điện

Tháng 4, 918 xe Mitsubishi được Cục Đăng kiểm công bố phải triệu hồi để thay rơ le trong điều khiển nguồn điện. Cụ thể, số xe dính lỗi bao gồm: Lancer và Outlander Sport (sản xuất 2015); Outlander PHEV và Outlander (sản xuất 2016).

Mối hàn bên trong rơ-le sử dụng cho hộp điều khiển động cơ lô xe trên không đủ tiêu chuẩn, có thể bị bong tróc do nhiệt phát sinh bên trong khi hoạt động và gây ra sự dẫn điện kém của rơ-le.

Điều này có thể làm cho động cơ bị dừng hoạt động khi xe đang chạy, không thể khởi động lại được, đèn cảnh báo động cơ sẽ sáng lên và chuyển sang chế độ an toàn. Lỗi này sẽ đặc biệt nguy hiểm khi xe đang lưu thông ở tốc độ cao. Chương trình triệu hồi sẽ kéo dài đến 6/5/2020.

 

Ford Ranger

 

3. Ford triệu hồi 26.000 xe, mẫu bán tải bán chạy nhất cũng lỗi

Cả năm qua, hãng xe Mỹ có 3 đợt triệu hồi với tổng số lên tới hơn 26.000 xe tại Việt Nam.

Đợt đầu tiên là tháng 7, 2.566 chiếc Ford Ranger bị triệu hồi để kiểm tra và khắc phục hiện tượng cáp chuyển số tiếp xúc với trục các đăng. Các xe này được sản xuất từ 5/6/2015 đến 2/2/2016. 

Nguyên nhân là do kẹp giữ cáp chuyển số có thể không được lắp vào khớp hoàn toàn với phần kim loại của cáp phanh tay, theo thời gian có thể dẫn đến việc các cáp chuyển số tiếp xúc với trục các đăng (láp dọc), kéo theo làm hư hỏng các cáp chuyển số và láp dọc, dẫn đến khó chuyển số hoặc mất dẫn động.

Tháng 10, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo triệu hồi khoảng 6.938 chiếc xe ôtô Ford Transit sản xuất tại nhà máy của Ford tại Hải Dương bị lỗi ở hệ thống cảm biến trục khuỷu (CKP).

Lỗi này gây ra số triệu chứng như  sáng đèn cảnh báo lỗi động cơ (MIL), chết máy; động cơ tắt máy trong khi vận hành, có thể không khởi động lại được động cơ. Chương trình triệu hồi kéo dài đến 31/8/2022. 

Đến tháng 12, Ford lại tiếp tục công bố triệu hồi 17.132 xe thuộc 2 dòng Ranger và Fiesta tại thị trường Việt Nam do lỗi khóa cửa. Trong đó, có 10.814 chiếc Ranger nhập khẩu từ Thái sản xuất trong thời gian từ 23/5/2011 đến 20/5/2015 và 6.318 chiếc Fiesta sản xuất từ 2/11/2010 đến 15/11/2013.

Xe có thể gặp phải hiện tượng chốt khóa cửa (không gồm cửa hậu) không vào khớp hoàn toàn (có thể chỉ khóa 1 nấc). Do đó, lỗi khiến cửa xe tự mở ra trong khi xe đang vận hành do cửa không được đóng kín hoàn toàn, có nguy cơ gây tai nạn cho người ngồi trong. 

 

Toyota có 3 đợt triệu hồi

 

4. Toyota Việt Nam triệu hồi Altis, Vios, Yaris vì lỗi túi khí

Hai đợt triệu hồi của hãng Toyota có tổng số xe lên tới 37.000 xe tại Việt Nam.

Tháng 3, Toyota tổ chức đợt triệu hồi 16.964 xe Toyota Corolla Altis được sản xuất và lắp ráp tại Vĩnh Phúc từ 04/01/2010 đến 29/12/2012.

Tháng 8 năm nay, hãng tiếp tục công bố triệu hồi 20.015 chiếc Vios và Yaris để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí phía trước. Trong đó, có khoảng 18.138 xe ôtô Toyota Vios được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 05/01/2009 đến 29/12/2012 và 1.877 xe Yaris nhập khẩu chính hãng được sản xuất từ ngày 01/09/2009 đến 31/08/2012.

Hai đợt triệu hồi này đều liên quan đến lỗi túi khí. của Takata. Do được nhà sản xuất sản xuất không đúng cách nên nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian. Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, lỗi gây ra khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, nên có nguy cơ gây chấn thương cho hành khách.

Tính từ năm 2015, Toyota Việt Nam phải triệu hồi 5 đợt các mẫu xe bị lỗi túi khí Takata. Theo thông báo gửi đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe Toyota sử dụng túi khí Takata là hơn 71.000 chiếc.

 

Grand I10

 

5. Hyundai Thành công triệu hồi 11.540 xe Grand i10

Tháng 10, Hyundai Thành Công đã thông báo triệu hồi 11.540 chiếc Grand i10 để kiểm tra và thay thế bu lông bắt puly đầu trục khuỷu. Những chiếc xe này đều được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 07/06/2017 đến 31/03/2018. 

Nguyên nhân do bu lông bắt puly trong quá trình lắp ráp đã siết quá lực so với giá trị lực tiêu chuẩn dẫn đến bu lông có thể bị gãy trong quá trình sử dụng xe.

 

Xe sang Audi cũng không tránh khỏi việc triệu hồi

 

6. Audi Việt Nam triệu hồi  2 đợt A4, A5, A6 và Q5

Hãng xe sang cũng dính án triệu hồi với 2 đợt, nhưng tổng số xe dính lỗi cần khắc phục ít ỏi nhất trong ngành xe hơi tại Việt Nam. 

Tháng 7, 20 chiếc xe A4, A5, A6 và Q5 được công bố có hiện tượng độ ẩm xâm nhập vào bảng mạch điều khiển, gây ra tình trạng quá nhiệt và gây lỗi hệ thống nước làm mát trên động cơ 2.0L TFSI. Các mẫu Audi A5 và A6 có thời gian sản xuất từ năm 2011 đến tháng 3/2017

Đến tháng 12, Cục Đăng kiểm Việt Nam lại tiếp tục công bố có khoảng 103 chiếc xe sang Audi A6 được nhập khẩu và phân phối chính hãng tại Việt Nam phải triệu hồi để thay thế túi khí ghế phụ phía trước. Đây là lô xe sản xuất từ 01/01/2009 đến 01/12/2011.

Cụ thể, đối với bộ phận túi khí trên xe Audi phía trước ghế phụ do Takata sản xuất, lỗi có thể xảy ra như cụm bơm khí có thể bị vỡ hoặc nứt khi túi khí phía trước ghế phụ được kích hoạt. Điều này có thể làm cho những mảnh kim loại nhỏ của vỏ cụm bơm khí có thể bị văng ra, xuyên qua vỏ túi khí và có khả năng gây thương tích cho người ngồi ở hàng ghế phụ.

 

Mercedes triệu hồi 4 đợt

 

7. Mercedes triệu hồi 4 đợt với khoảng 11.000 xe tại Việt Nam

Mercedes- Benz triệu hồi quy mô lớn với tổng cộng 4 lần triệu hồi kể từ tháng 4-12/2018. Tổng cộng có khoảng 11.762 xe và lượt xe triệu hồi. 

Trong đó, đợt triệu hồi đầu tiên là để sửa lỗi liên quan đến hệ thống điện tiếp âm trên một số bộ phận đối với 3.624 xe thuộc các dòng xe C 200, C 250, C300, E 200, GLC 250 4MATIC và GLC 300 4MATIC sản xuất từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2017. Nguyên nhân triệu hồi được xác định do bộ giới hạn dòng khởi động có thể bị quá tải trong những điều kiện nhất định trong lúc khởi động động cơ, có thể gây cháy các chi tiết xung quanh dẫn đến cháy xe.

Khoảng 3.300 xe còn lại phải triệu hồi là các dòng xe A-Class, C-Class, GLC, V-Class, VITO, GLA, B-Class được sản xuất từ tháng 11/2011 đến tháng 7/2017. Các dòng xe này đều sử dụng mô đun công tắc và cuộn dây từ nhà cung cấp Valeo. Tuy nhiên, do chất lượng phụ tùng của nhà cung cấp này nên trong trường hợp dẫn động vô lăng lái bị thiếu tiếp xúc nguồn điện âm (thiếu mass), cuộn dây dẫn điện điều khiển túi khí bị đứt, hỏng, túi khí có thể kích nổ gây nguy hiểm cho người lái xe và làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đến ngày 21/12, hãng tiếp tục phải công bố triệu hồi 4.802 chiếc SUV GLC, được sản xuất trong thời gian từ tháng 3/2016 đến tháng 2/2018, gồm cả ba phiên bản GLC 250 4matic, GLC 300 4matic và GLC 200 vì lỗi khóa gài trên dây đai an toàn ở hai ghế bên phía sau. Lỗi gây nguy cơ gây chấn thương trong trường hợp xảy ra tai nạn mà người dùng không thắt dây an toàn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh