THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:54

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV: Sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước

Dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự

Tiếp tục Phiên họp thứ 54, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 là 12 ngày, khai mạc vào sáng 24/3 và bế mạc ngày 8/4/2021. Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh Nhà nước.

Theo dự kiến chương trình, từ 30/3, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và bầu nhân sự thay thế; miễn nhiệm và bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tiếp đó, Quốc hội miễn nhiệm cũng như bầu Chủ tịch nước; miễn nhiệm và bầu Thủ tướng Chính phủ.

Tân Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm cũng như bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội miễn nhiệm và bầu một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và phê chuẩn bổ nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV:  Sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, để thực hiện nguyên tắc làm việc (quyết định theo đa số) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo 3 đợt: Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để luôn bảo đảm số lượng cần thiết thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu.

Cũng tại Kỳ họp cuối cùng của Khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó là xem xét thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng các gói hỗ trợ, đưa ra các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài và đề cập trong trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

Nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ

Cũng trong sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày dự thảo báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.

Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV:  Sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Quốc hội khóa XIV đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.

Trong 10 kỳ họp qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.

Trong nhiệm kỳ này, công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Hoạt động giám sát góp phần khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh