THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:33

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tín dụng cao

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 (Ảnh VGP)

 

10 điểm sáng của kinh tế - xã hội trong quý 1/2017

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại phiên họp, Thủ tướng đã nêu 10 điểm nổi bật và những điểm tồn tại, bất cập để các thành viên Chính phủ thảo luận, từ đó, không chỉ tìm ra nguyên nhân mà thảo luận về các giải pháp để khắc phục trong tháng 4 cũng như thời gian tới. Theo đó, 10 điểm sáng của kinh tế - xã hội gồm: kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%). Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% là thấp, khu vực nông nghiệp và dịch vụ tăng khá nhưng sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Quý I năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012.

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu phải có phản ứng chính sách linh hoạt, nhạy bén, theo dõi sát tình hình trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực. Cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như Nghị quyết của Quốc hội. Phải duy trì được tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô, giải quyết để có giải pháp chủ động, kịp thời, cụ thể hơn. Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương có những giải pháp cụ thể, căn cơ trong từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất. Chính phủ cũng nhấn mạnh công tác truyền thông, ổn định tâm lý thị trường, đồng thời lưu ý việc chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học sắp tới.

 Cũng trong chương trình phiên họp, bên cạnh thảo luận tình hình kinh tế - xã hội Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận về một số nội dung như Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I/2017; Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn chuyển đổi Văn phòng Công chứng. Bên cạnh đó Chính phủ cũng nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017

 

Đảm bảo cuộc sống của người dân

Liên quan đến chiến dịch dành lại vỉa hè, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ và người dân đánh giá cao những kết quả mang lại từ chiến dịch này. Hiện nay, trên các tuyến phố, pano, áp phích, việc bán hàng rong, hàng ăn, hàng nước được yêu cầu về đúng vị trí, trả lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ và tham gia giao thông. Song song với việc thực hiện kỷ cương, có nhiều địa phương đã có những cơ chế hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân, có nơi quy định một số tuyến đường, tuyến phố để người dân vào đó được bán hàng miễn phí, có địa phương quy định giờ bán ăn sáng, ăn tối…  Có thể nói, nhận thức này đã lan tỏa đến từng người dân, họ tự dọn dẹp, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. “Chúng ta kiên quyết không để tái diễn cảnh lấn chiếm lòng, lề đường, phải quyết tâm trả lại văn minh đô thị”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Thanh Hóa, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện quy trình kiểm tra đúng với chức trách, chức năng, theo phân cấp và quy định của pháp luật.

Tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Văn phòng Chính phủ thiết lập Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn. Đây là kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Người dân dễ dàng truy cập Hệ thống từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối Internet để gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp, trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua Hệ thống, cơ quan hành chính nhà nước các cấp sẽ tiếp nhận, trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, từng cơ quan xử lý; nghiên cứu tiếp thu những đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển. “Với tinh thần cầu thị, mọi phản ánh, kiến nghị của người dân đều được Chính phủ lắng nghe, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân. Mọi thông tin được công khai, minh bạch, đặc biệt trong đó có phần đánh giá hài lòng, tốt hay không tốt về phần trả lời, nếu không đạt yêu cầu người dân, doanh nghiệp sẽ chấm điểm trực tiếp…” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh