CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 08:40

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

 

Lao động việc làm, giáo dục đào tạo đều đạt kết quả tích cực

Thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá cao việc ngay sau Tết, các cơ quan Trung ương và địa phương bắt tay ngay vào việc, đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, không có tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như quan niệm trước đây. Hai tháng sau Tết, tình hình kinh tế-xã hội nhìn chung tích cực và phát triển tốt, tiếp tục tạo được không khí phấn khởi, nâng cao niềm tin trong nhân dân và doanh nghiệp. Đầu tư nước ngoài, khách du lịch đều tăng. Đến nay, hầu hết các tổ chức quốc tế nhận định năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khá.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017

 

Sau Tết, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Các lễ hội xuân được quản lý chặt chẽ hơn so với năm trước, giảm tối đa các hành vi phản cảm. Điều đặc biệt là giảm căn bản tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 2 chỉ tăng 0,23% so với tháng trước. Một số lĩnh vực an ninh xã hội, công việc chuẩn bị cho APEC 2017 cơ bản hoàn tất. Lĩnh vực giáo dục, lao động việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực khác được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cho vấn đề này, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Vấn đề đặt ra là thực hiện hiệu quả, nhất quán, liên tục chủ đề năm 2017 (Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững) trong quý I cho tốt. Thủ tướng cũng đề nghị góp ý kiến cụ thể các biện pháp thực hiện kỷ luật, kỷ cương bởi “kỷ luật, kỷ cương kém cùng với chỉ đạo không sát với kinh tế thị trường ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước”.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về hàng loạt vấn đề cơ chế, chính sách, cụ thể là các dự án luật như Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Thủy sản (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo. Đồng thời, xem xét một số nội dung như dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dược, đề nghị của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Nghị định 100 năm 2015. Chính phủ nghe báo cáo, thảo luận về tình hình thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, tình hình phê chuẩn TPP và định hướng cho Việt Nam; chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế; và về các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, yếu kém, vấn đề nổi cộm thời gian qua như tai nạn giao thông, nhất là đường sắt, tăng liên tục (khiến 1.570 người chết trong 2 tháng), tình trạng ngộ độc rượu dẫn đến chết người như trường hợp ở Lai Châu hay một số vụ kinh doanh, quản lý khách du lịch vi phạm nghiêm trọng như kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm gây chết người.

Kết luận phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm 2 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng trong tổng thể khung khổ chính sách và từng cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện, cả trước mắt và trung, dài hạn. Trước mắt, năm 2017 nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 Hoan nghênh TP. Hồ Chí Minh quyết liệt giải tỏa vỉa hè cho người đi bộ

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh khi quyết liệt ra quân tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, Hà Nội có kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe gắn máy cũ nát và dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè ở một số khu vực nội đô… Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, người dân mong muốn có hành lang, vỉa hè theo đúng nghĩa, và đây là địa phận thuộc phạm vi quản lý của nhà nước. Việc lấn lòng, lề đường, vỉa hè để bán hàng rong, làm dịch vụ, để xe… là vấn đề cần giải tỏa, cấp bách và rất cần thiết, việc này đã làm nhiều năm, quyết liệt từ 2011, nhưng làm xong lại tái diễn, khi các lực lượng chức năng rút thì lấn chiếm trở lại. Vậy vấn đề liên quan xử phạt hành chính như thế nào? Việc này đã được các cấp chính quyền thường xuyên ra quân, giải tỏa nhưng không thành. “Tôi cho đây là động thái tích cực, là việc cần làm, tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, rõ ràng công tác vận động người dân đã làm lâu rồi, nhưng không có động thái mạnh, không có biện pháp cứng rắn nên không hiệu quả. Sau TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An cũng đang tích cực vấn đề này. Tôi nghĩ các địa phương cần ra quân quyết liệt để lòng, lề đường, vỉa hè được trả lại đúng nghĩa”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1634/VPCP-KGVX yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về việc thông tin báo chí nêu về chi phí hệ thống BHXH quá lớn và phải tính đến giải pháp kéo dài tuổi hưu để bảo đảm an toàn cho Quỹ Bảo hiểm xã hội. Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/1, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang cùng với Bộ LĐ-TB&XH dự thảo tờ trình. Ông Sơn khẳng định, vấn đề chi phí quản lý và kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan đến nhau. “Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đang trình chính phủ xem xét kéo dài tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an toàn, lâu dài cho quỹ BHXH, một số báo trích dẫn ý kiến của chuyên gia về việc này chúng tôi sẵn sàng đối thoại với các chuyên gia đó để có tiếng nói chung.”- Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, liên quan đến ý kiến cho rằng chi phí quản lý của BHXH Việt Nam tăng quá cao. Về vấn đền này ông Sơn khẳng định việc tăng này chủ yếu phục vụ cho một số nhiệm vụ cấp bách và cần thiết cho cả hệ thống BHXH, đó là chi cho công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chi phục vụ trực tiếp cho các đối tượng tham gia… “Đây đều là các nhiệm vụ cấp bách, cần thiết đối với BHXH Việt Nam. Tôi cũng cần nói rõ hơn là quá trình lập dự toán thu, chi và trình duyệt đều hết sức cẩn trọng và được Bộ Tài chính duyệt, mọi hoạt động của chúng tôi đều hướng đến thực hiện đúng, tiết kiệm, hiệu quả…” – ông Phạm Lương Sơn khẳng định.

ĐĂNG KHOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh