THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:07

Kinh tế từng bước phục hồi, tạo đà cho tăng trưởng năm 2022

Nỗ lực vượt khó, "bức tranh kinh tế" khởi sắc

Đợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt, với những khó khăn, thách thức chưa từng có, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội.

Trong 11 tháng năm 2021, có 106,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; trong đó, có 54,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số doanh nghiệp thành lập mới. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm đã bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã gây đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa và lao động. Thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng giảm 10,4%, ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới đạt 73,8% kế hoạch năm, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.

Nông nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít thch thức trong năm 2021. Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa khiến cho giá cả hàng hóa  trong nước tăngtăng. Đồng thời, giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế…. khiến áp lực lạm phát cao của năm 2022 đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu.

Về vấn đề xã hội, dịch Covid-19 khiến lượng lao động có việc làm sụt giảm mạnh, thất nghiệp tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là 3,98%, vượt xa con số 2% như thường thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước…

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 vẫn đạt con số ấn tượng

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 vẫn đạt con số ấn tượng

Tuy nhiên, nỗ lực vượt qua những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng như những chính sách hỗ trợ được Đảng, nhà nước ban hành kịp thời và triển khai quyết liệt, hiệu quả đã mang đến cho bức tranh kinh tế năm 2021 những gam màu sáng, đặc biệt là vào nhưng tháng cuối năm.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê nhắc rất nhiều đến Nghị quyết 128 /NQ-CP, coi đó như một trong những căn nguyên quan trọng khiến các hoạt động kinh tế - xã hội dần đi vào quỹ đạo “bình thường mới” và nhờ thế, nền kinh tế tiếp tục được phục hồi.

Trong 11 tháng, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Mặc dù quý III/2021, nền kinh tế "chao đảo" vì đại dịch nhưng trong 11 tháng năm 2021 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 26,46 tỷ USD ở 18 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 11 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính và cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, phí vận chuyển và logistic tăng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt tới 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá. Đây là nhóm hàng dùng trong sản xuất, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Với những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 11 tháng năm 2021, phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Dự báo kinh tế quý 4/2021 tăng từ 2-3% so với cùng kỳ năm 2020 và GDP cả năm tăng từ 1,6-2,1%. Đây là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Lạc quan về triển vọng phục hồi

kinh tế trong năm 2022

Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành mới đây đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% năm 2022. Nhận định về triển vọng kinh tế năm 2022, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ quan điểm khá lạc quan.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset cho rằng, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6v- 6,5% như đã được đề ra trong kỳ họp Quốc hội mới đây là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện.

Điều kiện đầu tiên là kiểm soát tốt đại dịch. Mặc dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi các quốc gia trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2 và sắp tới có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới, nhưng bước đầu tiên là làm tất cả những gì có thể để kiểm soát đại dịch.

Điều kiện thứ hai là cải thiện cán cân cung-cầu. Theo ông Morisset, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Do vậy, có thể nói phía cung đã phát đi những tín hiệu tích cực và vấn đề đang nằm ở phía cầu.

Dù đại dịch Covid-19  diễn biến phức tạp  nhưng bức tranh kinh tế năm 2021 đã có nhiều điểm sáng

Dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng bức tranh kinh tế năm 2021 đã có nhiều điểm sáng

Điểm qua tình hình kinh tế thế giới và trong khu vực, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, trong tài liệu tầm nhìn kinh tế thế giới gần đây nhất cho thấy, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, bao gồm khu vực châu Á. Tuy nhiên, nhìn chung tăng trưởng trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam.

Bày tỏ ấn tượng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có chiến lược tiêm chủng vaccine, ông Francois Painchaud cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý 4/2021, có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% trong năm nay và 6,6% trong năm 2022.

Mặc dù trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt khu vực phi chính thức; các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song Trưởng đại diện IMF  tại Việt Nam khẳng định, những khát vọng của Việt Nam vẫn có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách quyết liệt hơn.

"Chúng ta cần phải có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tạm thời kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho các doanh nghiệp có thể tránh được gián đoạn cũng như ảnh hưởng về lâu dài; có các gói kích cầu, kích thích không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, điều trị, tiêm chủng và trợ cấp; cân nhắc chuyển lỗ hoặc chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; cải thiện khả năng chống chịu; cải cách cơ cấu quyết liệt; duy trì ổn định vĩ mô…”, ông Francois Painchaud chia sẻ

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thì cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp năng động, linh hoạt, không khoanh tay trước khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Điều này góp phần làm nên những khởi sắc rõ nét của "bức tranh kinh tế" 11 tháng năm 2021 và là cơ sở quan trọng để tạo đà tăng trưởng cao cho các năm tới.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh