THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:59

Kinh nghiệm "giám sát" gara sửa xe

Đôi khi chỉ cần quan sát trang thiết bị cũng như cách thức làm việc của kỹ thuật viên có thể đánh giá mức độ chuyên nghiệp của xưởng dịch vụ

Tại các xưởng dịch vụ chính hãng, chuyên nghiệp, quá trình xe ra/xe vào được kiểm tra rất gắt gao. Một hoặc một vài kỹ thuật viên sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc một chiếc xe nào đó từ công đoạn nhận xe đến lúc hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm sau khi khách đã nhận xe và sử dụng. Trước khi giao trả cho khách, xe thậm chí còn phải qua khâu kiểm tra cuối cùng do một bộ phận độc lập tiến hành. Chính vì vậy, việc nhầm lẫn hay sơ suất trong quá trình sửa chữa xảy ra rất ít.
Nhưng câu chuyện sẽ hoàn toàn khác khi bạn mang xe vào một xưởng dịch vụ/gara nhỏ lẻ, chỉ với một vài kỹ thuật viên. Trong những lúc đông xe, một kỹ thuật viên đang chăm sóc/sửa chữa dở dang một chiếc xe nào đó có thể lại bị gọi xử lý gấp một chiếc xe khác, rồi lúc khác lại có người khác tiếp quản. 
Cầu nâng cũng có thể thiếu thốn, khiến xe bị dồn chuyển khi chưa hoàn thành, rồi không gian chật hẹp, luộm thuộm khiến phụ tùng của các xe bị lẫn lộn. Quy trình hay tiêu chuẩn dịch vụ cũng có thể tùy hứng, bị phụ thuộc vào khách hàng, bị ép thời gian gấp gáp và nhiều vấn đề khác.
Chính vì những bất cập trên, quá trình sửa xe tại các gara thiếu chuyên nghiệp có thể tồn đọng vô vàn sự cố dở khóc dở cười.

1. Bánh xe bị tung ra khi đang chạy

Mỗi chủ xe cần chủ động kiểm tra ốc bánh xe sau khi bảo dưỡng hoặc trước các chuyến đi xa

Bánh xe bị tung ra khi xe đang chạy là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra mà nguyên nhân là do quên vặn chặt ốc bánh xe trong quá trình bảo dưỡng, hoặc thay lốp. Autocar Vietnam đã ghi nhận một số trường hợp như vậy xảy ra tại Hà Nội, và rất may là tất cả đều không có thiệt hại đáng tiếc.
Thực tế là khi bánh xe bị lỏng, một người lái xe có kinh nghiệm sẽ có thể nhận ra những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như có tiếng kêu lục cục phát ra ở bánh xe, xe bị lắc bất thường hoặc bị nhao lái ngay cả khi đi trên đường phẳng. 
Sơ xuất này có thể xảy ra trong nhiều trường hợp, như kỹ thuật viên bị điều chuyển việc khác khi công việc đang dở dang, nhiều người phụ trách một xe nên người nọ nghĩ rằng người kia đã lo, hoặc đơn giản là kỹ thuật viên đãng trí do phân tán tư tưởng,…

Nhiều trường hợp bánh xe tung ra khi đang chạy

• Kinh nghiệm: Mỗi người chủ xe/lái xe cần nghĩ ngay đến tình huống này để đề phòng. Ngay khi xe được bảo dưỡng xong, bạn có thể nhắc kỹ thuật viên gara kiểm tra lại lần cuối cùng trước khi nhận xe. Nếu kỹ thuật viên khẳng định rằng họ đã kiểm tra kỹ, bạn vẫn nên tự mình kiểm tra lại sau khi đã đánh xe về nhà bằng thiết bị tháo/lắp lốp có sẵn trong xe. Việc này không mất nhiều thời gian và cũng không bao giờ thừa.
2. Bị phạt vì đèn không sáng
Chiếc Ford Escape đời 2006 của một thành viên diễn đàn OF đang chạy trên phố sau giờ tan tầm thì bị cảnh sát giao thông chặn lại. Sau màn chào hỏi đúng tác phong ngành, chiến sỹ làm nhiệm vụ thông báo cho chủ xe là một bên đèn chiếu sáng không hoạt động. Chủ xe giật mình nhìn lướt, đèn bên phụ không sáng thật, trong khi đèn bên lái vẫn hoạt động bình thường.

Đèn xe có thể chỉ sáng một bên do kỹ thuật viên tại gara quên cắm giắc

Sau khi ký biên bản vi phạm hành chính, anh cho xe vào chỗ an toàn rồi tiến hành kiểm tra, thì phát hiện thấy giắc cắm đèn bị tung ra. Anh sực nhớ lại là xe của anh mới bị hỏng máy phát, và trong quá trình thay máy phát điện mới, kỹ thuật viên còn phát hiện ra một số dây điện bên trong khoang máy của anh đã bị chuột cắn. Có lẽ sau khi quấn bảo vệ lại dây, kỹ thuật viên ở gara đã quên cắm lại giắc đèn, bởi giắc này có ngoàm và không thể tự bung ngay cả khi xe bị xóc mạnh.
• Kinh nghiệm: Thường thì các gara uy tín và tin cậy đều có khâu kiểm tra xe kỹ càng trước khi giao cho khách. Nhưng điều đó không có nghĩa là sơ suất không xảy ra. Bạn có thể tự mình kiểm tra lại hoạt động các chức năng cơ bản của xe trước khi ra về, từ đèn, phanh, còi, xi-nhan, hệ thống lái,…
3. Xuất hiện sự cố mới sau khi bảo dưỡng
Chiếc xe Mercedes-Benz C180 của anh Tuấn Anh ở Mỹ Đình, Hà Nội xuất hiện những tiếng kêu lọc cọc mỗi khi đi qua những chỗ xóc hoặc gồ ghề. Anh mang xe đến một gara quen thuộc để kiểm tra thì phát hiện một số rô-tuyn của càng trước đã bị rơ và cần thay thế cả càng nhôm và càng cong. Sau khi thay thế phụ tùng xong, xe không còn tiếng kêu, nhưng lại bị nhao lái. Anh mang xe trở lại xưởng kiểm tra thì được biết góc đặt bánh ở bên vừa thay càng lệch rất nhiều so với bên còn lại.

Dầu mỡ bám trên găng tay của người thợ có thể vô tình làm bẩn nội thất xe

• Kinh nghiệm: Khi tiến hành bảo dưỡng thay thế các chi tiết nào đó, kỹ thuật viên có kinh nghiệm cần tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan. 
Trong trường hợp này, chiếc C180 đã được thay thế một số chi tiết cơ bản liên quan đến hệ thống treo như các thanh giằng, rô-tuyn, thì gara cần kiểm tra lại góc đặt bánh xe cho khách hàng hoặc đích thân khách hàng có hiểu biết hãy đề nghị gara làm việc này cho mình. Lý do là sau khi thay phụ tùng mới, góc đặt bánh có thể bị sai lệch, hoặc nếu đã bị sai lệch trước đó thì đây chính là dịp để xe bạn được chăm sóc.

Trong quá trình sửa chữa, xe có thể bị chuyển cầu nâng sau khi chạy thử, gây lẫn lộn phụ tùng

4. Rò rỉ dầu động cơ ở rốn sau khi thay đầu

Một buổi sáng, anh Trần Trung Thành ở đường Lương Thế Vinh, Hà Nội phát hiện thấy một đốm đen ướt trên sàn gara nơi anh đỗ xe qua đêm. Anh nhòm xuống gầm xe thì phát hiện thấy vị trí đó thẳng với rốn dầu của động cơ xe, và đáy các-te cũng bị ướt. Trước đó 3 ngày, anh đã mang xe đi bảo dưỡng gói 90.000km ở một xưởng dịch vụ gần nhà, trong đó có hạng mục liên quan đến vấn đề này là thay dầu và lọc dầu động cơ.
Anh liền mang xe trở lại xưởng. Kỹ thuật viên tháo ốc xả dầu ở đáy các-te ra, vệ sinh sạch sẽ cả rốn dầu và con ốc rồi lắp trở lại. Kể từ đó, hiện tượng rò rỉ dầu không còn nữa, đáy các-te cũng rất khô ráo.
Sự cố rò rỉ rốn dầu còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nữa, chẳng hạn như ốc rốn xả dầu bị hỏng gen do trước đó bị vặn sai hoặc do kỹ thuật viên siết quá mạnh, hoặc quá cẩu thả khi đưa ốc vào.

Gara chuyên nghiệp không chỉ đơn thuần là sửa chữa hỏng hóc, mà còn tư vấn cho khách hàng về cách sử dụng và bảo dưỡng xe đúng cách

• Kinh nghiệm: Các gara uy tín và tin cậy luôn có thiết bị chuyên dùng để hứng dầu thải, đồng thời đặt ốc rốn dầu ở vị trí sạch sẽ để tránh bụi bẩn bám vào hoặc xịt sạch trước khi lắp ốc rốn dầu trở lại. 
Tuy nhiên, Autocar Vietnam cũng ghi nhận một số xưởng dịch vụ rất cẩu thả, sẵn sàng ném các con ốc xuống sàn nhà xưởng bẩn thỉu. Đất cát bám vào và vô tình tạo nên các khe hở khi ốc được siết vào vị trí của nó. Nếu phát hiện thấy sự cẩu thả của kỹ thuật viên, bạn có thể đề nghị họ xịt sạch bụi bẩn trên con ốc trước khi lắp vào xe bạn. 
5. Bị mất một/một vài con ốc/con vít
Chiếc xe sedan của anh Việt Hoàng ở Trường Chinh, Hà Nội bị cháy đèn gầm. Anh mang xe đến gara của người quen để xử lý. Sau khi thay bóng đèn xong, kỹ thuật viên ở gara chỉ vừa kịp vào xe bật công tắc để thử đèn thì lại bị gọi xử lý hệ thống điện của một chiếc xe khác. Do quá vội, ảnh chỉ kịp báo cho bộ phận kế toán là đèn gầm đã ổn và giao xe cho khách.
Tuy nhiên, khi trên đường về nhà, anh thấy có tiếng lẹt xẹt ở bánh trước, phía bên vừa thay bóng đèn gầm. Anh bèn dừng xe lại kiểm tra thì thấy tấm ốp chắn bùn bên trong hộc bánh xe đang lủng liểng và chạm vào lốp xe. Hóa ra, để thay được bóng đèn gầm, kỹ thuật viên đã phải tháo các vít giữ tấm chắn bùn này ra, nhưng sau đó quên lắp trở lại.

Vít bên trong hốc bánh xe bị mất, khiến tấm chắn bị bung ra và cọ vào lốp

• Kinh nghiệm: Việc xử lý sự cố hỏng hóc của một chi tiết đôi khi lại liên quan đến các chi tiết khác. Ngay khi xử lý xong sự cố ban đầu, kỹ thuật viên nhất thiết phải kiểm tra lại tất cả những gì liên quan bị tháo ra trước đó. Việc mất ốc hay mất vít đôi khi còn do kinh nghiệm siết ốc hoặc bắt vít của người thợ. Nếu một chiếc ốc hay con vít đã bị hỏng gen hoặc bị đứt, lỏng mà không được thay thế sẽ có thể bị rơi trong quá trình vận hành xe.
6. Vỏ xe bị trầy xước sau khi bảo dưỡng
Chị Hằng ở Hoàng Mai, Hà Nội mang chiếc Kia Forte vào xưởng dịch vụ gần nhà để bảo dưỡng. Khi nhận xe và mang đi rửa, chị mới phát hiện ra rằng trên hai vai xe (cả bên lái và bên phụ) xuất hiện rất nhiều vết trầy xước nhẹ. Chị gọi điện đến xưởng để hỏi nguyên nhân, thì phụ trách xưởng hẹn chị mang xe đến để kiểm tra tình hình.
Sau khi tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là trong quá trình bảo dưỡng, bộ quần áo của kỹ thuật viên chà xát vào thành vỏ xe (vốn rất bẩn trước đó) và tạo ra những vết xước. Rất may là các vết xước chỉ ở lớp sơn bóng của vỏ xe, nên bị mờ đi đáng kể sau khi được đánh bóng kỹ càng.

Tấm chắn bảo vệ sơn xe cũng như trang phục của người thợ cũng cần được chú trọng để tránh phát sinh những vết xước vỏ xe

Nếu mang xe đến xưởng sửa chữa trong tình trạng có nhiều bụi bẩn, trong khi kỹ thuật viên lại thiếu trách nhiệm và để nguyên bụi bẩn đó trong khi sửa chữa, thì vỏ xe bị chà xát là chuyện rất khó tránh khỏi. Ngay cả khi vỏ xe đã được phủ bằng một tấm bảo vệ chuyên dụng, nhưng các kỹ thuật viên khi tiến hành thường chỉ quan tâm tới việc cố gắng tháo được chi tiết nào đó bên trong khoang động cơ. 
Quá trình tỳ người và di chuyển của người thợ có thể làm cho tấm bảo vệ bị di đi di lại, khiến bụi bẩn ở bên trong làm xước xe. Vỏ xe cũng có thể bị xước nếu trang phục của người thợ không phù hợp, chẳng hạn như thắt lưng có kim loại, dây đeo chìa khóa, hoặc chính những ống dẫn khí nén để vận hành các dụng cụ sửa chữa cũng là nguyên nhân gây xước sơn xe.

Đất cát làm cho tai xe bị trầy xước sau khi được bảo dưỡng trong tình trạng chưa được rửa sạch sẽ

• Kinh nghiệm: Hãy chủ động sửa xe của bạn tương đối sạch sẽ trước khi mang đi bảo dưỡng/sửa chữa. Khi đó, quá trình sửa chữa sẽ giảm thiểu các rủi ro kèm theo như đề cập ở trên, và bạn cũng có bằng chứng rõ ràng hơn nếu xuất hiện các vệt xước mới. Thông thường, chỉ có các gara lớn với hệ thống chuyên nghiệp mới có khu rửa xe riêng trước khi tiến hành, còn các gara nhỏ thì không, nên khách hàng đừng nghĩ rằng có thể phó thác việc này cho họ.
7. Nội thất bị bẩn sau khi bảo dưỡng
Chiếc Land Rover của anh Thanh Hải ở phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bị báo lỗi động cơ. Anh mang xe đến một xưởng quen để kiểm tra thì kỹ thuật viên ở đây cho biết xe của anh bị hỏng cảm biến khí xả. 
Sau khi sửa chữa xong, anh nhận lại xe thì phát hiện thấy hai ghế trước của xe vốn được bọc da màu kem bị bẩn lem luốc. Anh phàn nàn vấn đề này với chủ gara và một kỹ thuật viên ở đây dùng khăn mềm lau đi lau lại rất nhiều lần nhưng không thể nào sạch nổi những vết bẩn. Anh đành phải mang xe tới một trung tâm chăm sóc và rửa xe chuyên nghiệp để tẩy bằng hóa chất chuyên dùng.
Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình kiểm tra lỗi, kỹ thuật viên đã ngồi vào ghế xe, trong khi bộ quần áo mà anh ta mặc bám đầy dầu mỡ.

Nếu không có áo bọc ghế và vô-lăng, người thợ có thể vô tình làm bẩn nội thất

Ở các xưởng dịch vụ chuyên nghiệp, các kỹ thuật viên thường xử dụng găng tay và áo bảo vệ ghế cũng như vô-lăng trước khi làm một công đoạn gì đó bên trong xe. Tuy nhiên, ngay cả khi có áo trùm bảo vệ, nội thất xe vẫn có thể bị bẩn do áo trùm bị xê dịch, nhưng dĩ nhiên sẽ hạn chế bám bẩn rất nhiều. 
Nội thất bị bẩn nhiều khi do sơ ý của người thợ, bởi trước đó họ có thể chỉ tháo vài con ốc cũ khiến găng tay bị bẩn, rồi vết bẩn vương vào nội thất do người thợ vô tình chạm tay vào. Nhưng trường hợp của chiếc Land Rover ở trên thì khó có thể chấp nhận do người thợ không trùm áo bảo vệ cho ghế khi ngồi vào kiểm tra lỗi động cơ.

Một chiếc ghế da của xe Land Rover bị bẩn sau khi xe được kiểm tra lỗi

• Kinh nghiệm: Các chủ xe không thể có kinh nghiệm nào khác về vấn đề này ngoài việc theo dõi và đề nghị xưởng dịch vụ làm việc đó. Tốt nhất là bạn chọn các xưởng dịch vụ chu đáo, chuyên nghiệp để không phải mệt mỏi mất thời gian và tiền bạc cho những việc kéo theo xảy ra.
8. Sơn xe bị rộp/phồng sau một thời gian sơn sửa
Do muốn đổi màu sơn yêu thích, anh Dũng ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) đã quyết định sơn lại toàn bộ chiếc xe Mercedes của mình tại một gara thân quen. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng sử dụng, nhiều chỗ trên thân vỏ xe đã bị phồng rộp, thậm chí có dấu hiệu rỉ đùn từ bên trong ra làm nứt lớp sơn bên ngoài. Anh mang xe trở lại xưởng để hỏi nguyên nhân thì được quản lý xưởng giải thích rằng những vị trí phồng và nứt sơn đó là do thân vỏ xe đã quá cũ và đã bị rỉ từ trước khi sơn lại, nay nặng hơn và làm hỏng lớp sơn mới.
Mặc dù được xưởng dịch vụ tiến hành sơn sửa lại những vị trí đó, nhưng chủ nhân của chiếc xe này vẫn cảm thấy không hề yên tâm. Liệu còn có bao nhiêu vị trí nữa trên vỏ xe sẽ bị phồng rộp tiếp? Việc sơn vá lại chỉ là việc vặt, nhưng vấn đề là ở chỗ nó ảnh hưởng đến thời gian và công việc của anh.

Gỉ nếu không được xử lý kỹ khi sơn sửa sẽ làm cho lớp sơn mới bị phồng sau một thời gian ngắn

• Kinh nghiệm: Việc phồng rộp hay rỉ nứt ở những vị trí sơn sửa có rất nhiều nguyên nhân, mà hậu quả xảy ra từ việc sơn sửa ở những gara nhỏ lẻ xảy ra nhiều hơn. Về phía chủ xe, không nên ép thời gian quá gấp gáp khiến các gara phải vội vã để đáp ứng. Bản thân các gara thiếu kinh nghiệm cũng có thể sợ mất khách mà cố gắng làm nhanh để kịp thời gian bàn giao xe. 
Hơn nữa, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất như phòng sấy sơn và các thiết bị chuyên dùng cũng có thể là nguyên nhân phía sau đó. Chất lượng sơn rất khó đảm bảo nếu quá trình sơn được tiến hành vào thời kỳ nồm ẩm, có mưa, mà lại không có phòng sấy.

Quy trình sơn sửa xe bị ép tiến độ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng

Ngoài ra, trách nhiệm hay nguyên nhân chủ quan từ phía kỹ thuật viên sơn cũng là ngọn nguồn khiến lớp sơn sửa nhanh hỏng. Đơn cử như quá trình xử lý đánh gỉ sét không kỹ trước khi làm nền hay bả ma tít sẽ khiến rỉ còn bám trên lớp vỏ tôn của xe lăn to dần, đùn và phá hủy các lớp sơn bên ngoài nó.
9. Kính xe bị bám đầy bụi sơn
Chị Thanh Ngọc ở Ngọc Hồi (Hà Nội) mang chiếc xe Mazda mới mua của mình đến gara để sửa chữa vết va quệt ở cửa xe do một xe máy vượt đèn đỏ đâm vào. Sau khi sửa chữa xong, chị khá hài lòng về chất lượng sơn sửa, bởi cánh cửa được sơn lại giống gần như 100% so với các cánh cửa khác và gần như không thể phát hiện ra là bị sơn lại.
Nhưng một lần đang trên đường về nhà thì trời đổ mưa và chị nhận thấy rằng gạt mưa có tiếng kêu loẹt xoẹt chứ không êm mượt như trước, và nước trên kính cũng không được gạt sạch triệt để. Chẳng lẽ lưỡi gạt mưa đã hỏng sau vài tháng sử dụng xe? 
Nhìn kỹ hơn từ nhiều góc khác nhau dưới ánh sáng mặt trời, chị phát hiện ra kính lái không còn láng bóng, sờ tay lên thấy ráp ráp. Chị bèn mang xe ra trung tâm rửa xe uy tín gần nhà thì được biết kính lái của chị bị bám đầy bụi sơn và phải tẩy bằng hóa chất chuyên dùng thì mới sạch hết được.

Trong quá trình phun sơn, bụi sơn có thể bay mù mịt trong không khí và bám vào các chi tiết không được che chắn

Nhiều gara nhỏ lẻ mặc dù có kinh nghiệm trong vấn đề pha sơn, nhưng không hề có xưởng sơn. Họ có thể đặt xe sơn sửa ở một vị trí nào đó trong xưởng và tiến hành việc này. Việc che chắn cũng không được cẩn thận, thậm chí họ chỉ che chắn những chỗ ngay xung quanh khu vực sơn. Trong quá trình sơn, bụi sơn có thể bay khắp khu vực đó và bám vào rất nhiều chi tiết khác trên xe, trong đó có cả kính lái và kính cửa sổ, làm ảnh hưởng đến tầm nhìn khi lái xe và giảm hiệu quả của lưỡi gạt mưa.
• Kinh nghiệm: Đây là một vấn đề cực kỳ phổ biến đối với các gara nhỏ lẻ thiếu chuyên nghiệp. Để sơn xe đạt chất lượng tốt nhất, mỗi xưởng dịch vụ thường phải có phòng sơn với hệ thống sấy và hút gió được thiết kế đặc biệt. Trong quá trình sơn, những bộ phận không liên quan đến việc sơn sửa cần được che chắn kỹ càng để bụi sơn bay trong không khí không bám vào các bộ phận này.

Bụi sơn bám trên kính lái sau khi sơn sửa có thể là một trong những nguyên nhân khiến gạt mưa không sạch và phát ra tiếng ồn, cho dù lưỡi gạt còn mới

10. Xe bị mất bộ phận nào đó sau khi sửa chữa
Anh Trần Quốc Bình ở Cầu Giấy (Hà Nội) đến một gara gần nhà để xử lý hiện tượng vô-lăng chiếc Mercedes-Benz C200 bị lệch khi xe đi thẳng, đồng thời có tiếng lục cục nhẹ ở dưới gầm. Sau khi kiểm tra, kỹ thuật viên tại gara cho biết xe của anh phải chỉnh lại rô-tuyn lái, căn chỉnh lại góc đặt bánh xe và thay một chiếc rô-tuyn cân bằng dọc. Sau khi thay phụ tùng và căn chỉnh, kỹ thuật viên chạy thử, rồi sau vài lần căn chỉnh thì kết quả gần như hoàn hảo.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, anh có việc đi xa và muốn kiểm tra một số hạng mục trong khoang máy (nước làm mát, nước rửa kính, dầu động cơ,…) trước khi lên đường thì phát hiện thấy có dấu hiệu lạ là anh có thể nhìn thấu xuống mặt đất qua các khe hở bên trong khoang máy. Hóa ra, xe của anh đã bị mất tấm chắn gầm từ lúc nào mà anh không để ý.

Một số xưởng dịch vụ chính hãng tự tin cung cấp chương trình sơn sửa xe cấp tốc chỉ trong 4 giờ

Quay lại xưởng để hỏi, thì ra tấm chắn gầm của anh vẫn được các kỹ thuật viên cất giữ cẩn thận từ hôm trước. Chẳng là sau khi cân chỉnh rô-tuyn lái xong, hạ xe xuống để đi thử, thấy ổn nên anh giục trả tiền và vội vàng ra về, còn các kỹ thuật viên lúc đó cũng quên lắp tấm chắn gầm trở lại.
• Kinh nghiệm: Việc một chiếc xe đang được sửa chữa trên cầu nâng thì được hạ xuống để đi thử là chuyện bình thường. Tại các gara chính hãng, thường thì một hoặc vài kỹ thuật viên chịu trách nhiệm một xe nào đó từ A-Z nên việc lẫn lộn hiếm khi xảy ra.
Nhưng với các gara nhỏ, khi một cầu nâng vừa bị trống, một chiếc xe khác có thể ngay lập tức được thế chỗ (trong khi toàn bộ phụ tùng của xe trước được đặt cạnh cầu nâng đó). Tình trạng này dẫn đến việc quên lắp lại đủ phụ tùng. Tuy nhiên, thường chỉ những thứ không trực tiếp liên quan đến hoạt động của xe mới bị quên.

11. Phụ tùng bị thay oan

Dọn rửa xe sạch sẽ trước khi giao khách là khâu được các xưởng dịch vụ chuyên nghiệp quan tâm

Chiếc C200 của ông Đào Quang ở khu đô thị mới Văn Khê (Hà Nội) có tiếng kêu lạch cạch như tiếng các thanh kim loại gõ vào nhau mỗi khi di chuyển trên mặt đường gồ ghề. Ông mang xe đến một xưởng dịch vụ quen ở quận Thanh Xuân để kiểm tra thì được thông báo là rô-tuyn càng trước bên lái đã bị hơi rơ và cần thay thế. Ông đồng ý với phương án sửa chữa, nhưng sau khi thay càng mới vào mà tiếng kêu vẫn không hết.
Kỹ thuật viên tại xưởng bèn tiến hành kiểm tra toàn bộ các bu-lông của hệ thống treo thì phát hiện thấy một rô-tuyn cân bằng dọc bị lỏng, thậm chí bu-lông bắt phía trên sắp bung ra ngoài. Sau khi siết chặt lại con ốc này, và đề nghị lắp lại càng cũ, xe của ông im phắc trên mọi điều kiện mặt đường.

Kiểm tra lại dòng là cần thiết trước và sau khi thay thế các thiết bị điện bị hư hỏng bất thường

• Kinh nghiệm: Thực tế là việc thay oan phụ tùng xảy ra khá phổ biến mà Autocar Vietnam đã ghi nhận trong thời gian qua. Có thể kể thêm các trường hợp như hỏng cảm biến đo gió thì gara lại thay luôn cả bugi và lọc xăng, gạt mưa kêu do kẹt phải viên đá rơi vào chân trụ quay thì lại thay cả đôi gạt mưa mà không kiểm tra kỹ. 
Việc này nhiều khi là rất khó tránh khỏi, bởi nhiều người tiêu dùng không hề có chuyên môn hay hiểu biết gì nên hoàn toàn bị lệ thuộc vào phán quyết của kỹ thuật viên ở gara. Chủ xe chỉ còn cách chọn lựa các gara uy tín để đặt  niềm tin

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh