THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:07

Kinh hoàng nhuộm măng tươi bằng chất làm màu sơn quét tường

 

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng cho biết, Chi cục vừa kiểm tra, lấy 25 mẫu gồm măng tươi, dưa cải tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố và phát hiện 7 mẫu măng tươi có tồn dư chất vàng ô.

Chất vàng ô là chất màu tổng hợp, chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ…và dùng để làm màu sơn quét tường, gây độc cho con người, nên cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Trước đó, các mẫu kiểm tra được lấy tại 6 chợ trên địa bàn gồm chợ Đầu mối, Đống Đa, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Hòa Khánh, chợ Mới và 3 cơ sở chế biến măng của Túy Loan –Hòa Phong. “Chi cục tiến hành lấy 25 mẫu, nhưng cơ quan phân tích mới gởi 9 mẫu, trong 9 mẫu thì phát hiện 7 mẫu phát hiện có nhuộm chất vàng ô”, ông Tứ nói.

Ông Tứ cho biết, việc các cơ sở thực phẩm và tiểu thương tại chợ bán măng tươi có tẩm chất vàng ô là làm cho sản phẩm đẹp nhưng lại gây ra độc hại. Ông Tứ khuyến cáo người dân cần chú ý hơn trong việc lựa chọn mua thực phẩm, đặc biệt là măng tươi có màu vàng đẹp để tránh thực phẩm bẩn, nhiễm chất gây độc hại.

Đồng thời, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản TP Đà Nẵng cũng cho hay để ngăn chặn kịp thời thực phẩm độc hại, tẩm nhuộm các chất nguy hiểm, khi phát hiện có thực phẩm "bẩn", người dân hãy phản ánh về địa chỉ email: [email protected] hoặc số điện thoại 0907703863 của ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản TP Đà Nẵng, để các ngành chức năng vào cuộc xử lý.

“Hiện Chi cục đang tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu phân tích trên toàn địa bàn thành phố”, ông Tứ nói thêm.

Hồi tháng 1/2016, tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại một cơ sở sản xuất chế biến 7 tấn măng tươi và hơn 300 kilogam măng đã ngâm hóa chất tạo màu. Tại đây, các công nhân đã sử dụng một muỗng nhỏ hóa chất phụ gia cho vào nước để ngâm khoảng 1 tấn măng tươi ở công đoạn sau khi luộc chín và sau 5 giờ cho ra sản phẩm măng màu vàng tươi dù trước đó làm màu trắng đục. 

 7/9 mẫu măng tươi được cơ quan chức năng TP Đà Nẵng kiểm tra có tồn dư chất vàng ô. (Ảnh minh họa).

TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm) cho biết, "vàng ô" (hay còn gọi là VAT Yellow) là hóa chất được dùng để nhuộm màu vải và làm vôi ve quét tường trong xây dựng. Loại hóa chất tạo màu này có thể mua được dễ dàng tại chợ với giá chỉ 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, mỗi muỗng dung dịch "vàng ô" có thể nhuộm màu cho 1 tấn măng.

Chuyên gia thực phẩm Phạm Nam cho biết thêm, chất vàng ô có tên là Auramine O còn tên hóa học là Diarylmethane. Chất này dạng huỳnh quang, hạt mạ vàng dễ tan trong nước và cồn. Điều cần được nhấn mạnh là chất này được dùng trong nhuộm vải, giấy, quét tường. Không có khuyến cáo hay được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Thực chất hành vi sử dụng trong thực phẩm là do người bán, người sản xuất bất chấp sức khỏe người tiêu dùng để tạo màu. Vì cái lợi trước mắt họ đã bất chấp tất cả khiến cho người ăn và sử dụng sản phẩm phải chịu hệ lụy lâu dài.

Đáng lo ngại là chất vàng ô độc hại đến mức tổ chức Ung thư thế giới IARC đã xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao. Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 42 về danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Theo đó, bổ sung 5 loại vàng ô vào danh mục này gồm: VAT YELLOW 1, VAT YELLOW 2, VAT YELLOW 3, VAT YELLOW 4, Auramine và các dẫn xuất của Auramine hay còn được gọi là cơ bản màu vàng 2, sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm.

Với người tiếp xúc với vàng ô có thể có những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận. Vùng da tiếp xúc trực tiếp có thể bị sưng phồng, rộp, đau hay tấy đỏ...Nếu hít phải có thể gây khó thở. Khi mua măng có thể ngửi mùi để nhận ra sự hắc xông lên mũi có thể nhận ra chất vàng ô hay lưu huỳnh có thể được "tắm" trong măng.

Như đã nói ở trên, không chỉ măng mà gà cũng được sử dụng chất vàng ô tạo màu vàng hấp dẫn. Ông Nguyễn Xuân Dương (Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, thực tế thịt gà sử dụng chất vàng ô tạo màu vàng cũng không làm tăng chất dinh dưỡng bên trong thịt. Minh chứng rõ ràng là người châu Âu thường sử dụng các loại thịt trắng, không vàng. Trong khi người Việt thích ăn thịt gà vàng nên người nuôi mới sử dụng để dễ bán.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh