CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:58

Kinh hãi, đường dây 'ngầm' chuyển chất độc Trung Quốc vào Việt Nam

 

100% hàng Trung Quốc, có độc tính cao

Theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), qua 7 tháng triển khai đợt cao điểm truy quét, Chi cục BVTV các địa phương đã bắt được 40 vụ vận chuyển, mua bán thuốc BVTV lậu với số lượng 7 tấn. Số thuốc bị bắt giữ bao gồm 25 chủng loại, trong đó chủ yếu là thuốc kích thích sinh trưởng và thuốc trừ cỏ.

Tại cuộc họp báo về kết quả bước đầu thực hiện cao điểm thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp và Chỉ thị số 3606/CT-BNN-BVTV, ông Hoàng Trung,  Cục trưởng Cục BVTV, cho biết, 100% số thuốc trên xuất xứ từ Trung Quốc, bao bì, nhãn mác cũng bằng tiếng Trung Quốc. Đặc biệt, 25 chủng loại thuốc nhập lậu đều là thuốc ngoài danh mục, có những hoạt chất cực độc, không được sử dụng trong trồng trọt.

Tràn lan thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu

"Các loại thuốc BVTV về độc tính cao hơn thuốc bình thường, phun một cái con sâu, côn trùng lăn quay ra chết ngay nên người dân rất thích sử dụng. Một số người mua về để sử dụng hay hàng xóm cần thì đem cho vài ba gói thuốc", ông Trung nói.

Ông Trung cũng cho hay, nhiều người nói thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu được tuồn từ Trung Quốc về Việt Nam qua các đường dây, đầu nậu lớn. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, hoàn toàn không có các đầu nậu lớn, việc vận chuyển, buôn bán thuốc BVTV khá nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng lại đa dạng. Ví như, trên các địa bản tỉnh miền núi Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn,... đối tượng buôn bán chủ yếu là những phụ nữ người dân tộc. Họ ăn mặc rất đẹp, mỗi người đem vài gói thuốc BVTV nhập lậu ra chợ địa phương bán. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, họ xoè váy ra giấu kín luôn số thuốc BVTV trong váy để tránh bị bắt.

Ở các tỉnh miền xuôi, các đối tượng mua bán lên các tỉnh biên giới thu mua và vận chuyển về xuôi bằng xe khách. "Thậm chí, một số vùng biên còn xảy ra tình trạng các đối tượng người Trung Quốc sang tận Việt Nam để bán thuốc chui. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, họ lập tức rút về nước, một thời gian sau không thấy gì lại đem sang bán tiếp", ông Trung nói.

Xử lý hình sự cả người bán lẫn người dùng

Ông Trung cho biết, để ngăn chặn dứt điểm tình trạng buôn bán các loại thuốc BVTV độc hại, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai các đợt cao điểm, làm mạnh như đợt đánh chất cấm trong chăn nuôi vừa qua.

Địa phương cứ việc bắt thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, việc lưu kho, xử lý đã có Cục BVTV, Bộ NN-PTNT lo (ảnh minh họa)

Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức nặng, các địa phương tiến hành thanh tra đột xuất, truy quét tận gốc theo phương châm "một gói cũng bắt", làm triệt để để buộc các đối tượng buôn bán phải từ bỏ công việc phạm pháp vì thấy "không còn đất sống".

Đặc biệt, trong quá trình truy quét, nếu phát hiện các đối tượng buôn bán sẽ lập tức phạt hành chính thật nặng, thậm chí tiến hành xử lý hình sự các cả người bán và người mua nếu buôn bán và sử dụng số lượng thuốc BVTV khối lượng lớn.

Riêng với các địa phương, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ kinh phí tiêu huỷ thuốc BVTV khi bắt giữ được. Theo đó, khi bắt được các đối tượng buôn bán thuốc BVTV nhập lậu cần gọi điện ngay cho Cục BVTV qua đường dây nóng để Cục cử người lên thu gom số thuốc đó về đem đi tiêu huỷ.

Ông Trung cũng chia sẻ, ngày 24/8, Cục đã vận chuyển 5 tấn thuốc BVTV có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà trước đó các địa phương đã bắt giữ được đem xuống Công ty CP Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường ở Hải Dương, đưa toàn bộ số thuốc vào lò xi măng để tiêu huỷ, theo quy trình và công nghệ hiện đại, an toàn nhất.

Theo ông Trung, mỗi tấn thuốc BVTV khi xử lý tiêu huỷ kinh phí hết khoảng 50 triệu đồng.

"Trước kia, kinh phí ở các địa phương rất eo hẹp, khi bắt về không biết lưu giữ ở đâu, xử lý như thế nào, tiền ở đâu ra. Thế nên, một số địa phương còn ngại bắt các vụ buôn bán trái phép thuốc BVTV. Nhưng giờ thì họ có thể làm mạnh, làm quyết liệt vì chỉ cần bắt các đối tượng buôn bán, vấn đề còn lại như lưu kho, xử lý tiêu huỷ Cục BVTV sẽ đứng ra giải quyết", ông Trung nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh