THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:47

Kinh doanh không được bỏ rơi quyền trẻ em

 

Tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi cách thức mà cộng đồng doanh nghiệp có thể hành động nhằm ủng hộ và tôn trọng Quyền Trẻ em, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Quyền trẻ em và lợi nhuận không loại trừ lẫn nhau

Cẩm nang Quyền Trẻ em và các Nguyên tắc kinh doanh (Bộ Nguyên tắc CRBP) được xây dựng và phát hành vào tháng 3/2012 bởi UNICEF, Quỹ Cứu trợ trẻ em và Mạng lưới hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc. Đây là Bộ Nguyên tắc toàn diện đầu tiên hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hoạt động ủng hộ và tôn trọng quyền trẻ em nơi công sở, trên thương trường hay tại cộng đồng. Bộ Nguyên tắc ghi nhận sức mạnh cực kỳ tích cực của các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, tìm kiếm và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh tốt nhất.

Theo bà Marianna Oehlers, chuyên gia UNICEF, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho cả những đứa trẻ. Áp dụng các nguyên tắc kinh doanh trách nhiệm xã hội doanh nghiệp sẽ có được niềm tin từ người lao động, từ các bên liên quan và từ con cái, giúp chúng lớn lên an toàn và hạnh phúc tại nơi làm việc, thương trường, trong cộng đồng và môi trường. Kinh doanh và phát triển cần đem tới nụ cười cho trẻ em. Đó chính là mục đích cuối cùng của Bộ nguyên tắc Quyền trẻ em và Nguyên tắc kinh doanh của UNICEF.

Đánh giá về nguyên tắc Quyền trẻ em và Nguyên tắc kinh doanh, ông Youssouf Abdel-Jelil Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: “Tham gia vào đối thoại về trẻ em là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí. Chúng tôi nhìn nhận khu vực tư nhân như khối có những người lãnh đạo và thực hiện có tầm nhìn khi mà các quốc gia, cộng đồng và những đứa trẻ mà doanh nghiệp phụ thuộc vào, cũng phụ thuộc vào doanh nghiệp. Quyền trẻ em và lợi nhuận không loại trừ lẫn nhau”.

 

Doanh nghiệp kinh doanh phải đảm bảo quyền trẻ em (ảnh minh họa).

 

Ông Miguel Charneco Garrido Piaggio Việt Nam, thành viên Eurocham cho rằng, doanh nghiệp luôn nghĩ tới công nghệ, lao động, bảo hiểm,… nhưng hiếm khi nghĩ tới trẻ em nếu như không trực tiếp sản xuất sản phẩm liên quan tới trẻ em. Tư duy này khiến trẻ em bị lãng quên trong hoạt động kinh doanh. Mục tiêu Phát triển bền vững và bộ cẩm nang Quyền trẻ em và Nguyên tắc kinh doanh là sự kết hợp rất tốt dành cho doanh nghiệp, động viên họ xem xét lại hoạt động của mình và thay đổi để đạt được các mục tiêu trong Chương trình 2030.

Xóa bỏ lao động trẻ em và nguy cơ lao động trẻ em

Theo bộ cẩm nang Quyền trẻ em và Nguyên tắc kinh doanh, tất cả các doanh nghiệp cần phải thức nhận những nguyên tắc cốt lõi làm cơ sở cho các quyền trẻ em; có trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em; đưa ra cam kết hỗ trợ nhân quyền của trẻ em; doanh nghiệp phải trở thành nhà quán quân về quyền trẻ em. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn về các quyền của con người và những tác động tới cuộc sống của con người mà các hoạt động của doanh nghiệp gây ra. Theo đó, trách nhiệm tôn trọng quyền của doanh nghiệp bao gồm tôn trọng các quyền trong Tuyên bố của Tổ chức lao động quốc tế về nguyên tắc cơ bản và quyền ở nơi làm việc. Đó là loại bỏ lao động trẻ em; ngăn ngừa, xác định và giảm thiểu các tác hại với lao động trẻ và bảo vệ các trẻ em khỏi các công việc cấm đối với lao động dưới 18 tuổi hoặc vượt quá khả năng thể chất và tâm lý của các em. Các doanh nghiệp hợp tác với các chính phủ, các đối tác xã hội và các bên để thúc đẩy giáo dục và các giải pháp bền vững nhằm xóa bỏ các nguyên nhân sâu xa của lao động trẻ em.

Tạo ra nhiều việc làm và trả lương xứng đáng cho người lao động cũng là một cách để xóa bỏ lao động trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được phát triển toàn diện. Theo đó, các doanh nghiệp cần tạo việc làm bền vững cho lao động trẻ. Tạo điều kiện hỗ trợ người lao động kể cả phụ nữ và nam giới trong vai trò làm cha mẹ hoặc người chăm sóc của họ.

Trách nhiệm tôn trọng của doanh nghiệp thể hiện qua giải quyết các nguy cơ về an toàn và bảo vệ bảo vệ đối với quyền trẻ em do các cơ sở kinh doanh và nhân viên gây ra trong quá trình hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần xây dựng và thực hiện bộ nguyên tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em. Để đảm bảo quyền của trẻ em, doanh nghiệp không chỉ giám sát doanh số mà cần xem ai là người đang tiêu thụ sản phẩm của mình và có những nỗ lực ngăn chặn các cửa bán sản phẩm có hại cho trẻ em. Trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp đảm bảo marketing sản phẩm không có những tác động xấu đến quyền trẻ em. Bên cạnh đó, cần sử dụng những hình thức marketing giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy quyền trẻ em, lòng tự tôn tích cực, lối sống lành mạnh và các giá trị phi bạo lực.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh