Kimsan Sok: Người phụ nữ thay đổi số phận nội trợ, chuyên đi nấu đám cưới, đám tang giống mẹ để trở thành đầu bếp đẳng cấp thế giới
- Bác sĩ
- 15:36 - 22/10/2019
Gặp Kimsan vào một ngày rất đẹp trời tại khách sạn Sofitel - nơi chuẩn bị diễn ra sự kiện quan trọng mà ở đó còn có sự góp mặt của 9 người phụ nữ vô cùng "quyền lực" khác đến từ các căn bếp của những nhà hàng, khách sạn cao cấp nhất thế giới với trình độ không chỉ chuyên nghiệp, mà họ còn đạt tới đẳng cấp Michelin vô cùng danh giá và cao quý của nghề đầu bếp.
Thế nhưng trong số 9 vị đầu bếp được mời tới Việt Nam lần này, Kimsan là người mà tôi ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi hình ảnh nhỏ nhắn, nước da ngăm và trông cực kỳ ít nói. Cũng chính vì thế mà Kimsan nổi bật hẳn với tất cả các nữ đầu bếp tóc vàng, da trắng còn lại theo một cách gần gũi, từ tốn lạ thường. Nên lập tức, tôi đã tìm gặp Kimsan và thật may khi cô đã ngay lập tức nhận lời cho cuộc trò chuyện riêng này.
Lớn lên từ căn bếp nhỏ và sự ám ảnh từ những người phụ nữ phải "nấu... mới có ăn"
Tuy gặp nhau chưa được lâu, nhưng Kimsan đã rất thoải mái ngay khi chúng tôi gợi mở, muốn nhắc về cuộc sống trước khi trở thành đầu bếp của mình. "Chỉ là nó không có nhiều thứ thú vị giống như nhiều người tưởng tượng đâu.
Bởi vốn dĩ tôi được sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng khá nghèo tại Cambodia. Gia đình tôi khi ấy cũng không hề khá giả gì nếu không nói thẳng ra là cũng sống rất chật vật với đồng lương ít ỏi mẹ kiếm được từ việc nấu đám (cưới, giỗ, tang...) cho các gia đình khác quanh làng. Trong khi ở nhà lại có tới 7 anh chị em, nên để có đủ thức ăn, bố mẹ tôi còn phải trồng lúa, đánh cá,... nói chung làm đủ thứ nghề để có tiền chăm lo cho chúng tôi.
Năm 10 tuổi tôi đã biết nấu ăn rồi đấy. Vì mẹ là thợ nấu nên tôi thường xuyên ngồi trong bếp để nhìn bà, xem cách bà chế biến rồi nêm nếm từng món ăn. Dần dần tôi bắt đầu nhận ra mình đã học lóm được rất nhiều thứ nên chẳng ngại gì tôi nhận luôn việc phụ trách nấu nướng cho cả gia đình giống như một bà nội trợ thật thụ.
Nhìn chung thời gian ấy của tôi tuy cực nhưng khá yên bình. Cho đến năm tôi 18 tuổi thì gia đình hoàn toàn không còn khả năng để giúp tôi chi trả các khoản học phí, thậm chí tiền mua dụng cụ học tập cũng không đủ nên tôi buộc phải nghỉ học và nghĩ rằng thôi thì đi nấu đám cùng với mẹ cho xong. Thấy cũng buồn, nghĩ lại còn xót hơn cho thân mình nhưng biết làm sao được số phận của những người phụ nữ trong làng chúng tôi phải nấu... thì mới có ăn là như thế đó. Đã vậy còn không được đi học thì biết bao giờ mới đổi đời”.
May mắn thay chỉ một khoảng thời gian ngắn sau, anh trai của Kimsan tình cờ nghe trên đài phát thanh nói ở trường Sala Bai gần nhà chuẩn bị mở lớp đào tạo đầu bếp và được đãi ngộ học phí nên đã âm thầm đăng ký cho em gái mình.
"Thú thật khi biết thông tin đó, tôi không biết phải nghĩ gì trong đầu bởi đấy gần như là con đường duy nhất mà mình có thể làm để thay đổi số phận. Tôi cố gắng học hành chăm chỉ, vượt qua hết tất cả các thử thách, các cuộc phỏng vấn và xét duyệt để trở thành lứa học sinh đầu tiên trong ngành này của ngôi trường.
Đối với tôi mà nói, Sala Bai không chỉ là ngôi trường đã đào tạo, giúp tôi nên người, mà còn là nơi đã thay đổi số phận cuộc đời tôi. Biến một cô gái khốn khó, suốt ngày chỉ dám quanh quẩn trong căn bếp nghèo rộng vài mét vuông có ngày bước ra thế giới mới rộng lớn hơn".
Phụ nữ châu Á vẫn luôn chịu rất nhiều sự thiệt thòi khi làm đầu bếp
Tạm khép lại ngày tháng cơ cực lúc nhỏ, sau khi tốt nghiệp ở Sala Bai, Kimsan đã nhanh chóng được làm đầu bếp cho khách sạn Belmond nổi tiếng ở Siêm Riệp. Và chỉ 3 tháng sau, Kimsan được một khách sạn 5 sao khác lớn hơn tên Victoria mời về làm trong suốt 2 năm tiếp theo. Đây có thể nói là khoảng thời gian Kimsan được học hỏi và "lên tay" nhiều nhất trong hành trình đầu tiên trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.
Sau đó Kimsan lại tiếp tục được Grand Hyatt ở Dubai nhận về làm, rồi may mắn vào năm 2014, cô diện kiến và được ông Régis Marcon - một đầu bếp đẳng cấp 3 sao Michelin ở Pháp đào tạo trong suốt 2 tuần rồi lại đi khắp nơi, làm việc thêm ở không ít nhà hàng cao cấp khác từ Âu tới Á. Có thể nói cuộc sống của Kimsan đã lật sang một trang hoàn toàn mới, chính thức bước vào thế giới của những vị đầu bếp chuyên nghiệp và đẳng cấp.
“Tôi nghĩ mẹ đã ít nhất một lần hãnh diện vì tôi”.
Régis Marcon là một trong những đầu bếp hàng đầu thế giới mà Kimsan có cơ hội làm việc cùng nhau.
Tuy nhiên ngồi một hồi thì giọng Kimsan lại lạc đi. Cô bảo: "Con đường của tôi đi quả thật không dễ. Nhất là khi tôi là một phụ nữ châu Á thì còn chịu nhiều sự thiệt thòi hơn.
Tôi còn nhớ trong những năm tháng đầu tiên được đào tạo, thể lực, sức khỏe là thứ gây cho tôi không ít sự cản trở, còn những người bạn phương Tây có đôi tay dài, chiều cao lý tưởng, sức khỏe tốt có thể chiếm ưu thế một cách dễ dàng. Đây cũng là điều khiến nhiều người phụ nữ mặc cảm, lo ngại, nghĩ rằng mình mãi mãi chỉ có thể làm nội trợ, ru rú trong căn bếp nhỏ của riêng mình mà không dám thể hiện bản thân“.
Chưa bao giờ nản chí, Kimsan đã tập luyện không ngừng nghỉ từ cách cầm chảo, điều khiển lửa, rồi bao việc nặng khác cũng không từ. Cô biết, hình thể và sức khỏe của mình là yếu điểm, nhưng đó đều là những thứ có thể cải thiện theo thời gian.
“Còn nếu bạn không thích làm đầu bếp, thật sự chỉ muốn làm nội trợ thì cũng đừng để công việc vốn dĩ không hề nhẹ nhàng này trở thành gánh nặng, hay trách nhiệm của riêng mình. Đấy là điểm mà tôi thấy phụ nữ ở nước tôi và ở Việt Nam khá giống nhau sau khi lập gia đình.
Mê Phở, Bánh Xèo - muốn một ngày tìm hiểu nhiều về ẩm thực Việt
Lần này đến Sài Gòn, Kimsan mong muốn có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu về văn hóa và ẩm thực của Việt Nam. "Tôi đã ăn rất nhiều món Phở và Bánh xèo khi ở Cambodia, cho đến giờ mới có cơ hội thưởng thức tận nơi. Tôi cũng hy vọng có dịp nào đó học nấu vài món ăn của các bạn”.
Nói là làm, sau khi kết thúc cuộc trò chuyện, Kimsan đã hỏi một số nơi nổi tiếng bán 2 món này và còn muốn đến chợ Bến Thành để mua một số loại nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam mang về nghiên cứu.