THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 08:16

Kiên quyết không để tình trạng giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu

Tại Thông báo này, Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội.

Trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế, kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.

Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, thực hiện triệt để các nhiệm vụ, giải pháp:

Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở đó", nhất là việc phải thực hiện cách ly.

Đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn; khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời.

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn.

Tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Đối với các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, theo hướng dẫn của Bộ Y tế phải tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn: đến 15/9/2021 tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm ngay tất cả người dân ít nhất ba lần (2-3 ngày/lần) để nhanh chóng phát hiện nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để tình trạng phong tỏa kéo dài trên diện rộng và tổ chức thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị F0 phù hợp, hiệu quả; các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần (từ 5-7 ngày/lần).

Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị và đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong; Thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động.

Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ theo phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao, người phục vụ phòng, chống dịch và công nhân trong các doanh nghiệp.

Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An hoàn thành tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian; nghiên cứu vấn đề vaccine cho trẻ em; Tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ đáp ứng nhanh cộng đồng, Tổ quản lý, chăm sóc F0 tại nhà.

Kiên quyết không để tình trạng giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu - Ảnh 1.

Thủ tướng kiểm tra giấy đi đường của một người dân tại Hà Nội

Đối với các địa phương khác, chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng nhanh, kịp thời với diễn biến dịch ngay khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng hoặc trong trường hợp số ca mắc tăng nhanh.

Chủ động tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, thu dung, điều trị về phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên y tế.

Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ với quan điểm; ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu (lực lượng y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên...), người cao tuổi, người có bệnh lý nền, công nhân tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…

Chủ động mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, nhất là về máy thở, ôxy y tế để kịp thời đáp ứng với các diễn biến dịch.

Chủ động đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ"; thường xuyên rà soát về nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, cơ sở điều trị để đáp ứng với diễn biến dịch trên địa bàn. Đảm bảo tối đa nguồn lực cho phòng, chống dịch để đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc, nhất là tại các khu vực giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội; tổ chức các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa, xuống tận các tổ dân phố, khu dân cư đảm bảo an toàn; tổ chức tốt chương trình năm học mới gắn với công tác chống dịch để dạy và học hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự trong công nhân và các khu công nghiệp, không để hình thành các điểm nóng phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh tình hình dịch phức tạp; bảo đảm môi trường lành mạnh cho an sinh, an dân.

Từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu...

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh