THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:45

Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch

Hà Nội - Triển khai nhanh chóng 5 nội dung quan trọng

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 34 ca mắc tại cộng đồng và 2 chùm ca bệnh phức tạp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Thành phố đã nhanh chóng phát hiện, truy vết đến cùng, cách ly tuyệt đối F1 và quản lý nghiêm ngặt F2; tiến hành khoanh vùng hẹp để dập dịch theo diễn biến của điều tra dịch tễ và kiểm soát khống chế chặt chẽ.

Đối với 2 ổ dịch hiện nay, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2, thành phố đã đã tiến hành rà soát được hơn 2.600 trường hợp. Đối với Bệnh viện K Tân Triều tình hình phức tạp hơn khi có trên 1.700 cán bộ công nhân viên y tế, trên 1.600 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân có 1 người nhà chăm sóc, như vậy có trên 5.000 trường hợp liên quan. Xung quanh đó có trên 250 cơ sở trọ, lưu trú, 65 ki ốt tạp hóa. Hiện nay thành phố đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc ngăn ngừa nguy cơ...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch ở 2 ổ dịch tại bệnh viện, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội kiến nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế  5 nội dung quan trọng cần triển khai ngay. Cụ thể:

 Bộ Y tế cần chỉ đạo tổng rà soát các bệnh viện Trung ương trên địa bàn TP.Hà Nội, chủ động lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm, khoanh vùng ngay từ đầu; chỉ đạo các địa phương, khuyến cáo người dân hạn chế khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Chỉ đạo các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K thông tin ngay các trường hợp F0 để địa phương truy vết sớm, hiệu quả; cung cấp danh sách bệnh nhân chuyển viện từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 và các cơ sở của Bệnh viện K từ ngày 14/4 đến các cơ sở chữa bệnh trên địa bàn để các lực lượng chức năng địa phương truy vết.

Các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có phương án tiếp nhận bệnh nhân nặng nhưng có bảo bảo đảm phòng chống dịch, công bố để người dân yên tâm. Các địa điểm phong tỏa phải bảo đảm "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Hà Nội có trách nhiệm bảo đảm các nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị, xét nghiệm từ vòng ngoài...

Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các địa phương, khi bàn giao người sau cách ly tập trung giữa các địa phương phải có thông tin kịp thời để các địa phương chủ động.

Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch với tinh thần "Chống dịch như chống giặc" (Ảnh: TTXVN)

Ngăn chặn nhập cảnh trái phép tại các tỉnh biên giới Tây Nam

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết,  địa bàn tỉnh có nhiều nguy cơ cao từ đường biên giới cũng như ở nội địa. Với 200km đường biên giới, thời gian qua, Tây Ninh đã lập 136 chốt kiểm soát với trên 915 cán bộ chiến sĩ túc trực 24/24 giờ.

Tỉnh cũng giao cho 5 huyện và thị xã biên giới xây dựng thế trận nhiều tầng nhiều lớp để kiểm soát người nhập cảnh trái phép. Đặc biệt, tỉnh có chế độ thưởng nóng cho người dân phát hiện người nhập cảnh trái phép, phấn đấu không để lọt người nhập cảnh trái phép vào nội địa.

Từ tháng 1 đến nay, tỉnh đã phát hiện trên 800 đối tượng nhập cảnh trái phép, đưa ra khởi tố 2 vụ với 70 bị can đưa người nhập cảnh trái phép để răn đe. Tỉnh Tây Ninh đã chủ động thành lập các khu cách ly với sức chứa 3.000 người và 3 điểm bệnh viện dã chiến đáp ứng tiếp nhận 200 - 300 người mang mầm bệnh.

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết địa bàn có đường biên giới trên bộ và biển nên có nguy cơ lây nhiễm dịch cao, người dân có thể nhập cảnh bằng nhiều đường. Tại biên giới, tỉnh Kiên Giang đã cho lập 168 chốt kiểm soát người nhập cảnh. Tỉnh cũng đã xây dựng 3 khu cách ly tập trung, có thể tiếp nhận trên 2.300 người. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thiết lập phòng xét nghiệm tại Hà Tiên để nâng cao khả năng tầm soát trên diện rộng. Đến nay, tỉnh có khả năng xét nghiệm 1.600 mẫu mỗi ngày.

Tại tỉnh An Giang, UBND tỉnh cho biết với 100km đường biên giới giáp Campuchia, tỉnh đã tổ chức hơn 200 chốt với trên 1.600 chiến sĩ túc trực 24/24. Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh An Giang đã phát hiện hơn 2.000 người nhập cảnh trái phép, đưa ra khởi tố hơn 10 trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép.

Tương tự,  tỉnh Long An thời gian qua đã phát hiện xử lý 73 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Tỉnh đã trục xuất 53 trường hợp, còn 20 trường hợp đã quá thời gian cách ly nhưng do trục trặc trong việc tiếp nhận các đối tượng ở phía Trung Quốc.

Siết chặt lại công tác quản lý người cách ly, kích hoạt lại tổ chống dịch cộng đồng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã  quán triệt lại các nội dung phòng chống dịch theo nguyên tắc 4 tại chỗ, yêu cầu các địa phương siết chặt lại công tác quản lý người cách ly, kích hoạt lại tổ chống dịch cộng đồng. Đặc biệt, lưu ý các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát cách ly tại các khách sạn. Thực hiện chặt chẽ quy trình tiếp nhận người nhập cảnh, quản lý cách ly; đẩy mạnh công tác phát hiện, sàng lọc sớm trong cộng đồng. Các địa phương cần chủ động có phương án bảo đảm các điều kiện thực hiện xét nghiệm tại chỗ, để có thể đánh giá dịch tễ trên địa bàn một cách sớm nhất.

Thực hiện công tác khoanh vùng gọn nhất có thể; hết sức thận trọng khi quyết định cách ly, giãn cách xã hội phạm vi rộng, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Sẵn sàng phương án dồn các bệnh viện để điều trị trong trường hợp người mắc SARS-CoV-2 tăng mạnh. Người dân phải thực hiện nghiêm 5k, các ngành chức năng cần tăng cường giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm. Các tỉnh chú ý cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch.

Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: TTXVN)

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng đã nêu ra một số tồn tại, hạn chế dẫn đến nguyên nhân bùng phát dịch trong thời gian qua. Trong đó chủ yếu là chưa phân định rõ các khu trong khu cách ly tập trung, chưa phát huy hết vai trò của camera giám sát và tổ giám sát cộng đồng. Việc kiểm soát tiếp xúc trong khu cách ly còn lỏng lẻo, công tác lấy mẫu xét nghiệm ở một số địa phương còn chậm. Nhân viên tại khu cách ly chưa tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Việc bàn giao, tiếp nhận người hết thời gian cách ly chưa chặt chẽ…

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, Chính phủ biểu dương, đánh giá cao BCĐ Quốc gia và các địa phương đã khẩn trương, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch. Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhấn mạnh,  để xảy ra tình hình dịch bùng phát tại một số địa phương thời gian qua là do sự chủ quan, lơ là của cả cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu  các địa phương kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", đề cao cảnh giác, tuyết đối không lơ là, chủ quan nhưng cũng không mất bình tĩnh; Chủ động nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch; Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tình hình theo phân cấp quản lý. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt đề cao trách nhiệm người đứng đầu, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân; Thực hiện chặt chẽ việc rà soát xuất nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú bất hợp hợp pháp, ngăn ngừa và xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Y tế nỗ lực hơn nữa trong việc mua vắc-xin, phân bổ và sử dụng hiệu quả số lượng vắc-xin hiện có. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ. Tiếp tục phát huy vai trò của hoạt động truyền thông, lan tỏa tinh thần chống dịch đến toàn dân. Các địa phương cần phải đánh giá, xem xét áp dụng giãn cách xã hội một cách hợp lý, theo đúng chỉ đạo để hạn chế thấp nhất mức ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh