CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:58

Kịch bản khí hậu 50 năm nữa của IPCC: Hà Nội, TP. HCM thế nào giữa 2.500 đô thị trên thế giới?

I. Kịch bản khí hậu năm 2070 tại 2.500 khu vực đông dân cư toàn cầu

Kênh National Geographic (viết tắt là Nat Geo) của Mỹ nhận định: Toàn bộ hành tinh sẽ cảm nhận tác động của biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới. Trong số đó, một số thành phố sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ hơn về nhiệt độ hoặc lượng mưa so với những thành phố khác trên thế giới.

Thực tế là, ngày nay càng ngày càng có nhiều người di chuyển và sinh sống tại khu vực thành thị. Khoảng 55% dân số thế giới sống ở các thành phố, trong khi đó có 1/4 dân số thế giới sống ở 2.500 thành phố đông dân nhất hành tinh. Dự báo, chỉ mới tính đến năm 2050, khi dân số toàn cầu phình to và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thì đã có khoảng 70% dân cư toàn cầu sống ở các đô thị lớn.

Song song với quá trình độ thị hóa đó, nồng độ khí nhà kính đang tăng ồ ạt trong khí quyển sẽ khiến khí hậu Trái Đất thay đổi đáng kể trong tương lai. Sự nóng lên toàn cầu hơn nữa sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ ở gần như mọi ngóc ngách trên hành tinh. 

Nhiều tác động của sự nóng lên trong tương lai sẽ được cảm nhận bởi dân số ngày càng tăng của cư dân thành phố lớn. Việc các thành phố tập trung đông người, cơ sở hạ tầng mọc lên san sát... tất cả bị dồn vào không gian chật hẹp, đông đúc. Điều này nói lên rằng, con người tại các thành phố lớn sẽ chịu tác động của biến đổi khí hậu rõ rệt hơn. 

Lấy ví dụ, nắng nóng cộng với hiệu ứng đô thị sẽ khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng; hạn hán dữ dội có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước sạch; lượng mưa lớn thì gây ngập lụt trong thành phố.

Kịch bản khí hậu 50 năm nữa của IPCC: Hà Nội, TP. HCM thế nào giữa 2.500 đô thị trên thế giới? - Ảnh 1.

Dự báo, đến năm 2050, khi dân số toàn cầu phình to và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thì có khoảng 70% người dân toàn cầu sẽ sống ở các đô thị. Ảnh minh họa: Internet

National Geographic hợp tác với Matt Fitzpatrick, một nhà sinh thái học tại Trung tâm Khoa học Môi trường thuộc Đại học Maryland (Mỹ), để xem xét cách thức nhiệt độ và lượng mưa ở nhiều khu vực đô thị lớn trên thế giới có thể thay đổi vào năm 2070 nếu những nỗ lực đáng kể để hạn chế khí thải nhà kính không được thực hiện nhanh chóng.

Các kết luận rất rõ ràng: Ở mọi nơi trên thế giới sẽ chịu những thay đổi rõ rệt theo mùa, nắng nóng dữ dội hơn và thời kỳ ẩm ướt cũng như khô hạn cũng sẽ khắc nghiệt hơn. 

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (viết tắt là IPCC, do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) thành lập năm 1988) đã xác định các kịch bản khí hậu khác nhau trong tương lai có tên là Representative Concentration Pathway (RCP), dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính (CO2, CH4...) trong bầu khí quyển.

Dựa trên RCP, kênh National Geographic của Mỹ đã phân tích kỹ hơn 2.500 khu vưc đông dân cư trên toàn cầu để hiểu khí hậu thế giới biến đổi như thế nào sau 50 năm nữa. Các dữ liệu của 2.500 khu vực được tạo ra bằng các giả định tình huống xấu nhất, gọi là RCP 8.5, của IPCC.

National Geographic tạm kết luận: Cứ mỗi một độ C tăng lên trong không khí, bầu khí quyển sẽ giữ thêm 7% hơi nước. Điều đó có nghĩa là vào cuối thế kỷ, bầu khí quyển sẽ có thể giữ hơi nước nhiều hơn 27% so với hiện nay. Thêm lượng mưa lớn hơn vào chu kỳ nước trên thế giới sẽ tạo ra lượng mưa lớn hơn, đặc biệt là làm tăng nguy cơ lũ lụt.

Phần lớn sự thay đổi có thể xảy ra trong những tháng lạnh hơn trong năm: 812 thành phố sẽ gần như không có mưa, nhưng nhiều thành phố khác sẽ có lượng mưa cực lớn. Và trong khi nhiều thành phố bị khô hơn, 11 thành phố trên khắp Nigeria, Rwanda và Cameroon cũng sẽ trải qua lượng mưa lớn hơn đáng kể vào năm 2070.

II. Vậy, thủ đô Hà Nội và TP. HCM sẽ có kịch bản khí hậu như thế nào sau năm 2070?

Sau đây là kịch bản khí hậu tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2070 ở mức RCP 8.5 mà National Geographic thực hiện, mời độc giả theo dõi:

1. Tại Hà Nội

Thủ đô Hà Nội thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc điểm có 2 mùa chính là mùa Đông lạnh - mùa Hè nóng rõ rệt. Nhờ các tháng giao mùa, Hà Nội có thể tận hưởng 4 mùa trong năm.

- Khí hậu Hà Nội năm 2070 đến cuối thế kỷ 21:

National Geographic nhận định, Hà Nội những năm 2070 trở đi sẽ là một trong 90 thành phố trên thế giới có khả năng trải nghiệm điều kiện khí hậu khác lạ về mặt nhiệt độ và lượng mưa.

Trong khoảng 50 năm nữa, khí hậu thủ đô sẽ có nhiều thay đổi lớn, khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của một vùng khí hậu mới mang tên: Khí hậu nhiệt đới Xavan.

Thay vì nóng ẩm như khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu nhiệt đới Xavan rất khô, nhiệt độ trung bình tất cả các tháng trong năm đều trên 18 độ C, lượng mưa thấp.

Cả hai mùa Đông và Hè, nhiệt độ đều tăng rõ rệt (xem hình).

Kịch bản khí hậu 50 năm nữa của IPCC: Hà Nội, TP. HCM thế nào giữa 2.500 đô thị trên thế giới? - Ảnh 2.

Nền nhiệt mùa Đông và Hè của thủ đô Hà Nội (hiện tại - sau những năm 2070). Đồ họa: National Geographic

Nhiệt độ càng tăng thì nguy cơ gây sóng nhiệt sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Không nằm ngoài dự đoán về thời tiết tăng cực đoan trên thế giới, tại Hà Nội, số ngày trong năm có mức nhiệt trên 35 độ C cũng sẽ tăng lên.

Sóng nhiệt xảy ra ở những nơi trên thế giới ít quen với thời tiết nóng sẽ có tác động lớn hơn cả. Đơn cử, hơn 1.400 người đã chết ở Pháp trong đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2019 khi nhiệt độ tăng lên mức cao chưa từng thấy.

Đánh giá về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu của Hà Nội, National Geographic dự báo: Hà Nội có nguy cơ trung bình từ biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm nhiều thách thức mà các thành phố gặp phải hiện nay. Các khu vực đô thị đã phải chịu áp lực từ các rủi ro ảnh hưởng của khí hậu như nước biển dâng, cháy rừng, bão tố, sóng nhiệt cực độ, dịch bệnh và cơ sở hạ tầng suy yếu do nhiệt.

2. Tại TP. Hồ Chí Minh

Đặc điểm khí hậu của TP. Hồ Chí Minh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới Xavan, với hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt.

- Khí hậu TP. Hồ Chí Minh từ năm 2070:

Khoảng 50 năm nữa trở đi, khí hậu tại thành phố này sẽ thay đổi, tuy nhiên không thay đổi đáng kể như Hà Nội để bước sang vùng khí hậu khác.

[Tỉnh Ninh Thuận của nước ta hiện nay thuộc khí hậu nhiệt đới Xavan, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26-27 độ C. Mỗi năm chỉ có trên dưới 50 ngày mưa, lượng mưa đạt trên 700 mm].

Vào những năm 2070, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khí hậu giống như huyện Sattahip ngày nay, về mặt nhiệt độ và lượng mưa (Sattahip thuộc tỉnh Chonburi, Thái Lan, nơi có: Nhiệt độ hàng năm cao nhất là 38,7 độ, lượng mưa hàng năm đạt 1.266 mm).

Tương tự Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh, số ngày trong năm có mức nhiệt trên 35 độ C cũng sẽ tăng lên (xem hình):

Kịch bản khí hậu 50 năm nữa của IPCC: Hà Nội, TP. HCM thế nào giữa 2.500 đô thị trên thế giới? - Ảnh 4.

Nền nhiệt mùa Đông và Hè của TP. Hồ Chí Minh (hiện tại - sau những năm 2070). Đồ họa: National Geographic

Đánh giá về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu của TP. Hồ Chí Minh, National Geographic dự báo: Thành phố Hồ Chí Minh là có nguy cơ cao vì biến đổi khí hậu.

Vùng khí hậu (climate zone) là một khu vực của hành tinh có các đặc điểm đặc biệt liên quan đến lượng mưa, nhiệt độ và mùa. Các nhà khoa học khí hậu đã chia Trái Đất thành 5 loại vùng khí hậu, gồm:

1/ Nhiệt đới: Ở vùng nóng và ẩm này, nhiệt độ trung bình quanh năm cao hơn 18 độ C và có lượng giáng thủy (phần lớn là mưa) hàng năm là 1.500 mm.

2/ Khô: Những vùng khí hậu này rất khô vì hơi ẩm nhanh chóng bốc hơi khỏi không khí và có rất ít mưa.

3/ Ôn đới: Mang tính chất trung gian giữa khí hậu đới nóng và khí hậu đới lạnh. Khu vực có khí hậu này thường có mùa hè ẩm ướt với giông bão và mùa đông ôn hòa.

4/ Lục địa: Những vùng này có mùa hè mát mẻ và mùa đông rất lạnh. Vào mùa đông, khu vực này có thể trải qua bão tuyết, gió mạnh và nhiệt độ rất lạnh đôi khi xuống dưới -30 độ C.

5/ Cực: Khí hậu vùng cực rất lạnh, ngay cả trong mùa hè, nhiệt độ ở đây không bao giờ cao hơn 10 độ C.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

 

Trang Ly

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh