THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Khuyến khích tập đoàn lớn chăm lo các vấn đề xã hội như mô hình của Vingroup

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ cởi mở về vấn đề này.

Mô hình nâng cao chất lượng giáo dục, y tế

- Khác với nhiều nước, mô hình phi lợi nhuận cũng như doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam chưa phát triển. Vậy việc Vingroup quyết định chuyển Vinmec và Vinschool thành mô hình hoạt động phi lợi nhuận theo ông có ý nghĩa gì?

Khi thảo luận thông qua Luật Doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo Luật, Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đưa ra kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển cao thì họ đều đã có mô hình doanh nghiệp xã hội. doanh nghiệp xã hội là loại hình thành lập theo quy định của pháp luật nhưng hoạt động là nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng. Trong quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp xã hội tạo cơ hội để phát triển xã hội mang tính nhân văn cao hơn.

Tôi rất hoan nghênh hướng đi của tập đoàn Vingroup, vì hiện tại tập đoàn này đang có Vinmec và Vinschool là 2 mô hình hiệu quả. Chi phí cho người bệnh khám chữa bệnh ở Vinmec và chi phí của người học ở Vinschool là khá cao, nhưng do chất lượng tốt nên nhiều người dân lựa chọn. Hơn nữa, họ còn cam kết dành 100% lợi nhuận để tái đầu tư. Đó là mô hình rất tốt, có thể tạo ra một xu hướng mới.

- Người dân sẽ được hưởng lợi gì với mô hình phi lợi nhuận này thưa ông?

Vingroup muốn dùng 100% lợi nhuận từ 2 cơ sở Vinmec và Vinschool để đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giáo dục.

Theo tôi, nếu tập đoàn Vingroup thực hiện được như đúng cam kết của họ thì rất tốt, rất có lợi cho xã hội, mà quan trọng nhất là nhiều người dân sẽ không phải đưa con ra nước ngoài học hay phải đi ra nước ngoài chữa bệnh.

- Nhiều ý kiến cho rằng, để xác định được một đơn vị có phải là một tổ chức “phi lợi nhuận” hay không thì phải xem xét một cách cụ thể báo cáo tài chính của đơn vị đó, xem phân bổ lợi nhuận như thế nào. Chỉ khi có báo cáo tài chính được kiểm toán thì mới có thể phân định ai là “phi lợi nhuận” đích thực, ai là giả danh “phi lợi nhuận” để kiếm lời. Theo ông, Vingroup phải làm thế nào để xã hội hoàn toàn tin tưởng?

Đúng như vậy. Khi pháp luật đã cho phép, thì nguyên tắc của loại hình này là phải được kiểm toán báo cáo tài chính một cách chặt chẽ và công khai kết quả kiểm toán hàng năm.

Như vậy, ngoài kiểm toán ra thì các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và định hướng để doanh nghiệp đi đúng mục tiêu.

Nếu làm được điều đó, thì chính là chúng ta đang thực hiện một bước về đổi mới cơ chế quản lý, tức là chuyển từ dịch vụ công sang dịch vụ theo kết quả đầu ra, và mô hình của Vinmec và Vinschool như cam kết của Vingroup là mô hình tốt nhất để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng giáo dục. Bởi vì khi đó chất xám sẽ tập trung vào đây.

Các nhà khoa học thường thích làm những công việc phi lợi nhuận nhiều hơn, họ mong muốn được nghiên cứu khoa học chứ không phải kinh doanh. Nên nếu Vingroup làm được mô hình này thì rất hiệu quả, cũng là hướng đi đúng để chúng ta cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đó là hướng doanh nghiệp dịch vụ công.

Chỉ có điều như tôi đã nói ở trên, phải rất lưu ý công tác kiểm tra, giám sát và phát hiện những vấn đề có thể vì những mục đích khác, vì lợi nhuận mà doanh nghiệp đi chệch hướng phi lợi nhuận.

Người dân có quyền giám sát mô hình phi lợi nhuận

- Với mô hình bệnh viện, trường học phi lợi nhuận, theo ông người dân, xã hội có thể giám sát được doanh nghiệp không?

Hoàn toàn được. Ví dụ người dân khi cho con đến học có thể phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cơ quan quản lý chuyên môn (Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT) về tình hình học tập của con em, chất lượng giáo dục của nhà trường để có điều chỉnh. Giám sát của người dân rất quan trọng. Nếu giá dịch vụ cao mà chất lượng kém chẳng hạn thì chắc chắn người dân phải phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp.

Như vậy, với mô hình hoạt động phi lợi nhuận, nhất định phải bảo đảm có kiểm toán, có kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, có sự giám sát của người dân và xã hội, của chính những người đang trực tiếp tham gia vào các dịch vụ đó.

- Ông lý giải sao khi vẫn có nhiều ý kiến nghi ngại về mô hình này?

Những băn khoăn, nghi ngại của một người dân đối với đất nước chưa rõ mô hình phi lợi nhuận là hiển nhiên. Nhưng vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ của họ. Cùng với đó là giám sát của cộng đồng, xã hội.

Chúng ta nên kêu gọi, nên khuyến khích các tập đoàn đang ăn nên làm ra, đang phát triển có hoạt động chăm lo cho các vấn đề xã hội, môi trường, để làm cho xã hội phát triển. Nếu lúc nào cũng chỉ kinh doanh thì làm sao thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!


THIỀU VĂN LÝ ( tổng hơp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh