CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:30

Khuyến cáo khẩn sau vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua

Các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Ảnh: BVCC.

Các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Ảnh: BVCC.

Liên quan đến 3 chùm ca bệnh ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam, theo báo VietNamnet, hiện có 3 trường hợp thở máy đã được sử dụng thuốc giải độc. Người bệnh đã tỉnh táo hơn, sức cơ cải thiện một phần nhưng vẫn rất nguy hiểm bởi nguy cơ biến chứng. 6 bệnh nhân còn lại đang được tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn tiến. 

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã phát đi khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua.

Các cơ sở y tế phải báo cáo khi các bệnh nhân đến khám, điều trị do nghi ngờ liên quan đến ngộ độc thực phẩm để cơ quan chức năng tổ chức điều tra, thực hiện lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm (nếu có) gửi Viện Pasteur Nha Trang hoặc các viện chuyên ngành để xác định nguyên nhân, chỉ đạo xử lý và điều trị kịp thời.

Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm cho người dân. 

Trước đó, theo báo Sài Gòn giải phóng, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp nhận 3 chùm ca bệnh gồm 10 người, trong đó 1 người đã tử vong. Qua điều tra, những bệnh nhân trên có đặc điểm chung là ăn món cá chép ủ chua.

Đến sáng 18/3, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam kết nối hội chẩn online cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước tình huống cấp bách này, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức gồm TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới và BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, cùng một dược sĩ trực tiếp mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum còn lại (thuốc rất quý và hiếm, trị giá khoảng 6.000 USD/lọ) ra Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Phía Bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ngay chiều cùng ngày.

Theo Bộ Y tế, các loại thịt hộp, rau củ quả, hải sản đóng hộp hay bịt kín trong bao túi, chai, gói… đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.

Đặc biệt, nếu thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo nguy cơ này còn cao hơn. Do đó, người dân cần thận trọng với các sản phẩm thực phẩm đóng kín, chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.

Dù sử dụng túi hút khí sẽ giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, song Bộ Y tế khuyên người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

Khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố Botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút.

Loại vi khuẩn này không phát triển được trong môi trường có độ pH dưới 4,6, do vậy khi người dân muối dưa, muối cà, măng… cần phải che đậy kín, đảm bảo đủ độ chua, mặn mới dùng. Khi thực phẩm hết chua không nên ăn.

BM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh