Khủng hoảng tinh thần: Dễ dẫn đến trẻ em tự tử
- Y học 360
- 02:12 - 27/09/2015
Nhiều lý do tự tử
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tự tử ở thanh thiếu niên chủ yếu là do xung đột từ gia đình. Có tới 87,7% số trẻ tự tử là đang sống với cha mẹ và hầu hết các em tìm đến cái chết ngay tại nhà, chỉ 14,6% trẻ có thái độ xa lánh mọi người. Cái chết của N.V.T sinh năm 1987 (huyện Kim Động, Hưng Yên) đã trở thành nỗi ám ảnh của bà con láng giềng nơi T ở. Trước đó, T là cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ và biết vâng lời cha mẹ. Nhưng một lần đi chơi, T sơ ý làm mất xe đạp.
Về nhà bị bố mắng chửi do nghi ngờ cậu ăn chơi lêu lổng, hút chích làm mất xe đạp. Bị bố mắng, T giam mình trong nhà để chứng tỏ sự trong sạch. Ba ngày sau, T. có thái độ lạ, cậu dặn dò các em, quan tâm hơn đến bà và mẹ rồi xin phép đến nhà bà ngoại chơi. Tuy nhiên, T đã không đến nhà bà ngoại như đã nói mà tìm đến cái chết bằng tự tử. Khi gia đình biết, bố của T đã vô cùng ân hận.
Mặc dù vừa được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, nhưng khi tỉnh dậy N.C.L (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) vẫn một mực nói “không muốn sống nữa”. Lý do L uống thuốc trừ sâu quyên sinh chỉ vì em ham mê chơi games dẫn đến học hành sa sút, bị bố mẹ la mắng và thu hết điện thoại, máy tính, sau đó L tìm đến cái chết. Đó còn là trường hợp của L.H.T (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội).
Tốt nghiệp đại học, T xin được việc làm tại một Cty, rồi quen và yêu L làm nghề cắt tóc-massage ở cùng khu trọ. Khi T đưa L về nhà ra mắt, bị bố mẹ kịch liệt phản đối. Để ép gia đình thuận cho cưới, T và L đã “ăn cơm trước kẻng”, nhưng vẫn bị gia đình phản đối không chấp nhận. Không thuyết phục được gia đình, bị giằng xé giữa “bên tình, bên hiếu” cuối cùng T đã tìm đến cái chết để được giải thoát.
Bố mẹ cần thường xuyên quan tâm động viên khi con gặp khó khăn trong cuộc sống.
TS Nguyễn Thị Kim Quý, chuyên gia tâm lý học, cố vấn đường dây tư vấn chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cho rằng: Với tuổi vị thành niên, khi gặp các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, do chưa có kinh nghiệm xử trí nên thường sử dụng một cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, đó là "tự xâm kích" mà đỉnh cao là tự tử. Bản thân các em chưa nghĩ đến hậu quả sự việc mà đơn thuần chỉ muốn giải thoát mình khỏi bế tắc. Trong việc này, gia đình đóng vai trò quan trọng, đôi khi, vừa là nguyên nhân của sự việc, vừa "tiếp tay" cho hành động này."Rất nhiều trường hợp trẻ có ý định tự tử đã gọi điện đến đường dây tư vấn để bày tỏ khát khao "muốn chết" chỉ vì "bố mẹ không hiểu tâm lý con, luôn coi con như con nít", TS Kim Quý nói.
Bố, mẹ phải luôn quan tâm đến con
Th.S tâm lý Mã Ngọc Thê, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tân Trí Việt kể: "Tháng 8 vừa qua, tôi nhận cuộc gọi của một nữ sinh viên tại Hà Nội bày tỏ ý nguyện muốn tự tử vì bế tắc. Lý do vì em tận mắt thấy bố ngoại tình. Với em, từ trước đến nay người bố luôn là thần tượng, bây giờ trước sự thật phũ phàng, em không biết tin ai?”. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, trường hợp của nữ sinh viên trên thường xuyên xảy ra. Một điểm chung về hoàn cảnh sống của các em có ý định tự tử hoặc thực hiện hành vi tự tử, có nguyên nhân do gia đình sống không hòa thuận, hoặc bố mẹ ly thân, ly hôn hay cãi nhau. Ở độ tuổi này, với các em, bố mẹ là hình mẫu lý tưởng, khi đã thất vọng, trẻ dễ chán chường, suy sụp. Nếu trẻ đem gia đình mình so sánh với gia đình bạn bè, làng xóm, kết hợp với những yếu tố học tập kém, bạn bè tẩy chay, tình yêu không như mong đợi... sẽ dễ dẫn tới ý nghĩ hoặc hành vi tự tử của trẻ. Bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tự tử. Đó có thể là cách duy nhất để thoát khỏi những nỗi đau thể xác hoặc tinh thần không thể chịu đựng. Nhiều người cũng tự tìm đến cái chết khi cảm thấy cuộc sống không có giá trị, ý nghĩa nhưng cũng có thể là một cách để truyền đạt một thông điệp nào đó.
Theo TS Kim Quý, một đứa trẻ trước khi tự tử bao giờ cũng có sự biến đổi bất thường trong suy nghĩ, sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ: Nếu là con gái, cháu sẽ tâm sự với bạn thân hoặc để lại lời nhắn trên blog, Facebook một cách vu vơ (nhưng có chủ đích) ví dụ: "Tôi không thích sống, chán sống/ Tôi sắp đi xa/ Tôi sắp rời xa các bạn để sang thế giới tươi đẹp/ Hẹn gặp lại nhé"... Nếu cha mẹ, những người xung quanh không quan tâm, để ý thì những biến đổi đó không có giá trị và thất bại. Thậm chí trẻ còn bị coi là "vớ vẩn, ngớ ngẩn" nên càng chủ quan, đó là sai lầm rất lớn. "Trước khi chết, bản năng sống thường trỗi dậy. Nói nôm na, khi trẻ bế tắc, chúng sẽ lên một kế hoạch chi tiết về con đường đến cái chết, nhưng không hoàn toàn là muốn chết thật. Trong quá trình xây dựng, bản năng sống trỗi dậy, trẻ muốn người xung quanh nhận ra rằng đó là một tiếng kêu cứu, một lời cảnh cáo, trẻ muốn gây sự chú ý, quan tâm. Nếu được can thiệp kịp thời, trẻ sẽ thoát khỏi kế hoạch tự tử. Nhưng nếu tín hiệu phát đi không được đáp ứng, trẻ càng thất vọng và có lý do hơn để tự kết liễu đời mình" - TS Quý nói