CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:56

Khủng hoảng nước sạch: Hà Nội như đang trở lại thời bao cấp

Hà Nội như đang trở lại thời bao cấp, những năm 70- 80 của thế kỷ trước với hàng dài người chờ phân phối nước sạch , hình ảnh được người dân chia sẻ trên mạng xã hội.

Gửi cháu, trốn làm về... lấy nước

Chiều 16/10, bà Lan tất tả mang hai chiếc chậu lớn, hai bình nước dung tích 20 lít từ tầng 36 tòa nhà HH4B Khu chung cư HH Linh Đàm xuống sảnh để lấy nước sạch. Không biết mở khóa vòi nước, bà phải nhờ bảo vệ tòa nhà mở hộ. Bà cũng không có cách nào xả được nước vào hai bình vì miệng bình khá nhỏ. Hai thanh niên bảo vệ tòa nhà hì hục giúp sức cũng không làm được. Bà đành xả vào hai chậu to trước. Một phụ nữ khác, cũng trạc tuổi bà Lan xuống lấy nước. Thấy thế, bà Lan nhường trước, vì “bà ấy có một xô, còn tôi có hai chậu và hai bình nước, lâu hơn”.

Vừa lấy nước, bà Lan vừa bảo “chỉ gửi cháu được 5 phút thôi đấy”. Con cái bà đi làm hết. Nghe nói có nước sạch miễn phí, bà vội vã mang đồ xuống lấy để dự trữ vì mấy ngày nay “sống dở, chết dở”. Nhà bà phải mua nước sạch để dùng cho ăn uống. Riêng bà vẫn phải tắm bằng nước cũ, thành ra bị ngứa, mọc mụn, cả ở trên mặt.

Bà bảo, phải tranh thủ lấy nhiều nước, con cái về có cái mà dùng. Chứ buổi tối không xếp hàng hay tranh nhau được, mà có khi hết trước khi đến lượt. Phải mất 15 phút, bà mới hứng đầy hai chậu nước to, hai bình nước 20 lít. Rồi, không có ai bê hộ, bà phải nhờ phóng viên báo Tiền Phong bê vào để nhờ ở sảnh, gửi bảo vệ trông hộ rồi chạy lên với cháu. “Lên nhanh không hàng xóm mắng. Bảo gửi vài phút để họ còn đi có việc. Tôi để đây anh trông hộ tôi nhá, tối các cháu về lấy”, bà Lan nói với bảo vệ tòa nhà.

Cùng tòa nhà với bà Lan, chị Lan Anh, ngoài 30 tuổi, lấy xe đẩy của con để mang hai bình chứa nước xuống. Chị Lan bảo, phải trốn làm ở nhà để lấy nước, vì không dám dùng nước sông Đà. Nếu nhà máy dừng cấp nước để súc rửa đường ống, cũng không biết bao giờ mới có nước.

“Mấy hôm nay xuống mua nước ở dưới có khi cũng không còn vì nhiều người mua quá. Lấy nước này cũng chẳng biết có sạch hay không”, chị Lan Anh nói. Còn bà Lan thì than thở, 68 tuổi đời, giờ lại gặp cảnh xin nước chẳng khác nào xếp hàng mua bán thời kỳ tem phiếu.

Khủng hoảng nước sạch tại Hà Nội: Khổ như 'thời bao cấp' - Ảnh 1.

Em bé cũng phải xách xô nước giúp bố mẹ xếp hàng lấy nước ở khu Linh Đàm. Ảnh: Như Ý

Xếp hàng lấy nước rồi lại... đổ đi

“Mấy hôm nay vẫn nấu đồ ăn bằng nước sông Đà à chị?”, một thanh niên hỏi khi bước vào quán phở. “Không, chị lấy nước sạch thành phố phát đấy”, bà chủ quán ăn khu HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) nói, đồng thời chỉ tay ra chỗ cách vài bước chân, hàng người rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt lấy nước. Chiếc xe téc biển kiểm soát 29C-192.81 đỗ gần trung tâm sân tòa nhà cấp nước cho người dân. Hàng chục người dân nào những can, bình, chai nhựa quây lấy chiếc xe.

Một vài người nhanh chóng xả nước đầy vào những gì có thể đựng nước được. Nhưng một vài người thấy nước đục, có mùi tanh. Vài người không lấy nước nữa. Vài người đổ bỏ số nước vừa hứng được. Không ai lấy nước nữa, chiếc xe rời đi. Một chiếc xe khác, biển kiểm soát 29C-762.57 tiến vào thế chỗ. Vài người dân hứng nước thử, vẫn có mùi tanh và màu nước hơi đục. Không ai lấy nước thêm nữa. Bà chủ quán phở than thở: “Tưởng nước sạch mình ra lấy thêm vài bình nữa! Thế kia thì thôi, chờ thêm có đợt nước mới nữa không”.

Nhiều người dân so sánh hai loại nước đóng chai mới mua và nước vừa hứng. Sự chênh lệch màu sắc rõ rệt. Nhiều người ái ngại. Bà Nguyễn Thị Tuyết, tòa nhà HH2A mang theo một cái siêu, một cái chai nhựa xuống để lấy nước. Đã xả đầy rồi lại đổ đi. Xe thứ hai đến, những tưởng có nước sạch rồi lại... hụt.

Bà Tuyết bảo, mấy ngày qua, gia đình phải mua nước về lọc để sử dụng cho mục đích ăn, uống. Còn tắm giặt thì vẫn dùng nước của hệ thống sông Đà. Bản thân bà Tuyết bị dị ứng với nước bẩn, nổi mụn khắp người. Bà bảo, lấy nước thế này thà dùng nước cũ còn hơn vì có lấy lên cũng không sử dụng được. Một phụ nữ thấy có xe nước về cũng bế cháu xuống xem. Bà bảo, ở nhà vẫn dùng nước cũ. “Sáng con tôi đi mua nước khắp mấy cửa hàng trong khu này mà không còn chai nước đóng chai nào. Giờ đành chờ các cháu về xem thế nào. Tôi bế cháu nhỏ đành chịu”, bà này nói.

Chiều tối 16/10, chiếc xe 29C-762.57 tiếp tục đỗ ở sảnh tòa nhà HH4B. Vài người dân mang đồ xuống lấy nước. Một thanh niên vừa mang chai nước lọc mới mua về đặt bên cạnh. Hai chai nước khác màu rõ rệt. Tài xế chiếc xe téc nghe một cuộc điện thoại rồi lái xe đi, nói với bảo vệ tòa nhà quay về sục rửa lại xe rồi quay lại. Trước đó, khi phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi về nguồn gốc nước, người này nói lấy tại nhà máy nước ở khu Pháp Vân - Cầu Giẽ như thông báo của thành phố.

Tuy nhiên, người này không giải thích được đơn vị nào cử lái xe nước đến đây. Người này cũng từ chối cung cấp thông tin cá nhân. Chiều tối, Ban đại diện tòa nhà HH1A mua một xe téc nước giá 700 nghìn đồng, cấp miễn phí cho người dân. Hàng chục người chờ từ chiều, tiếp tục rồng rắn xếp hàng, lỉnh kỉnh chai nhựa chờ đến lượt. Nhiều người già bế theo cháu nhỏ, có cháu chưa đầy năm xuống xếp hàng chờ lấy nước. Một phụ nữ khệ nệ xách hai thùng nước, cứ một đoạn lại phải chờ cháu nhỏ chạy theo. Bà bảo đừng chụp ảnh, vì ngại với con, với cháu. Trong khi đó, bà Minh, 75 tuổi, tóc đã bạc phơ, mang hai thùng xuống lấy nước than thở “còn hơn thời kỳ tem phiếu những năm 80”. Sau khi lấy, bà Minh phải tự tay mang lên tầng 25 vì con cái đi làm chưa về.

Theo đại diện Công ty nước sạch Hà Nội, công ty chỉ có bốn xe téc luân phiên cung cấp cho người dân. Đại diện công ty lưu ý người dân kiểm tra đúng xe cung cấp nước miễn phí, tránh trường hợp một số nơi dùng xe không đảm bảo chất lượng để chờ nước, ví như dùng xe tưới cây nên nước có váng cặn. Ngoài ra, có trường hợp thấy có tình trạng thiếu nước nên chở xe nước đi bán nhưng nguồn nước lại không đảm bảo chất lượng. Biển kiểm soát 4 xe “chính hãng” của Công ty nước sạch Hà Nội là: 29S- 2615; 29C- 53496; 29C -32862; 29F- 2644.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh