Khu dân cư phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy
- Y học 360
- 13:04 - 23/09/2019
Bộ Công an cho biết, thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phòng cháy và chữa cháy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy được tăng cường.
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, thực tiễn hiện nay đã và đang xuất hiện thêm rất nhiều loại hình cơ sở, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ mà Nghị định số 79/2014/NĐ-CP chưa bao quát hết; do đó, vẫn còn những vướng mắc trong việc quản lý, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy và chữa cháy đối với các loại hình đặc thù này…
Do vậy, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP để bảo đảm điều chỉnh toàn diện, tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy là rất cần thiết.
Điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình
Dự thảo nêu rõ, khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: Có quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của khu dân cư; có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; có văn bản thẩm duyệt, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền đối với khu dân cư.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình là: Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới như sau: Phương tiện giao thông cơ giới kinh doanh vận tải, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 10 chỗ ngồi trở lên, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt vận chuyển hành khách, chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; có văn bản thẩm duyệt, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền đối với phương tiện thuộc danh mục quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về lực lượng phòng cháy và chữa cháy; phương tiện phòng cháy và chữa cháy; kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy…