THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:21

Không tài trợ cho việc chặt hạ cây xanh Hà Nội

Trả lời tại cuộc họp báo về những vấn đề liên quan đến đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh khiến người dân bức xúc, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho hay: “Việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên những tuyến phố Kim Mã, Huế, Hàng Bài… đây là chủ trương đúng của thành phố. Việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên do việc thực hiện thiếu thông tin, thiếu minh bạch, nôn nóng của một số đơn vị chức năng gây bức xúc trong dư luận”.

Thay mặt UBND TP Hà Nội, ông Hùng khẳng định việc chặt hạ, thay thế cây xanh hoàn toàn không có gì mờ ám, lợi ích nhóm. Ngoài ra, theo ông Hùng, chính "sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai" là nguyên nhân dẫn đến sự không đồng tình này. 

Cây thay thế trơ trọi, thân nhỏ, có đủ làm nên cây xanh đô thị

Trong một thông báo phát đi từ phía Hà Nội cho hay: Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty cổ phần Công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành, Công an Thành phố và một số tổ chức, cá nhân khác là những nhà tài trợ cho dự án thay thế cây xanh trên 17 tuyến phố.

Trao đổi với báo chí, hầu hết các nhà tài trợ cho hay, việc tham gia vào dự án xã hội hóa cây xanh đều xuất phát từ sự kêu gọi của thành phố vì lợi ích cộng đồng

 Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - một trong những nhà tài trợ cho đề án xã hội hóa trồng cây xanh tại Hà Nội khẳng định: “Việc “nôn nóng” có do các nhà tài trợ hay không thì chúng tôi không biết, nhưng chắc chắn không phải do chúng tôi. Vì ngoài mục đích làm tốt hơn cho cộng đồng, chúng tôi không có lợi ích gì khác trong việc này”. 

Trả lời câu hỏi về việc đẩy nhanh tiến độ có phải do “nôn nóng” của nhà tài trợ, ông Hiệp cho hay: “Theo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí, chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án. Chúng tôi cũng không có thông tin gì về việc thực thi lúc nào và như thế nào". 

Cũng theo khẳng định của ông Hiệp, việc thay thế cây xanh ở đường Nguyễn Chí Thanh không nằm trong tuyến đường do Vingroup tài trợ. Được biết, hưởng ứng sự kêu gọi của thành phố, tổng kinh phí mà tập đoàn này tài trợ là 841 triệu đồng, để thay thế lại cây trên tuyến phố Huế và phố Hàng Bài. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank cho rằng: VPBank góp tiền ủng hộ Thủ đô trồng cây mới, thay thế cây mục ruỗng, cây bệnh..., góp phần giúp Hà Nội thêm xanh, thêm đẹp chứ không được thông tin, không tham gia và không hưởng lợi gì từ việc chặt hàng loạt cây trên các tuyến phố. 

Do đó: “Những nhà hảo tâm hoàn toàn không có động cơ để "nôn nóng chặt cây”, ông Việt nhấn mạnh. 

Theo chia sẻ của ông Việt: Những ngày qua, ngân hàng nhận được rất nhiều lời chất vấn, trách cứ từ dư luận, đặc biệt là từ phía khách hàng và đối tác vì sự hiểu lầm tai hại này. 

 “Các khoản đóng góp của nhân viên VPBank dù nhỏ bé nhưng thể hiện cái tâm của họ với màu xanh Hà Nội, họ không đáng bị hàm oan như thế. Việc này xuất phát từ mục đích tốt đẹp, giống như rất nhiều hoạt động an sinh xã hội khác mà chúng tôi đã thực hiện. Chúng tôi hy vọng, khi những hiểu lầm qua đi, tấm lòng của chúng tôi sẽ được cộng đồng thấu hiểu”, ông Việt nói. 

Trước đó, chiều 18/3, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi báo Dân trí lý giải chi tiết việc thay thế cây xanh trên địa bàn. Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết: Hiện trên địa bàn có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát được trồng trên gần 3.000km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ. Hiện trạng hệ thống cây xanh đa dạng với khoảng 70 loài, trong đó có các cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, nhất là cây xà cừ. 

Ngoài ra, một số cây trên tuyến phố do người dân tự ý trồng không thuộc chủng loại cây đô thị như dâu da, vông, dướng, bông gòn, trứng cá. 

Qua rà soát cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng đến giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Vì vậy, các cây này cần từng bước được thay thế bằng loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được duyệt. 

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện từ năm 2015-2017, dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng. Trong năm 2015, Hà Nội chưa bố trí kinh phí để cải tạo, thay thế cây xanh.

 

Sau khi dư luận lên tiếng, UBND thành phố.Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, và các đơn vị thực hiện dừng việc thay thế cây xanh trên đường phố hiện nay. “Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm chưa hợp lý. Do vậy, sau khi nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học, thành phố thống nhất quan điểm dừng lại việc hạ chuyển, thay thế cây xanh”, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh