THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:37

Không phải vô cớ có từ “phái đẹp”

Đẹp ở đây với nghĩa thông thường, dễ hiểu nhất, mang ý nghĩa thẩm mỹ: Dễ coi, gây cảm giác thích ngắm nhìn, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của con người. Trong bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh” - những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam thì đẹp chính là yếu tố thứ 2 (dung). Khi nói phụ nữ là phái đẹp, người Việt ta không chỉ nghĩ đến vẻ đẹp của hình thức bên ngoài mà nói tới cả nội dung, phẩm chất - tức là bàn đến 3 yếu tố còn lại trong tứ đức nói trên. Quả là rất nhiều chị em đã đạt được để tạo nên những tổ ấm gia đình hạnh phúc, xã hội hài hòa. Rất nhiều những tấm gương anh hùng, liệt nữ đã làm rạng danh lịch sử nước nhà như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm… cũng như vô vàn tấm gương của những người đẹp trong cuộc sống hiện đại ở mọi bình diện gắn với công cuộc đổi mới đất nước. Công đức của phái đẹp đã gấp hai lần so với phái mày râu bởi lẽ chị em vẫn phải hoàn tất nghĩa vụ công dân, trách nhiệm ở công sở, nơi làm việc như nam giới. Ngoài ra còn phải gánh thiên chức trong gia đình mà việc này đàn ông thường biếng nhác, có tâm lý ỷ lại.

Truyền thống của phái đẹp sáng như ngọc quý là thế vậy nên không thể chấp nhận khi một bộ phận chị em đã vấy bẩn lên truyền thống đó bằng việc vi phạm pháp luật để phải vướng vào vòng lao lý. Càng đáng buồn hơn khi có những người của phái đẹp vẫn còn đeo khăn quàng, khoác lên mình màu áo trắng thanh khiết tuổi học trò mà sẵn sàng gây bạo lực hoặc hứng thú chứng kiến, cổ vũ bạn mình hành hung người khác. Điều ấy khiến sự dịu dàng, đoan trang, nhân hậu tạo nên phẩm hạnh của phụ nữ bỗng nhiên biến mất. Những vụ án mà kẻ phạm tội là phái đẹp thường để lại cho xã hội nỗi day dứt khôn nguôi. Nhẹ hơn, chưa đến mức tội phạm hình sự là những cử chỉ xa lạ với phái đẹp: Hành hung cảnh sát giao thông, gác chân  lên xe máy phóng như điên trên đường quốc lộ, chống người thi hành công vụ… Đây đó, thi thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những người đẹp nói năng khiếm nhã, thô tục, sẵn sàng có hành vi thô bạo với đồng loại. Những người này đã đánh mất hai chữ “ngôn” và “hạnh” trong tứ đức nói trên. Phẩm hạnh, sự dịu dàng, đôn hậu của phái đẹp cũng xa lạ với thói đố kỵ, hiềm tỵ của một số chị em, nhất là trong mối quan hệ ở các cơ quan, đoàn thể nhà nước.

Không ít người hiểu đơn giản từ “phái đẹp” là ám chỉ nhan sắc, vẻ đẹp hình thức của phụ nữ. Hiểu như vậy rất phiến diện. Đẹp luôn là sự hài hòa, không thể tách rời giữa hình thức và nội dung. Yếu tố nội dung ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế. Bằng chứng của điều này là tại các kỳ thi hoa hậu trong nước cũng như trên thế giới, người ta đã quan tâm nhiều hơn đến yếu tố trí tuệ, sự thông minh, hiểu biết của những người dự thi. Hình thức chỉ cần ưa nhìn, hài hòa, cân đối còn hơn thua nhau chính là ở những yếu tố thuộc về nội dung. Vậy nên phần thi ứng xử trở nên rất quan trọng, đã quyết định ngôi thứ của các Hoa hậu, Á hậu. Không ít cô gái có vẻ đẹp hình thức vượt trội vẫn bị loại bởi phần thi ứng xử dở, không trả lời được những câu hỏi đòi hỏi sự thông minh, hiểu biết. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng thường có ấn tượng đẹp, thiện cảm đặc biệt với những phụ nữ có duyên, có chiều sâu nội tâm, tri thức, biết ăn ở, ứng xử hơn là những người chỉ có nhan sắc thuần túy.  

Phái đẹp - thật không có từ nào cao quý, đáng giá hơn để nói về phụ nữ. Mong sao tất cả chị em ở mọi nơi, mọi tầng lớp xã hội luôn ý thức được điều này để phái mày râu mãi tôn thờ, ngưỡng mộ, dâng hiến, xả thân. 

LONG NHÃN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh