Không phải cứ ngủ cạnh mẹ là yên tâm, chuyên gia khuyến cáo bố mẹ việc cần làm để đảm bảo giấc ngủ an toàn cho con
- Bác sĩ
- 04:25 - 20/04/2020
Hàng nghìn trẻ sơ sinh, chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi trên khắp thế giới đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến giấc ngủ. Mặc dù số lượng tai nạn kiểu này đã giảm, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho đến khi tất cả trẻ sơ sinh ở mọi nơi đều an toàn khi ngủ.
Với mục tiêu này, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ mới đây đã cập nhật các khuyến nghị về thực hành giấc ngủ an toàn cho trẻ. Ngoài việc đặt em bé nằm ngửa để ngủ cho đến khi chúng tròn 1 tuổi để ngăn ngừa nguy cơ ngạt thở, còn rất nhiều điều khác mà cha mẹ có thể làm để đảm bảo bé ngủ an toàn và sâu giấc.
1. Không chọn những chiếc giường êm ái
"Mọi người đều nghĩ rằng, giường mềm thì không thể làm tổn thương em bé. Nhưng đó mới thực sự là vấn đề bởi vì nó có thể khiến trẻ bị lún sâu vào đệm. Các bố mẹ cũng thường dùng gối kê đầu bé và hậu quả thì tương tự", bác sĩ Rachel Y. Moon, chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm về SIDS (các trường hợp đột tử ở trẻ sơ sinh) cho biết. Điều này dựa trên các khuyến nghị trước đó về thứ duy nhất nên có trong không gian ngủ của bé là một tấm nệm vừa khít và một tấm ga trải giường cũng vừa khít. Gối, chăn, thú nhồi bông... không nên có ở bên cạnh khi bé ngủ, trái lại, chỉ nên có cũi/nôi, đệm và em bé mà thôi.
2. Nói không với việc ngủ chung giường, nhưng cha mẹ nên ngủ cùng phòng với bé
"Một số cha mẹ nghĩ rằng, nếu em bé nằm ngay bên cạnh, họ có thể biết liệu có vấn đề gì không và bảo vệ được con", bác sĩ Moon cho biết. "Nhưng nơi an toàn nhất để em bé ngủ là trong cũi, nôi hoặc xe cũi đẩy tách biệt với nơi cha mẹ đang ngủ". Tuy nhiên, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên, nên cho trẻ sơ sinh ngủ trong phòng bố mẹ cho đến khi được 1 tuổi hoặc ít nhất là 6 tháng đầu tiên. Việc ngủ chung phòng làm giảm nguy cơ SIDS tới 50%. Cha mẹ cũng không nên đặt bé ngủ trên ghế sofa, đi-văng hoặc ghế bọc đệm, dù là một mình hoặc với người khác.
Hãy nhớ quy tắc ABCs về an toàn giấc ngủ cho trẻ:
A (Alone) = cho em bé ngủ một mình.
B (Back-sleeping) = cho em bé nằm ngửa khi ngủ.
C (Crib) = để em bé ngủ trong nôi/cũi không có đồ linh tinh.
3. Nuôi con bằng sữa mẹ
Cho bé bú giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) tới 50%, theo bác sĩ Michael H. Goldstein, thành viên lực lượng đặc nhiệm SIDS. Tuy nhiên, việc này cũng cảnh báo về sự nguy hiểm nếu mẹ lỡ ngủ thiếp đi khi cho con bú. Hãy đảm bảo rằng các mẹ luôn tỉnh táo khi cho con bú bằng cách tránh cho bú nằm và hạn chế ăn đêm.
Ngoài quy tắc ABC về an toàn giấc ngủ, cho con bú và da tiếp da, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến nghị tăng thời gian để bé nằm sấp trong khi thức. Việc quấn chặt bé không làm giảm nguy cơ mắc SIDS. Trường hợp bạn vẫn muốn quấn người con lại, bạn cần đặt bé nằm ngửa trong nôi.
Ngoài ra, các sản phẩm như bộ gối chặn cũng không giúp ngăn ngừa SIDS. Hãy nhớ rằng, không có sản phẩm nào có thể ngăn ngừa SIDS. Chỉ có sự cảnh giác liên tục của cha mẹ khi tuân theo những quy tắc thực hành giấc ngủ an toàn mới có thể giúp giảm các trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh liên quan đến giấc ngủ.