Không nên miễn thị thực vô điều kiện cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển
- Tây Y
- 23:05 - 14/11/2019
Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Miễn thị thực vào khu kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Quy định bổ sung trường hợp được miễn thị thực "vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ" tại dự án luật nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.
Dự án luật đã bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, đồng thời có cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng đối với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự.
Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.
Nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng, an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động của người nước ngoài.
Các khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, phạm vi hẹp, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này. Do đó, Ủy ban QPAN tán thành với dự án luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), cần cân nhắc quy định này vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Bà Thúy nhấn mạnh, mặc dù dự thảo luật có điều kiện ràng buộc là "không làm phương hại đến quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam" nhưng có thể thấy điều kiện này không có ý nghĩa thực tiễn.
"Hơn 4 năm thực hiện ở một huyện đảo xa đất liền là Phú Quốc, không có nghĩa là có thể áp dụng trong các khu vực kinh tế ven biển. Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì quy định như dự thảo luật có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch", bà Thúy nói.
"Việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ. Nguyên tắc là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và vì các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh thêm.
Đại biểu dẫn chứng: Báo cáo tổng kết thi hành luật cũng nêu, tạm trú quá thời hạn cho phép còn phổ biến. Gần đây, các cơ quan chức năng cũng phát hiện các vụ đánh bạc, buôn bán vận chuyển ma túy quy mô lớn của người nước ngoài, chưa kể nhiều vi phạm khác.
Về chế tài xử phạt đối với các đối tượng vi phạm quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, hiện mới chỉ buộc xuất cảnh, cho nên luật cần chế tài bổ sung tùy theo mức độ vi phạm thời hạn thị thực mà có quy định xử phạt.
Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị không nên miễn thị thực một cách vô điều kiện đối với những người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển của Việt Nam. Bởi theo ông, càng dễ dãi thì trách nhiệm bảo vệ an toàn của chúng ta càng tăng lên, công việc của lực lượng chức năng càng quá tải và nguy cơ, rủi ro tăng lên rất nhiều.
"Vì hiện nay, chúng ta đã miễn thị thực theo các hiệp định thương mại tự do. Chúng ta đã miễn thị thực đơn phương, có thể xin thị thực bằng con đường điện tử và có thể xin thị thực ngay tại sân bay khi đến. Với tất cả những điều kiện ấy thì không có việc gì mà miễn một cách vô điều kiện đối với bất kỳ người nào vào khu kinh tế ven biển", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Theo ông Nghĩa, không nên vì mục đích thu hút khách du lịch đến với Việt Nam mà buông lỏng quản lý, bởi thực tế để bảo tồn và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, có nước thậm chí đã đóng cửa các "thiên đường du lịch".
Điều chỉnh, mở đường cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cho người về hưu
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, trong bối cảnh các thị trường lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức đang có nhiều nhu cầu đối với điều dưỡng viên, chăm sóc người cao tuổi từ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng đang trong quá trình già hóa dân số, cần phát triển chuyên nghiệp nghề điều dưỡng và chăm sóc người già thì việc xem xét, điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh để mở đường cho việc phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cho người về hưu như kinh nghiệm của Thái Lan là rất cần thiết .
Điều này, theo đại biểu, không chỉ mang lại lợi ích riêng cho ngành du lịch mà còn tạo thêm việc làm gắn với chuỗi giá trị du lịch, thúc đẩy nghề điều dưỡng, chăm sóc người cao tuổi.
"Nếu luật sửa đổi lần này chưa có điều kiện để sửa đổi chính sách đi xa cho khách du lịch nghỉ hưu, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đánh giá tác động và có thể làm thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 08 đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển. Nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm", đại biểu Hiền nói.
Dự thảo luật thể hiện quyết tâm cải cách hành chính
Đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, đa số cử tri và người nước ngoài gần đây đánh giá rất cao công tác thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài. Việc vấn đề này được thể chế hoá, đưa vào dự thảo luật lần này là rất quan trọng, thể hiện sự đổi mới, cải cách hành chính của Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến của ông Tuấn, đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) cũng đánh giá dự thảo luật lần này đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất cần sửa đổi, bổ sung và được soạn thảo theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam. "Điều này là phù hợp với chính sách đối ngoại chung của nước ta", đại biểu nêu.
Tuy nhiên, cùng một số đại biểu khác, ông Phong cho rằng, việc dự thảo luật có quy định khác nhau về cấp thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam bằng hình thức xin thị thực điện tử và xin thị thực truyền thống cần phải được cân nhắc, nhất là đối với đối tượng khách du lịch và nhà đầu tư sang thăm Việt Nam ngắn ngày.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam khi được ban hành sẽ tăng cường công tác quản lý người nước ngoài vào Việt Nam, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu các góp ý của đại biểu xung quanh các vấn đề như nguyên tắc mời, bảo lãnh đối với thị thực 1 lần cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có thời hạn ngắn với mục đích du lịch; bổ sung những trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực; cân nhắc quy định cấp thị thực, thời gian thị thực cho nhà đầu tư…
“Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao. Để hoàn thiện dự thảo luật, thời gian tới, ban soạn thảo mong nhận sự quan tâm, tiếp tục cho ý kiến để chúng tôi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này theo đúng chương trình”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.