CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:17

Không khí ở Hà Nội đang 'giết người' thầm lặng


Đáng báo động tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội

Theo số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường), trong các ngày từ 8 – 14/4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội ở mức 54-140. Cá biệt, cuối tháng 2, đầu tháng 3, chỉ số này dao động ở mức 122-178. Theo thang đánh giá chất lượng không khí tiêu chuẩn quốc tế, AQI mức độ tốt là dưới 50, từ 51-100 thuộc nhóm trung bình, từ 101-151 thuộc mức kém. Đối chiếu với thang đánh giá này, có thời điểm chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức kém.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội có sự liên quan mật thiết với việc gia tăng số lượng phương tiện ôtô, xe máy. Hiện thống kê có khoảng hơn 5 triệu xe máy và hơn 500.000 chiếc ôtô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mỗi năm, số lượng xe máy được dự báo tăng 11%, ôtô tăng 17%. Ước tính, tới năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô và 7 triệu xe máy.

Ông Tùng cũng nói thêm, vấn đề đáng lưu tâm không kém của Hà Nội là ô nhiễm bụi. Bụi ở Hà Nội rất cao, gấp 1,5 lần quy chuẩn cho phép đối với bụi PM2,5. Từ số liệu ô nhiễm môi trường trên, ông Tùng mong muốn mỗi người cần có hành động đúng, giao thông thì phải làm gì, xây dựng làm gì, kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí từ các nhà máy như thế nào....

Tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội ở mức đáng báo động (Ảnh minh họa)

 

Đây không phải là lần đầu tiên những số liệu về chỉ số ô nhiễm không khí được cảnh báo tới mọi người. Điển hình như số liệu quan trắc liên tục tự động từ một số trạm ven đường như trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), trạm Lê Duẩn (Đà Nẵng) cho thấy, nồng độ khí Ozone ở Việt Nam có xu hướng tăng đáng kể và rõ rệt từ năm 2013.

Nồng độ Ozone ở lớp không khí gần mặt đất tương đối cao, xấp xỉ ngưỡng QCVN 05:2013. Trong năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng ô nhiễm môi trường là căn nguyên của thực trạng các bệnh hô hấp và để cải thiện tình hình thì không đơn giản...

Bụi vô cùng nguy hiểm

Trước vấn đề ô nhiễm không khí và những tác động đối với các người dân, đặc biệt là những căn bệnh về đường hô hấp, Ths.BS Vũ Văn Thành – Trưởng khoa Phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, dù chưa có một báo cáo chính thức về nồng độ ô nhiễm xung quanh chúng ta là như thế nào, nhưng bằng cảm nhận chủ quan của chúng ta có thể nhận thấy trong những năm gần đây môi trường sống thật sự không được trong sạch theo nhiều nghĩa khác nhau.

“Thứ nhất là những loại bụi vô cơ, đây là loại bụi đường mà chúng ta đi đường hàng ngày có thể nhận được bám trên quần áo. Thứ 2 là khói xe, điều này chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường, điển hình như khói xe bus mù mịt ngoài đường và chắc chắn khói xe đó chứa rất nhiều chất độc hại mà chúng ta đều hít đủ khi cùng lưu thông. Đó là chưa kể những loại bụi chứa chất độc hóa học từ nhà máy...”, Ths. Thành cho biết.

Theo BS Thành, tất cả những vấn đề ô nhiễm đó đều ảnh hưởng đến hệ hô hấp vì hàng ngày khi chúng ta hít thở phải và hệ hô hấp là nơi trực tiếp đưa bụi vào cơ thể, nên bộ phận bị tác động đầu tiên là mũi họng hầu, sau đó là phổi phế quản ...

“Điều đó lý giải vì sao tỷ lệ người Việt Nam bị bệnh xoang, mũi họng rất phổ biến từ người lớn đến trẻ em. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn giúp cho virus, vi khuẩn phát triển rất nhanh nên tỷ lệ nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em luôn ở mức rất cao. Theo thống kê, trên 50% bệnh nhi đến khám ở các bệnh viện nhi đều có liên quan đến bệnh về đường hô hấp”, BS Thành cảnh bảo.

Còn người lớn, khi hít phải các chất độc hại này, sau một thời gian tích tụ lâu dài, sẽ gây ra những bệnh mãn tính về đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có thể là yếu tố gây nên bệnh ung thư...

Đáng nguy hiểm hơn, những hạt bụi (kể cả hạt hóa chất, kim loại) có kích thước dưới 2,5 micromet, có thể vào sâu bên trong phế quản và phế nang, đó là điều hết sức nguy hiểm.

“Những hạt có kích thước nhỏ dưới 2,5 micromet khi vào cơ thể sẽ không có bộ phận nào ngăn chặn được, khi đó nó sẽ bị lọt vào phế nang. Khi lọt vào phế nang những hạt độc hại này sẽ tích lũy dần dần đến khi đủ lượng nhất định sẽ gây bệnh cho con người. Đó là lý do vì sao người ta nói hạt bụi PM dưới 2,5 nó nguy hiểm là như vậy”, BS Thành cho biết thêm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh