Không khéo lại là cơ hội cho sự "cất cánh" của tham nhũng ở giai đoạn trước
- Tây Y
- 13:53 - 01/06/2018
ĐBQH Mai Sỹ Diến (tỉnh Thanh Hóa)
Chiều ngày 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) cho ý kiến là về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.
Nói về quy định kê khai tài sản trong dự thảo luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tán thành việc buộc cán bộ lần đầu bước vào hệ thống nhà nước phải kê khai tài sản để làm căn cứ đối chiếu, so sánh sau này. Theo ông, việc khai lần đầu này cũng là thời điểm để xác định người kê khai có được cho, tặng tài sản không chứ không thực tế, hầu hết cán bộ “có vấn đề”, “có dư luận” về vấn đề tài sản hiện nay đều viện dẫn là được cho, tặng, thừa kế.
Ông Nhưỡng tỏ ra thất vọng vì việc kê khai tài sản đang được thực hiện lâu nay hầu hết là hình thức, “kê chỉ để đó” vì không có quy định về việc xác minh tài sản.
"Đọc hồ sơ kê khai của nhiều người, kể cả các cán bộ cấp cao, tôi nghĩ nếu đưa ra cho nhân dân đọc thì người ta sẽ nhất định không đồng tình vì vô lý lắm” – ông Nhưỡng đề nghị quy định nguyên tắc đã có kê khai là phải có xác minh chứ không thể làm theo kiểu “bốc số ngẫu nhiên”.
Nói về những vướng mắc trong đề xuất đánh thuế 45% với tài sản bất minh của cán bộ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng lo ngại, có khả năng trước khi luật này được thông qua thì cán bộ sẽ ồ ạt khai ra rất nhiều tài sản cho là được thừa kế, tặng cho.
"Như vậy, có thể “thời điểm trước khi đạo luật này ra đời lại là cơ hội nâng đỡ cho sự "cất cánh" của tham nhũng ở giai đoạn trước”, ông Nhưỡng nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại tổ
Đồng quan điểm, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Thanh Hoá Mai Sỹ Diến cho rằng, có những tài sản vì vấn đề tế nhị không kê khai.
“Ví dụ phụ nữ có quyền sinh con, người cha tặng cho đứa con nhà nhiều tỉ đồng bằng tài sản hợp pháp của mình. Vì tế nhị, người phụ nữ đó không kê khai ai là người tặng và họ có quyền với tài sản của mình. Thế thì tài sản này không rõ nguồn gốc. Vậy việc xác minh là trách nhiệm của nhà nước, của cơ quan phải chứng minh tài sản đó là hợp pháp hay không hợp pháp”, ông Diến nói.
Theo ĐB Mai Sỹ Diến, nếu nhà nước không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì tài sản đó thuộc quyền của công dân. Thuế cũng không đánh được, thu hồi cũng không. Vì vậy đánh thuế những trường hợp mà không có cơ sở sẽ xảy ra nhiều tình huống phức tạp.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng nhận xét: “Đánh thuế 45% tài sản bất minh là biện pháp xử lý nửa vời vì nếu tài sản đã xác định là bất minh thì phải tịch thu chứ sao lại chỉ lấy 45%. Phương án này phá vỡ cả lý luận và thực tiễn. Sao có thể nói tài sản bất minh thì chỉ 45% là do tham nhũng còn lại 55% thì không nên có thể được giữ lại?”.
Về các ý kiến này của các đại biểu Quốc hội, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết, về việc lựa chọn con số thu thuế 45%: "Đây là chỉ nói đến xử lý tài sản không kê khai hoặc kê khai không trung thực. Có thể do anh nhận thức không đúng nên kê khai không đúng, có thể do che giấu để trốn thuế hoặc tài sản đó không minh bạch, đây là vấn đề khó. Qua rất nhiều cuộc thảo luận, sau khi cân nhắc, Chính phủ đưa ra phương án đánh thuế với 45% đối với tài sản được phát hiện không kê khai hoặc kê khai không trung thực', ông Lê Minh Khái nói.