CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Không được chủ quan với hoàn lưu bão số 7

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng nay (10/10), bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đêm nay, áp thấp nhiệt đới đi vào các tỉnh, thành phố từ Hải Phòng đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8… Ngoài gió mạnh, hoàn lưu bão số 7 còn gây ra đợt mưa to đến rất to tại các tỉnh, thành phố thuộc phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp.

Đặc biệt, trên khu vực ngoài khơi Philippines đã xuất hiện cơn bão Kompasu. Khoảng đêm 11 và sáng 12/10, bão sẽ đi vào khu vực Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 trong năm 2021. “Đây là cơn bão có cường độ mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), có tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc khu vực Trung Bộ trong khoảng ngày 13 hoặc 14/10…”, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định.

Báo cáo về công tác ứng phó bão số 7, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn 61.468 phương tiện với 278.639 người. 8 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã cấm biển; hỗ trợ người dân chằng chống toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng sơ tán 41.315 hộ dân với 151.422 người gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19... Các tỉnh vùng đồng bằng, ven biển đã chủ động tiêu nước đệm để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp. Cơ quan quản lý các hồ thủy điện, thủy lợi chủ động vận hành xả lũ đúng quy trình.

Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các đơn vị quân đội đã huy động 382.253 cán bộ, chiến sĩ và 2.969 phương tiện các loại (trong đó có máy bay trực thăng) sẵn sàng hỗ trợ người dân phòng ngừa, ứng phó và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác dự báo, chỉ đạo, phòng ngừa, ứng phó bão số 7… Mặc dù bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng các bộ, ngành địa phương tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó; trong đó phải tập trung rà soát, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, nhất là các vị trí trọng điểm, xung yếu; vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19… Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát diễn biến của bão số 8 để chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó...

Đánh giá vai trò công tác dự báo là rất quan trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo làm cơ sở chỉ đạo kịp thời, chính xác. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, đầu tư dứt điểm các công trình phòng, chống thiên tai; khẩn trương tham mưu, điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân khi di chuyển tàu thuyền, phương tiện vào nơi tránh, trú bão…

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh