Không có chuyện vỡ quỹ BHXH
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:37 - 25/06/2016
Đây là khẳng định của ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam trong hội nghị “ Cung cấp thông tin về kết quả tổ chức thực hiện luật BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm 2016 và định hướng công tác tuyên truyền 6 tháng cuối năm” tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, sáng 26/6.
Ông Phạm Lương Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo ông Vũ Mạnh Chữ, Phó trưởng ban Thu BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2016, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 12,3 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với năm 2015, bằng 98,3 so với kế hoạch. Trong khi đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 191 000 người, giảm 27 000 người so với năm 2015, nguyên nhân do người hoạt động không chuyên trách cấp xã trước đây được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện nay chuyển sang đóng BHXH bắt buột theo quy định mới.
Cũng tính đến thời điểm trên, số đối tượng tham gia BHYT là 70,95 triệu người, bằng 98,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao, đạt tỉ lệ phủ 77% dân số. Các nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao là những người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp, đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc được các tổ chức BHXH đóng. Trong khi đó, nhóm tham gia BHYT có tỉ lệ thấp lại tập trung ở các hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh và sinh viên; hộ gia đình…
Mặc dù kết quả đạt được khá mỹ mãn, tuy nhiên trong quá trình triển khai ngành BHXH cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể là việc thanh, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động còn chưa quyết liệt: một số doanh nghiệp ngoài nhà nước thường trốn và chậm đóng, chiếm dụng tiền của người lao động; một bộ phận người lao động do sợ mất việc nên không dám đòi hỏi quyền lợi được đóng BHXH và BHYT. Mặt khác, các tổ chức như công đoàn, đoàn thể chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Xoay quanh vấn đề dùng hình thức khuyến mại, tặng quà để thu hút bệnh nhân tại các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là phòng khám Phương Nam (Cần Thơ), gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: “ Chúng tôi từng phát hiện nhiều trường hợp tương tự và đã có hướng xử lý đích đáng. Trước hết, chúng tôi kiểm tra chặt chẽ quy trình cung cấp dịch vụ y tế có đúng theo quy định của Bộ Y tế, phân tích và đánh giá kết quả chẩn đoán cận lâm sàn xem có hợp lý? Nếu các đơn vị vẫn cố tình vượt trần, làm các chẩn đoán kỹ thuật cao không cần thiết, chúng tôi kiên quyết không thanh toán.”
Cũng trong hội nghị, ông Võ Thành Đông, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Y tế tại TP.Hồ Chí Minh góp ý về việc thanh toán lương qua ATM, nên chăng bỏ việc thu phí hàng tháng cũng như mỗi lần rút tiền, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt lực lượng công nhân có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, ông Đông cũng đề nghị BHXH sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, tránh hiện tượng trục lợi BHYT thông qua việc khám nhiều lần trong ngày khi thông tuyến áp dụng như vừa qua.
Trả lời thắc mắc báo, đài liên quan đến thủ tục khi tham gia BHYT hộ gia đình, ông Vũ Mạnh Chữ chia sẻ: “Từ giữa năm 2015 đến nay, BHXH có nhiều hướng dẫn thông thoáng hơn, thành viên hộ gia đình chỉ cần kê khai danh sách người thân đã tham gia BHYT vào mẫu và chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký, không cần xuất trình bất cứ giấy tờ gì để chứng minh. Kết thúc năm, cơ quan BHXH sẽ kiểm tra xem việc kê khai có chính xác hay không nhằm tránh mất thời gian cho người tham gia”
Liên quan đến các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, ông Phạm Lương Sơn cho biết: “ Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện luật BHXH và BHYT; tăng cường công tác kiểm tra giám định, đặc biệt kiểm soát chi phí khám chữa bệnh; thí điểm tập trung đấu thầu quốc gia đối với một số thuốc…với mục đích mang lại quyền lợi cao nhất cho người tham gia”