Trạm trưởng huyện Hưng Nguyên: Không có chuyện nuôi lươn bằng thuốc tránh thai!
- Sức khỏe
- 19:38 - 12/10/2015
Thương hiệu lươn đồng xứ Nghệ bị ảnh hưởng
Trong những ngày qua trên các phương tiện truyền thông rộ lên thông tin, người nuôi lươn đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An “vỗ béo” lươn bằng thuốc tránh thai dành cho người. Dù tác hại của người tiêu dùng khi ăn phải loại lươn được “vỗ béo” bằng phương thức đặc biệt này như thế nào vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh.
Tuy nhiên, thông tin trên đã khiến thương hiệu “Lươn đồng xứ Nghệ” bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo ngại khi sử dụng loại thực phẩm trên.
Chị Trương Thị H. một người tiêu dùng trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An chia sẻ: “Từ trước đến nay tôi thường xuyên mua lươn đồng để nấu cháo cho con, và chế biến món ăn trong gia đình. Tuy nhiên từ khi có thông tin trên tôi cũng tỏ ra rất lo ngại và không sử dụng lươn nữa. Dù tôi vẫn không rõ nếu sử dụng lươn được “vỗ béo” bằng thuốc tránh thai thì sẽ có những tác hại như thế nào”. Không chỉ riêng chị H. mà rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo ngại khi có thông tin trên.
Không có chuyện nuôi lươn bằng thuốc tránh thai
Để tìm hiểu rõ hơn sự thực về “bí kíp” đặc biệt này chúng tôi về xóm 16, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, tìm gặp anh Trần Ngọc Duyên (SN 1974, trú tại xóm 16) - người được cho là đã để lộ “bí kíp” vỗ béo lươn đặc biệt này.
Anh Duyên cũng là người duy nhất trên địa bàn huyện Hưng Nguyên áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn đạt hiệu qủa kinh tế cao.
Khi chúng tôi đặt vấn đề anh Duyên thành thật: “Hôm đó có một người đến hỏi tôi về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, tuy nhiên ở trang trại của tôi chỉ thuần dưỡng lươn giống và cung cấp lươn giống cho người nuôi lươn chứ tôi không nuôi lươn thành phẩm. Trong quá trình thuần dưỡng lươn giống, tôi không sử dụng thuốc tránh thai như người ta nói”.
Được biết, lươn là loài lưỡng tính, đến chu kỳ sinh sản, một số lươn sẽ biến đổi thành lươn cái. Thông thường lươn đực sẽ phát triển nhanh hơn lươn cái nếu như chăm sóc đúng và đạt yêu cầu. Chu kỳ sinh sản của lươn thường vào tháng 2 âm lịch.
“Làm gì có chuyện vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai. Ở đâu thì tôi không biết chứ ở trại của tôi không có chuyện đó. Theo tôi con lươn là loại thực phẩm sạch nhất. Bởi người nuôi lươn lúc nào cũng phải để con lươn đạt trọng lượng tối đa mới bán ra thị trường. Trong quá trình nuôi, lươn rất kén ăn, nó đã ăn loại nào thì phải cố định loại đó, nếu muốn thay đổi hay vỗ béo bằng những thực phẩm khác cũng không được bởi như thế lươn sẽ bỏ ăn và chết”, anh Duyên khẳng định.
Anh Duyên cho biết thêm, quá trình thuần dưỡng lươn giống để nó có thể thích nghi với môi trường mới gặp rất nhiều khó khăn. Qua nhiều lần thử nghiệm học hỏi kinh nghiệm anh mới thành công được. Đầu tiên sau khi mua lươn giống còn rất nhỏ được đánh bắt ở đồng ruộng, anh đưa về nuôi nhốt trong môi trường được tạo gần như giống với môi trường tự nhiên và tập cho con lươn ăn. Thức ăn được chế biến bằng cá đồng tươi xay trộn với khoảng 10% thức ăn công nghiệp. Lươn là loài rất kén ăn vì vậy nguồn thức ăn phải được đảm bảo cố định.
Sau khoảng 2 tháng thuần dưỡng, anh Duyên sẽ cung cấp con giống cho các khách hàng. Chủ yếu là những đơn vị bộ đội trên địa bàn tỉnh Nghệ An để nuôi lươn thương phẩm. Trong quá trình thuần dưỡng, anh Duyên có sử dụng một số loại thuốc sát trùng và vệ sinh thông thường chứ hoàn toàn không sử dụng loại thuốc tránh thai cho người như thông tin đã đưa.
Trang trại của anh Duyên có 4 bể lươn, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại anh chỉ còn nuôi khoảng 10kg lươn giống (khoảng 3.000 con lươn - PV). Mỗi năm anh Duyên thuần dưỡng và cung cấp ra thị trường khoảng 200kg lươn giống. Nguồn thức ăn chủ yếu được tận dụng từ các loại cá đồng nuôi dưỡng trong ao của gia đình.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Nếu người nuôi lươn sử dụng thuốc tránh thai nhằm gây ức chế, ngăn chu kỳ biến đổi của lươn để số lươn này đều là lươn đực nhằm tăng trưởng nhanh hơn thì người nuôi lươn chỉ sử dụng một lần vào chu kỳ sinh sản của lươn, hoàn toàn không sử dụng trong toàn bộ chu kỳ nuôi lươn thương phẩm. Vì thế nếu sử dụng loại thuốc tránh thai dành cho người trong quá trình nuôi lươn thì có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng?
Đem vấn đề này trao đổi với một cán bộ kỹ thuật khuyến nông tỉnh Nghệ An và cán bộ này khẳng định với PV Dân trí rằng: “Tôi khẳng định rằng việc nuôi lươn, vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Tôi cũng đã trả lời rằng, theo Thông tư 15 nói về những danh mục thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là cấm và hạn chế sử dụng. Chứ không phải nói là không cho sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhưng vẫn có những danh mục cho nhưng mà hạn chế.
Trước đây và cho đến tận bây giờ chúng tôi cũng đang trăn trở với con lươn đồng ở xứ Nghệ. Vì thế mà chúng tôi cũng đã từng đề xuất đề tài khoa học về con lươn, nhưng vẫn chưa thực hiện được dự án này, vì hiện nay lươn đồng tự nhiên vẫn đang nhiều nên… dự án đang tạm dừng lại đã”.
Còn ông Trần Văn Sâm, Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Hưng Nguyên, cũng khẳng định, không có chuyện nuôi lươn hay vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai như tin loan truyền vừa qua.
“Như vừa qua một số trang mạng loan tin rằng nuôi, vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai phản ánh trên địa bàn huyện chúng tôi, tôi khẳng định không bao giờ có chuyện đó. Hiện nay trên địa bàn huyện chúng tôi có 4 hộ gia đình nuôi lươn cung cấp ra thị trường cũng tương đối…”, ông Trần Văn Sâm, Trạm trưởng trạm khuyến nông Hưng Nguyên khẳng định với PV Dân trí.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ vấn đề trên, có câu trả lời chính thức đến người tiêu dùng. Để người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng loại thực phẩm ngon, bổ vốn đã thành một thương hiệu “Lươn đồng xứ Nghệ”.