THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 06:49

Không có ca mắc mới đến sáng ngày 5/10 nhưng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn thường trực

Ban Chỉ đạo Quốc gia sáng ngày 5/10 cho biết Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 33 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Tuy nhiên theo lãnh đạo Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn thường trực tại các địa phương do vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng; nguồn bệnh từ người nhập cảnh

Số ca mắc ở Việt Nam: Tính đến 6h ngày 05/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca. Tính từ 18h ngày 04/10 đến 6h ngày 05/10: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Đến hôm nay Việt Nam cũng đã bước sang ngày thứ 33 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã sang ngày thứ 48, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Không có ca mắc mới đến sáng ngày 5/10 nhưng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn thường trực - Ảnh 1.

Minh họa

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn thường trực tại các địa phương do vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng; nguồn bệnh từ người nhập cảnh (hợp pháp hoặc trái phép...). Trong khi đó, thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan; người dân, chính quyền đã có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Về các giải pháp phòng, chống dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tiếp tục kiên định các biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với nhiệm vụ chính là tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài. Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt trường hợp nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý trường hợp nhập cảnh là chuyên gia theo Công văn số 4995/BYT-DP ngày 21/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế.

Khi phát hiện các ca nhiễm ở cộng đồng, các địa phương cần thực hiện quyết liệt nguyên tắc phòng chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để, dập dịch” nhằm hạn chế tác động đối với phát triển kinh tế-xã hội cũng như an ninh, an toàn, trật tự xã hội.

Bên cạnh việc ban hành hướng dẫn phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế của Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu rõ gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Đồng thời, các địa phương tiếp tục truyền thông về phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó chú trọng truyền thông về việc thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.363, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 263. Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.551. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.549

Không có ca mắc mới đến sáng ngày 5/10 nhưng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn thường trực - Ảnh 2.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.020 bệnh nhân COVID-19/1.096 ca mắc (khoảng 96% tổng số ca mắc đã được chữa khỏi). Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 1 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.


PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh